Điều 9 của hiến pháp Nhật Bản hiện vẫn tuyên bố "các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không, cũng như các lực lượng chuẩn bị chiến tranh, không bao giờ được phép duy trì".
Việc sửa đổi hiến pháp đòi hỏi 2/3 sự ủng hộ ở lưỡng viện quốc hội, tiếp sau đó là một cuộc trưng cầu dân ý với đa số cử tri đồng tình. Thúc đẩy việc thông qua sửa đổi là tham vọng chính trị của đảng cầm quyền và nhiều thế hệ trong gia đình ông Abe, nhưng sẽ là một ván bài chính trị của chính thủ tướng Nhật Bản.
Từ thập niên 1950, Nhật Bản duy trì Lực lượng Phòng vệ dù về mặt chính thức, họ không có quân đội. Ảnh: Reuters. |
Chạy đua "nước rút"
Đảng Tự do Dân chủ (LDP) của Thủ tướng Abe đang kiểm soát quốc hội với sự hậu thuẫn của một liên minh nhỏ hơn, và không chắc liên minh này sẽ ủng hộ đề xuất của ông Abe. Tất nhiên, các lãnh đạo của đảng LDP cũng thừa nhận rằng họ không đợi chờ việc nhận được sự chấp thuận từ các đảng đối lập lớn.
Nhật hoàng sắp thoái vị, nước Nhật sẽ có vua mới vào ngày 1/5/2019 và Olympics mùa hè diễn ra vào năm 2020. Đó là những lúc sự đoàn kết trong người dân tăng cao và LDP sẽ không muốn xen vào thời khắc đó. Có lẽ vì vậy mà hôm 12/8, ông Abe đã hối thúc đảng của mình xúc tiến nhanh qua trình sửa hiến pháp để trình lên quốc hội trong năm nay, nếu được, để chỉnh sửa có hiệu lực vào năm 2020.
Tuy nhiên, LDP vẫn chưa có động thái chính thức nhằm thuyết phục công chúng. Nghị sĩ đảng LDP Keisuke Suzuki nói rằng các chiến dịch vận động sẽ hướng nhóm "đa số im lặng" trong các cử tri trẻ, những người muốn Nhật Bản được kính trọng hơn trên thế giới và muốn đại hóa quân đội.
"Chúng tôi không muốn thay đổi này quá diều hâu và thiên tả. Chúng tôi cần biến nó (thành một ý tưởng) trung lập, thực tế", ông Suzuki nói.
Hiến pháp hiện nay do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến thứ hai và được người dân Nhật Bản bỏ phiếu thông qua. Những người ủng hộ cho rằng hiến pháp, có hiệu lực từ năm 1947, là biểu tượng của nền dân chủ sau thế chiến trong khi những người chỉ trích xem đây là di sản đáng xấu hổ của người Nhật trước Mỹ vào thời kỳ đó.
LDP đã thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp từ thập niên 1950 dưới thời cựu thủ tướng Nobusuke Kishi, cũng là ông của ông Abe.
Đảng LDP muốn đẩy nhanh việc thông qua sửa đổi đến tránh hàng loạt sự kiện lớn tại Nhật Bản trong năm 2019 và 2020. Ảnh: Reuters. |
Những người phản đối nói rằng chính phủ Nhật Bản đã đi quá xa với việc diễn giải hiến pháp và thông qua đạo luật về quyền phòng vệ tập thể hồi năm 2015, cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài. Việc sửa đổi hiến pháp sẽ càng mở rộng vai trò của quân đội ở nước ngoài.
"Dù đã có điều 9 Hiến pháp, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn phình to bằng quân đội Anh", Reuters dẫn lời giáo sư Đại học Sophia, ông Koichi Nakano nói hồi tháng 6/2017.
Canh bạc mạo hiểm của Abe
Thách thức lớn hơn là cuộc trưng cầu dân ý và LDP muốn xây dựng sự ủng hộ trong dân chúng trước khi xúc tiến quá trình thông qua sửa đổi. Wall Street Journal nhận định nhiều người Nhật Bản, với những ký ức về Thế chiến thứ hai vẫn còn in đậm, không muốn từ bỏ chiến lược hòa bình nửa thế kỷ qua của Nhật. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân chưa sẵn sàng thay đổi điều 9 của hiến pháp.
"Trong lòng nước Nhật vẫn còn một ác cảm mạnh mẽ với mọi dạng bành trướng quân sự", Wall Street Journal dẫn lời Hiroyuki Hosoda, người đứng đầu đội ngũ phụ trách việc sửa đổi hiến pháp của đảng LDP cầm quyền.
Dù vậy, "thế giới đã thay đổi. Nhật Bản là một quốc gia tiên tiến. Không ai có lẽ phải khi bắt đầu chiến tranh cả", ông nói.
Từ thập niên 1950, Nhật Bản duy trì Lực lượng Phòng vệ và thay đổi ông Abe muốn thúc đẩy sẽ chính thức trao quyền cho lực lượng này. Những người ủng hộ nói rằng việc này gửi đi thông điệp rằng Nhật Bản có đủ năng lực tự vệ trước trường hợp Mỹ tái xem xét cam kết an ninh với đồng minh còn Trung Quốc tăng cường căng thẳng trong khu vực.
Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ suy giảm sau nhiều bê bối, nỗ lực này của ông Abe, nếu thất bại, sẽ đẩy ông vào thế khó khăn hơn. Nếu câu trả lời trong cuộc trưng cầu dân ý là "không", thủ tướng Nhật sẽ đối mặt với áp lực phải từ chức trong khi các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của LDP rất khó khơi lại việc sửa hiến pháp.
Thủ tướng Abe đang trải qua giai đoạn tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm nghiêm trọng sau hàng loạt bê bối. Ảnh: Reuters. |
Một cuộc thăm dò của báo Asahi công bố hồi tháng 5 cho thấy 53% cử tri được hỏi phản đối kế hoạch này trong khi 39% người đồng tình. Các cuộc thăm dò khác cho thấy tỷ lệ ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp cao hơn nếu trong câu hỏi không có tên ông Abe.
Kiyomi Tsujimoto, nghị sĩ đảng Dân chủ Hiến pháp đối lập, nói rằng việc xúc tiến cho sự thay đổi này sẽ đặt Nhật vào hoàn cảnh như nước Anh trước Brexit hoặc nước Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2016.
Trong khi đó, ông Suzuki của LDP cho rằng trong bối cảnh tên lửa Triều Tiên vẫn là mối đe dọa với Nhật Bản. Theo ông, nếu Triều Tiên phóng tên lửa trong ngày trưng cầu dân ý, tỷ lệ ủng hộ sẽ là 80%.