Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức đề nghị sửa đổi điều 9 trong hiến pháp Nhật Bản trước năm 2020 để làm rõ vai trò của lực lượng phòng vệ nước này.
Điều 9 của hiến pháp Nhật Bản cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh và không duy trì các lực lượng không quân, hải quân cùng bộ binh truyền thống. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hiện tại dù là lực lượng vũ trang chính thống nhưng theo hiến pháp hiện tại thì không được "thừa nhận" chính thức. Việc sửa đổi mới được hy vọng sẽ "chính thức hoá" vai trò này của quân phòng vệ.
Hiến pháp hiện nay do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến thứ hai và được người dân Nhật Bản bỏ phiếu thông qua. Những người ủng hộ cho rằng hiến pháp là biểu tượng của nền dân chủ sau thế chiến trong khi những người chỉ trích xem đây là di sản đáng xấu hổ của người Nhật trước Mỹ vào thời kỳ đó.
Hiến pháp Nhật Bản từ bỏ vĩnh viễn quyền phát động chiến tranh hay duy trì lực lượng quân đội truyền thống. Ảnh: Reuters. |
Tham vọng 'di sản' của ông Abe
Nếu việc sửa đổi hiến pháp thành công, đó sẽ là di sản của Thủ tướng Abe, người luôn theo đuổi nhằm khôi phục các giá trị truyền thống và cởi bỏ các kìm hãm đối với các lực lượng quân sự của Nhật.
"Khi ông ta nhìn lại những năm nắm quyền, ông ta muốn nói 'tôi đã sửa đổi hiến pháp'", cựu thứ trưởng quốc phòng Akihisa Nagashima nói với Reuters.
Kể từ khi có hiệu lực vào năm 1947 đến nay, hiến pháp Nhật Bản chưa từng trải qua việc sửa đổi.
Không chỉ vì động cơ chính trị, đề xuất sửa đổi hiến pháp của Thủ tướng Abe còn là việc có tính chất cá nhân. Ông ngoại ông Abe, cựu thủ tướng Nobusuke Kishi, trong thời gian nắm quyền hồi thập niên 1950, cũng từng đề xuất sửa đổi hiến pháp nhưng thất bại.
"Di sản Abe muốn để lại là ông ấy chính là vị thủ tướng đã hoàn tất đề xuất ban đầu của đảng mình sau 60 năm", Bloomberg dẫn lời Gerald Curtis, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Colombia.
Việc sửa đổi hiến pháp luôn là mục tiêu hành động của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản. "Ông ấy còn đang hoàn thành bổn phận đối với gia đình", ông Curtis cho biết.
Bloomberg cũng nhận định ông Abe đã khôn ngoan chọn thời điểm này để đưa ra đề xuất, khi căng thẳng với Triều Tiên dâng cao và phe đối lập đang ở thế yếu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Phản ứng trái chiều
Việc sửa đổi hiến pháp hòa bình chắc chắn sẽ gây nên phản ứng từ Trung Quốc và Hàn Quốc, hai quốc gia vẫn không thể quên được quá khứ phát xít của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
"Vì những lý do lịch sử, cộng đồng quốc tế, đặc biệt các láng giềng châu Á, luôn luôn quan tâm và đã cảnh báo về xu hướng quân sự của Nhật Bản", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết gần đây.
Bà Oánh nói rằng Trung Quốc mong Nhật Bản "tôn trọng tinh thần của hiến pháp hòa bình".
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng chính quyền mới tại Hàn Quốc sẽ tránh chỉ trích trực tiếp Nhật Bản vì hai nước đang phải hợp tác chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trong khi đó, cử tri Nhật Bản đang chia rẽ về vấn đề này. Theo khảo sát của đài NHK, tỷ lệ cử tri ủng hộ việc thay đổi điều 9 hiến pháp vào năm 2002 là 30% và giảm xuống chỉ còn 25% vào đầu năm nay. Dù vậy, một khảo sát của tờ Nikkei vào đầu tháng 5 cho thấy 50% cử tri ủng hộ đề xuất của thủ tướng.
Những người phản đối nói rằng chính phủ Nhật Bản đã đi quá xa với việc diễn giải hiến pháp và thông qua đạo luật về quyền phòng vệ tập thể, cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài. Việc sửa đổi hiến pháp sẽ càng mở rộng vai trò của quân đội ở nước ngoài.
"Dù đã có điều 9 Hiến pháp, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn phình to bằng quân đội Anh", Reuters dẫn lời giáo sư Đại học Sophia, Koichi Nakano.
Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe có thể sẽ hoàn thành đề nghị thay đổi hiến pháp vào cuối năm để quốc hội thông qua vào năm sau. Tiếp đó, cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra.