Các vũ khí không gian tiên tiến hoặc chiến dịch tấn công mạng tinh vi đang trở thành mối đe dọa ngày một lớn đối với các vệ tinh. Chính phủ nhiều nước bắt đầu xem các chương trình vũ trụ không đơn thuần là nghiên cứu khoa học mà còn là vấn đề an ninh quốc gia cấp bách.
Theo Nikkei Asian Review, những nước như Ấn Độ và Nhật Bản đang thúc đẩy bổ sung "các đặc tính quân sự" cho những chương trình không gian, dù xuất phát điểm ban đầu nhằm các mục tiêu dân sự và hòa bình.
Nhiều chuyên gia lo ngại các cường quốc đang biến không gian thành một mặt trận mới để cạnh tranh năng lực quốc phòng. Ảnh: Nikkei. |
Chạy đua vũ trang bất đắc dĩ
Tháng 3 năm nay, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ cùng triển khai chương trình "Đối thoại Không gian". Các bên hợp tác không chỉ trong lĩnh vực thám hiểm Mặt Trăng mà còn trong nhiều vấn đề an ninh, bao gồm cả chia sẻ tình báo. Tokyo và New Delhi chấp nhận trao đổi thông tin radar, vệ tinh và cả cơ sở hạ tầng trên mặt đất, nhằm cải thiện năng lực quốc phòng của cả hai.
Ấn Độ đặc biệt lo ngại trước những động thái gia tăng ảnh hưởng rõ rệt của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương.
Bắc Kinh đã thiết lập một căn cứ hải quân tại Djibouti, cửa ngõ khu vực Sừng Châu Phi. Doanh nghiệp Trung Quốc còn nắm được giấy phép thuê cảng biển chiến lược Hambantota ở Sri Lanka trong 99 năm, mở ra khả năng hiện diện hải quân "sát vách" Ấn Độ. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Maldives cũng có sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc.
"Trung Quốc còn đưa vào hoạt động chương trình quân sự ngoài không gian vô cùng tinh vi", Rajeswari Pillai Rajagopalan, lãnh đạo Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian, thuộc Quỹ Nghiên cứu Người quan sát tại Ấn Độ, nhận định. Bà cho rằng Bắc Kinh đang "củng cố sẵn năng lực để có thể vận dụng trong tương lai".
Ấn Độ từ lâu đã khẳng định được tên tuổi của mình trong lĩnh vực phóng vệ tinh giá rẻ. Năm 2014, trong một dự án được Mỹ hỗ trợ, Ấn Độ đưa thành công vệ tinh thăm dò vào quỹ đạo Sao Hỏa với kinh phí chỉ 76 triệu USD. Tuy nhiên, chuyên gia Rajagopalan đánh giá New Delhi đã bị đặt vào tình thế chạy đua vũ trang "bất đắc dĩ".
Nếu năng lực quốc phòng ngoài không gian của Ấn Độ không được cải thiện, "họ sẽ lâm vào tình thế bất lợi một khi xung đột bùng nổ", nữ học giả cảnh báo. Ấn Độ phải tăng tốc cải thiện sức mạnh không gian để giám sát các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Việc hợp tác với Nhật Bản cũng là một phần của chiến lược nói trên.
Nhật Bản cũng khẳng định rõ những lo ngại an ninh ngoài không gian trong sách trắng quốc phòng vừa được công bố tháng 12/2018. Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya đánh giá viễn cảnh bị tấn công ngoài không gian, tấn công mạng và tấn công bằng xung điện từ (EMP) đã trở thành những rủi ro lớn, đặc biệt khi môi trường an ninh khu vực đang biến động với tốc độ đáng kinh ngạc.
Dean Cheng, nhà nghiên cứu tại Quỹ Heritage (Mỹ), cho rằng cả Tokyo và New Delhi đang "cảm thấy khó chịu ra mặt trước những bước tiến mở rộng chiến lược của Trung Quốc".
"Mô hình hợp tác lần này, cùng với những phối hợp giữa hai nước về quốc phòng và ngoại giao, sẽ đóng một vai trò lớn trong bối cảnh an ninh châu Á nhiều thập niên tới", ông Cheng nhận định về chương trình Đối thoại Không gian Nhật - Ấn.
Ấn Độ tháng 12/2018 phóng vệ tinh liên lạc viễn thông quân sự thứ ba vào quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: ISRO. |
Mặt trận mới của các siêu cường
Ấn Độ và Nhật Bản bắt tay trong lĩnh vực không gian giữa lúc cuộc chạy đua công nghệ vũ trụ giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng.
Ngày 3/1, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đáp tàu vũ trụ lên "vùng khuất" của Mặt Trăng. Sự kiện đánh dấu bước tiến vượt bậc của chương trình công nghệ vũ trụ mà Trung Quốc theo đuổi những thập niên gần đây.
Cuối tháng 12, Bắc Đẩu - hệ thống vệ tinh định vị của Trung Quốc - cũng đạt được độ bao phủ toàn cầu, phá thế "độc tôn" của phương Tây. Trước đó, chỉ có mạng lưới vệ tinh của Mỹ, Nga và Liên minh Châu Âu (EU) làm chủ được công nghệ này.
Trung Quốc vẫn chưa muốn dừng lại. Nước này đặt mục tiêu khởi động chương trình thám hiểm Sao Hỏa vào năm 2020 và hoàn thành trạm không gian đầu tiên của riêng mình vào năm 2022.
Nhiều chuyên gia cho rằng những tiến bộ trong công nghệ vũ trụ của Trung Quốc còn đi kèm các hàm ý an ninh. Chuyên gia Dean Cheng thừa nhận sứ mệnh khám phá "vùng khuất" của Mặt Trăng là một thành tựu khoa học khổng lồ, nhưng cũng cảnh báo rằng "người Trung Quốc thường nhìn nhận chương trình không gian như một thông điệp chính trị và quân sự".
"Các vũ khí chống vệ tinh (ASAT) của Nga và Trung Quốc nhiều khả năng đạt năng lực vận hành bước đầu trong vài năm nữa", báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu năm 2018 của cộng đồng tình báo Mỹ dự đoán.
Năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công ASAT để phá hủy một vệ tinh thời tiết của nước này. Ngoài Trung Quốc, chỉ có Mỹ và Liên Xô từng thử nghiệm loại vũ khí tương tự.
Trước những bước tiến của đối thủ, Washington thời gian qua nhiều lần công khai đề cập viễn cảnh vũ trụ trở thành một chiến trường mới. Phát biểu tại Lầu Năm Góc vào tháng 8, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh: "Các đối thủ của chúng ta đã biến vũ trụ thành một chiến địa từ lâu. Mỹ sẽ không lùi bước trước thách thức này".
Mỹ đang có những bước điều chỉnh cơ cấu chỉ huy quân đội để thích nghi với tương lai này. Tháng 12/2019, Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh Không gian (SpaceCom), tiền đề cho ra đời Lực lượng Vũ trụ hoàn chỉnh.
Tấn công hơn phòng thủ
Phòng thủ cho vệ tinh và các tài sản ngoài không gian có thể là thách thức lớn nhất đối với Mỹ và các nước. "Trong không gian, tấn công luôn chiếm thế áp đảo trước phòng thủ", ông Yassuhito Fukushima, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản, nhận định.
Theo thống kê của Liên đoàn Các nhà khoa học Trăn trở (UCS) - một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, tính đến ngày 30/11/2018 đã có 1.957 vệ tinh bay quanh Trái Đất. Riêng Mỹ chiếm gần 43% số lượng với 849 vệ tinh. Trung Quốc đứng thứ hai với 284 vệ tinh, xếp trên Nga với 152 vệ tinh. Số lượng vệ tinh khổng lồ khiến những nỗ lực phòng thủ thêm phức tạp.
Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đưa thiết bị thăm dò đến "phần tối" của Mặt trăng. Ảnh: CLEP. |
Để bảo vệ các vệ tinh của mình, cùng với đó là mạng lưới liên lạc quân sự và thông tin tình báo, nhiều nước đang theo đuổi mô hình "nhận thức sớm tình hình ngoài không gian" (SSA).
Thông qua hệ thống radar và cảm biến trên mặt đất, các nước sẽ theo dõi liên tục tình hình và rủi ro ngoài không gian, từ rác vũ trụ đến "sát thủ vệ tinh". Ấn Độ đã lên kế hoạch xây năm cơ sở giám sát lớn cùng hơn 500 điểm đặt thiết bị giám sát ở năm nước: Bhutan, Nepal, Maldives, Bangladesh và Sri Lanka, theo Times of India.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao cũng tìm cách xây dựng khung pháp lý quốc tế hoặc quy tắc ứng xử ngoài không gian. EU đã thử đề xuất một "bộ luật mềm" cho các hoạt động quốc tế ngoài không gian. Nỗ lực này nhận được ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản, Australia và nhiều nước khác.
Dù vậy, bộ luật không nhận được sự đồng thuận của Trung Quốc và Nga. Ngay cả Ấn Độ cũng lên tiếng phản đối, cho rằng châu Âu muốn áp đặt luật lệ đối với những nước đang phát triển.
Bắc Kinh và Moscow cũng đưa ra đề xuất cấm vũ khí ngoài không gian bằng một hiệp ước nằm trong khuôn khổ Hội nghị Giải giáp vũ khí Geneva. Tuy nhiên, đến lượt Washington lên tiếng phản đối, cho rằng phương án không bao trùm những loại vũ khí được phóng từ mặt đất. Lỗ hổng này khiến việc bảo vệ tài sản ngoài không gian thành một nhiệm vụ bất khả thi.
"Nga và Trung Quốc thường xuyên đưa ra những đề xuất chỉ có lợi cho họ, không giới hạn tham vọng phát triển vũ khí chống vệ tinh", ông Dean Cheng nhận định.