Câu chuyện về khẩu trang y tế nóng bỏng suốt vài ngày qua khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 4/2 về phòng, chống dịch corona, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, cho biết đã chỉ đạo chấn chỉnh lại việc tuyên truyền liên quan đến khẩu trang y tế.
Theo ông, không phải cứ đeo khẩu trang là chống được bệnh và không phải nhất thiết là khẩu trang y tế. Nhận định tới đây khẩu trang sẽ thiếu và thiếu cả nguyên liệu sản xuất, ông Đam cho biết đã chỉ đạo tháo gỡ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch corona. Ảnh: Hoài Vũ. |
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết đã cùng Bộ Y tế chỉ đạo các thương vụ kết nối, tìm các nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang.
Theo ông An, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may cũng tổ chức dây chuyền sản xuất khẩu trang bằng vải kháng khuẩn với năng lực sản xuất 500.000 chiếc/ngày.
Nếu trường hợp cấp bách mà ban chỉ đạo có ý kiến thì sẽ dừng các đơn hàng xuất khẩu dệt may để may khẩu trang vải, khi đó năng lực sản xuất có thể lên tới 30 triệu chiếc/ngày. Ông An nhấn mạnh khẩu trang vải có thể giặt, phơi khô, sấy khô để dùng mà vẫn có tác dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp ý thức được tình trạng này nên đã ưu tiên sản xuất khẩu trang cho trong nước. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thuyết phục đối tác hoãn đơn hàng để ưu tiên nhiệm vụ này.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh: Hoài Vũ. |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhắc đến việc Đại sứ quán Trung Quốc có 2 công hàm nhờ thông quan 2 lô hàng có tổng cộng 4,7 triệu chiếc khẩu trang sang nước này.
“Các lô hàng nhỏ đã thông quan sau khi có ý kiến từ cuộc họp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Bộ Tài chính. Còn lô hàng lớn trên thì xin báo cáo Thủ tướng cho ý kiến”, bà Mai nói và xin phép cho xuất khẩu 2 lô khẩu trang để đảm bảo quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đề xuất Thủ tướng cho miễn thuế nhập trong trường hợp khẩn cấp đối với mặt khẩu trang y tế, nước rửa tay khử trùng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Ảnh: Hoài Vũ. |
Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính có đề xuất cụ thể. Còn Bộ Công Thương, Bộ Y tế cần nhập gấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thiết bị cần thiết. “Phải làm ngay đi, lúng túng mấy hôm dịch bùng ra tìm không ra đâu”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ sau đó đề nghị các địa phương theo nhiệm vụ, chức năng được giao kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch hay đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả điều tra, khởi tố hình sự.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương tuyên truyền các tấm gương trong phòng chống dịch, như ở một số nơi phát khẩu trang miễn phí cho dân.
Báo cáo về việc dừng các lễ hội và hoạt động tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh khi có dịch corona, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết đã thực hiện chủ trương không tụ tập đông người, từng bước dừng các lễ hội.
Ngoài ra, Bộ Văn hoá đã kiến nghị Thủ tướng tạm dừng các hoạt động tại các di tích danh lam thắng cảnh, văn hoá đề phòng dịch lây lan nơi đông người. "Đa số địa phương đồng thuận, chỉ có một số cá nhân và đơn vị vì lợi ích kinh tế nên có phản ứng. Nếu chỉ dừng lễ hội mà không dừng hoạt động ở khu di tích thì cũng không được", bà Thuỷ nói.
Thủ tướng sau đó chỉ đạo các lễ hội đông người cần thiết phải dừng. Còn hoạt động tại các khu di tích không như lễ hội, người dân có thể đi từng nhóm nên cần xem xét.