Sau khi lắng nghe đại diện các bộ, ngành báo cáo và nêu đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận nhiều nội dung nhằm thực hiện tốt hơn các giải pháp chống dịch.
Chưa ban bố tình trạng khẩn cấp vì chưa quá phức tạp
Nhận định tình hình dịch còn diễn biến khó lường, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không chủ quan, không bi quan hay hoang mang. Ông nhấn mạnh chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng nhân dân, nhưng phải chủ động giữ được sự ổn định phát triển của một số ngành.
“Tinh thần là chống dịch như chống giặc, không để dịch bệnh lây lan, vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát sao để có chỉ đạo. Bộ Y tế rà soát các kịch bản, phương án ứng phó, không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép khi chở hàng viện trợ sang Trung Quốc có thể kết hợp đưa sinh viên Việt Nam ở Vũ Hán về. Ảnh: Hoài Vũ. |
Nhắc đến việc công bố dịch vừa qua, Thủ tướng khẳng định việc công bố là đúng luật và chưa ban bố tình trạng khẩn cấp vì tình hình chưa quá phức tap.
"Chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, vừa triển khai các đối sách, giải pháp, vừa giảm thiểu tác động của dịch tới Việt Nam. Rất có thể việc này không chỉ là trước mắt mà sẽ kéo dài", Thủ tướng nói.
Nhắc đến các giải pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh việc đề nghị Bộ Y tế, các địa phương thục hiện nghiêm cách ly y tế với những người từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian 14 ngày. Cùng với đó, sàng lọc và điều trị theo phương châm 4 tại chỗ; tập huấn chuyên môn cho cả hệ thống nhằm hạn chế việc lây chéo.
“UBND các cấp phối hợp với các cơ quan như Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện vấn đề này. Kể cả người đi từ nước khác qua Trung Quốc rồi đến Việt Nam phải được cách ly vì đây là biện pháp rất quan trọng không để lây nhiễm trong cộng đồng”, Thủ tướng nói.
* Diễn biến dịch bệnh corona ngày 4/2
- 90: Số người đang cách ly tại Việt Nam.
- 10: Số người mắc tại Việt Nam.
- 4: Số bệnh nhân đã khỏi ở Việt Nam.
Ông giao Bộ Ngoại giao chủ động có văn bản trao đổi với các cơ quan của Trung Quốc về các biện pháp phòng dịch của Việt Nam, thống nhất với Trung Quốc việc đưa công dân Việt Nam về nước, nhất là người Việt ở Vũ Hán.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao chủ trì tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Trung Quốc về nước. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý nghiêm việc xuất nhập cảnh, đi lại qua cửa khẩu.
Chở hàng viện trợ có thể kết hợp đưa người Việt về
Đối với các chuyến bay, tàu liên vận chở hàng (không chở người), Thủ tướng đồng ý cấp phép nhưng phải đảm bảo vệ sinh phòng bệnh. Việc này để đảm bảo thương mại bình thường và chính Việt Nam cũng có nhu cầu.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoài Vũ. |
Thủ tướng cũng đồng ý với việc cấp phép cho các chuyến bay đưa khách Trung Quốc từ Việt Nam về nước nhưng khi trở về, máy bay phải “về không”, không được chở khách.
Chỉ đạo việc phải nhanh đưa viện trợ đến Vũ Hán, Thủ tướng lưu ý các chuyến chở hàng viện trợ sang có thể kết hợp đưa người Việt Nam (gồm cả sinh viên và phụ huynh người Việt Nam ở Vũ Hán) có nguyện vọng về nước, khi cần thiết có thể điều máy bay.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lưu ý việc đưa sinh viên Việt Nam từ Trung Quốc về nước phải khống chế vì số lượng này rất đông. Khi về vẫn phải cách ly 14 ngày.
Theo ông, chỉ đưa sinh viên ở Vũ Hán - trung tâm của dịch corona về nhưng không tổ chức chuyến riêng mà kết hợp khi viện trợ cho Trung Quốc đưa số này trở về Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị có báo cáo rõ đưa về bằng đường nào, thời gian, địa điểm ra sao để Bộ Y tế có kế hoạch đón. Khi đón sẽ cách ly ngay 14 ngày.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết theo báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, hiện có có 302 sinh viên Việt Nam học ở Vũ Hán, có 281 em về ăn Tết, hiện còn 21 sinh viên còn lại ở trung tâm dịch. Trong 281 sinh viên về nước đã có 7 người xét nghiệm, 3 người âm tính và 4 người chờ kết quả.
Ngày 31/1, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng hàng hóa, cụ thể là vật dụng y tế cho Trung Quốc để chia sẻ với chính phủ và nhân dân Trung Quốc khi dịch cúm virus corona lan rộng.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết đã vận động viện trợ hàng hóa trị giá 100.000 USD cho Trung Quốc.
7 tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc cũng đã có các động thái phù hợp nhằm hỗ trợ cho người dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước.