"Những kẻ ghê gớm". "Những gã thiển cận trên một đảo quốc". "Những kẻ mọi rợ trên đảo, kẻ thù không đội trời chung của nước Triều Tiên". "Tên lùn chính trị không có vai vế". "Kẻ trộm gây ra chiến tranh và mang đến sự cai trị đầy khổ đau lên Triều Tiên".
Theo Japan Times, trong giai đoạn mà quan hệ liên Triều lẫn Mỹ - Triều đã ấm lên, khi truyền thông nước này tạm ngưng những lời lẽ thù địch với cả Mỹ lẫn Hàn Quốc, Bình Nhưỡng lại tập trung vào một mục tiêu: Nhật Bản, nhà cai trị cũ của cả hai miền bán đảo Triều Tiên.
Trước cuộc gặp ngày 12/6 tại Singapore giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã không hề đưa tin hay bình luận mang tính chỉ trích về Mỹ.
Tương tự, Bình Nhưỡng cũng hạn chế chỉ trích trực tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, thay vào đó nhắm vào "chính quyền" hoặc hướng về chính quyền của tổng thống bảo thủ đã bị phế truất, bà Park Geun Hye.
Trong lúc truyền thông Triều Tiên đã thôi công kích Hàn Quốc và Mỹ, Nhật Bản vẫn tiếp tục là mục tiêu. Ảnh: AFP. |
Chỉ còn Nhật Bản để công kích
Mọi mũi dùi hầu như hướng về phía Nhật Bản và tần suất chỉ trích tăng đến mức chưa từng có trong vài tháng qua. Theo thống kê của Japan Times, Triều Tiên đã công kích Nhật Bản hầu như hàng ngày trong suốt tháng 7, cụ thể là 29 lần trong 31 ngày của tháng. Số lượng này gấp 2 lần tổng số lần công kích của 15 tháng trước đó.
Các bài bình luận và chỉ trích của Bình Nhưỡng thường nhắm vào việc công kích Thủ tướng Shinzo Abe và chính quyền Abe đã sử dụng mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên để chống chế cho việc tái quân sự hóa và trở thành một "ông lớn quân sự". Bình Nhưỡng cũng tức giận trước quan điểm cứng rắn của Tokyo trong vấn đề phi hạt nhân hóa và tháo dỡ cấm vận đối với Triều Tiên.
Truyền thông Triều Tiên miêu tả Nhật Bản "liên tục khóc lóc" về "mối đe dọa" Triều Tiên trong khi tình hình đã khác.
Ngày 11/7, Triều Tiên công kích đích danh ông Abe và gọi ông là "ông trùm tham nhũng", liên quan đến những bê bối gần đây của ông Abe tại Nhật và việc ông bị tố sử dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên để khỏa lấp những bê bối đó.
Tuần tiếp theo, Bình Nhưỡng lên án Ngoại trưởng Nhật Taro Kono là "kẻ ba xạo không bao giờ biết phải làm gì cho đúng", sau khi ông Kono đề xuất rằng Tokyo có thể gánh vác chi phí thanh sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Thủ tướng Abe đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm nghiêm trọng sau hàng loạt vụ bê bối. Trong năm 2017, tỷ lệ ủng hộ ông tăng lên vào những thời điểm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AFP. |
"Kẻ thù thế kỷ"
Nhật Bản, cai trị bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, từ lâu đã là "mục tiêu yêu thích" của Triều Tiên. Các chuyên gia nhận định sự tàn bạo của thời gian thuộc địa này cùng với những câu chuyện về hành động anh hùng của Chủ tịch Kim Nhật Thành trước Đế quốc Nhật đã trở thành nền tảng ý thức hệ cho Triều Tiên về sau.
"Nhật Bản là kẻ thù gốc rễ của dân tộc Triều Tiên, dù cho Mỹ về sau cũng đã trở thành một kẻ thù, miền Bắc không bao giờ thôi công kích Nhật Bản", Japan Times dẫn lời Van Jackson, cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện là chuyên gia về Triều Tiên giảng dạy tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand.
Ngoài ra, các nhà quan sát cho rằng có nhiều động cơ để Bình Nhưỡng tăng cường mũi công kích về phía Tokyo như thời gian gần đây.
"Sau khi đã chinh phục được Seoul và Washington trong năm nay với cách tiếp cận tích cực, từ đó 'củng cố' quan hệ với Bắc Kinh và Moscow, giờ là lúc xử lý vấn đề Nhật Bản, nước được xem là 'con bò sữa' lớn nhất trong các nước lẫn các tổ chức", Japan Times dẫn lời Sung Yoon Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Fletcher về Luật và Ngoại giao, Đại học Tufts, bang Massachusetts (Mỹ).
"Ký ức lịch sử là yếu tố chủ đạo trong truyền bá tư tưởng của nhà nước Triều Tiên và là cổ phiếu 'blue chip' để thu về hàng tỷ USD một khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao", ông Lee nói. Cổ phiếu blue chip là cổ phiếu thường do công ty lớn phát hành, cho thu nhập ổn định và độ rủi ro thấp.
Nhật Bản, sau thời gian là bên ủng hộ nhiệt thành nhất cho chính sách "gây áp lực tối đa" của Mỹ lên Triều Tiên, lại đang có vẻ bị cô lập sau khi Mỹ - Triều tái lập việc đối thoại.
Năm 2017, khi Triều Tiên liên tục phóng hàng loạt tên lửa, với nhiều lần tên lửa bay ngang Nhật Bản, Tokyo đã ủng hộ chính sách "gây áp lực tối đa" của Washington. Ảnh: AFP. |
Nhà lãnh đạo Kim là người góp công lớn trong tiến trình này. Ông thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng, đạt được cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, rồi đến Mỹ. Giờ đến Nhật.
Hào quang của cuộc gặp Kim - Trump tại Singapore có lẽ đã thúc đẩy Thủ tướng Abe tìm kiếm một cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên, sau khi nhận thấy ông càng lúc càng bị cô lập trong vấn đề Triều Tiên dù các quan chức Nhật Bản cố tỏ ra lạnh nhạt về cuộc gặp này trước các suy đoán của truyền thông.
Nhật Bản đã hứa sẽ bình thường hóa quan hệ và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên nếu các vấn đề hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng được giải quyết. Một cuộc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Triều Tiên - Nhật Bản có thể cũng "trọng đại" tương tự lần Tokyo tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul vào năm 1965. Khi đó, Hàn Quốc đã nhận về 800 triệu USD viện trợ kinh tế.
Japan Times dẫn một số tính toán cho biết nếu Triều Tiên và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ, số tiền bồi thường Tokyo chi ra có thể từ 5-10 tỷ USD, con số đáng kể so với nền kinh tế khiêm tốn của Triều Tiên.
Và trong lúc Trump đang chỉ về phía các nước châu Á để chi trả viện trợ cho Triều Tiên, "bởi đó là láng giềng của họ", rất có thể Washington sẽ yêu cầu thẳng việc này với Tokyo.
"Bình Nhưỡng có nhiều chiến thuật để làm trong lúc này, họ biết rằng Nhật Bản sẽ làm những gì Mỹ yêu cầu. Nếu đó là 20 tỷ USD, đó sẽ là 20 tỷ USD", theo giáo sư Alexis Dudden tại Đại học Connecticut, chuyên gia về lịch sử hiện đại của Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Nói ngắn gọn, Bình Nhưỡng biết rằng Washington sẽ yêu cầu Tokyo chi trả phần lớn số tiền cần trong khía cạnh kinh tế trong tầm nhìn của chính quyền Trump về Triều Tiên", ông dự đoán.
Triều Tiên hy vọng Mỹ sẽ gây áp lực lên Nhật Bản, đồng minh lâu năm của họ, để đảm bảo hòa bình cho Đông Bắc Á. Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên nắm cây gậy?
Ông Jackson, cựu quan chức Lầu Năm Góc, cho rằng việc cố gắng xây dựng hình ảnh Nhật Bản như một mối đe dọa nhằm xây dựng sự đoàn kết về chính trị có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ với Tokyo và lợi ích đi kèm.
"Về nguyên tắc, viện trợ phát triển và đầu tư của Triều Tiên sẽ là lý do hấp dẫn để cải thiện quan hệ, nhưng điều đó sẽ thách thức trực tiếp văn hóa juche (chủ thể) của Triều Tiên", ông nói. "Toàn bộ lịch sử Triều Tiên là lịch sử của sự tìm kiếm một cách bướng bỉnh nền độc lập và con đường đi của riêng mình, dù họ vẫn lấy sự viện trợ và nguồn lực từ các thế lực bên ngoài".
Ngoài kinh tế, ông Kim được cho cũng muốn giữ Nhật Bản ở thế bất lợi và phải gắn với hình ảnh xấu.
"Chỉ trích quá khứ chiến tranh của Nhật Bản sẽ khiến mọi thứ trông trầm trọng thêm, nhiều nước châu Á cũng chia sẻ điều đó", theo Sheila Smith, nhà nghiên cứu về Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một viện nghiên cứu ở Washington.
Bà cho rằng việc "cô lập" Nhật Bản sẽ thử thách cam kết của Mỹ đối với Nhật, đồng thời ép ông Abe phải tìm kiếm một cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên. Đó đồng thời còn là sự trừng phạt khi Tokyo đã giữ quan điểm cứng rắn trước Bình Nhưỡng hơn Washington hay Seoul.
"Triều Tiên sẽ giữ nguyên áp lực lên Nhật Bản dù cho đôi bên có bắt đầu 'đàm phán đột phá' được đi chăng nữa", ông Lee nói. "Vì sao? Vì cách tốt nhất để 'cải thiện quan hệ' là luôn có gậy và thỉnh thoảng mới có cà rốt".
Ông cho rằng người đang cầm cây gậy là Triều Tiên.