Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhân viên Google bị nam đồng nghiệp quấy rối trong nhiều tháng

Bị đồng nghiệp quấy rối khi làm việc tại nhà, nhân viên Google bức xúc với cách hành xử thiếu trách nhiệm của công ty.

nhan vien Google bi quay roi anh 1

Chia sẻ với Business Insider, Saki (tên nhân vật được thay đổi) cáo buộc Google không giải quyết khiếu nại của cô về việc bị một nam đồng nghiệp quấy rối từ tháng 3-9/2020. Đây là thời điểm văn phòng Google tại Tokyo (Nhật Bản) chuyển sang hình thức làm việc tại nhà do ảnh hưởng dịch bệnh.

Trong email gửi đến Saki, đại diện phòng nhân sự Google nói rằng hành động quấy rối diễn ra ngoài nơi làm việc, không thuộc phạm vi quản lý của công ty. Tuy nhiên, Saki khẳng định bị đồng nghiệp quấy rối trong lúc làm việc từ xa theo hướng dẫn của Google.

"Tôi hoàn toàn thất vọng... Tôi không biết chuyện sẽ ra sao nếu làm việc ở văn phòng", Saki thừa nhận gặp khó khăn khi báo cáo những bất cập trong làm việc tại nhà.

Nhắn tin gạ gẫm khi đã có vợ

Câu chuyện của Saki được chia sẻ sau khi 500 nhân viên Alphabet, công ty mẹ của Google, đồng loạt ký tên yêu cầu dừng việc bao che nhân viên bị cáo buộc quấy rối đồng nghiệp vào tháng 4.

Một số tài liệu được Saki chia sẻ cho Business Insider gồm ảnh chụp màn hình tin nhắn giữa cô và nam đồng nghiệp, bản sao email khiếu nại gửi lên phòng nhân sự Google ở Tokyo và lời xác minh sự việc từ 2 người bạn của Saki.

Saki gia nhập Google từ tháng 12/2019. Ngay sau khi vào làm, cô đã nhận tin nhắn từ một đồng nghiệp chưa từng gặp qua LinkedIn. Trong tuần đầu, người đàn ông mời Saki uống nước. "Tôi chỉ muốn bàn chuyện công việc", anh ta nhắn với Saki.

nhan vien Google bi quay roi anh 2

Google từng đối mặt nhiều cáo buộc thiếu trách nhiệm khi giải quyết trình trạng nhân viên bị quấy rối tình dục. Ảnh: The Guardian.

Vài tuần sau, người đồng nghiệp bày trò tán tỉnh cô bằng tin nhắn: "Tôi thấy em thật hấp dẫn... Em rất đẹp khi mặc đồ trắng. Ra ngoài uống nước cùng tôi nhé". Tuy Saki nói rằng cô bận, người này vẫn tỏ ý muốn gặp mặt.

Đến tháng 1/2020, Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Cả 2 chấp nhận hẹn hò trong bối cảnh đại dịch bùng phát. Tuy nhiên chỉ một tháng sau, Saki phát hiện người đồng nghiệp kia đã kết hôn. Muốn cắt đứt quan hệ ngay khi biết sự thật, Saki quyết định gọi video cho bộ phận nhân sự của Google để trao đổi.

Thông qua luật sư, nam đồng nghiệp khẳng định mối quan hệ "nghiêm túc" với Saki chỉ bắt đầu sau khi anh ta tiết lộ mình đã kết hôn. Tuy nhiên, dữ liệu ghi nhận cho thấy Saki đã gọi cho bộ phận nhân sự vào ngày 1/3, ngay khi biết người đàn ông tán tỉnh mình đã có vợ.

Nhân viên bị quấy rối trong nhiều tháng, Google vẫn "ngó lơ"

Thuật lại cuộc gặp, Saki cho biết đại diện Google đã trích dẫn chính sách chấp nhận mối quan hệ giữa 2 nhân viên tại nơi làm việc, miễn là một người không phải cấp cao của người kia. Theo Google, sự việc được Saki mô tả chủ yếu diễn ra ở nhà, không phải văn phòng nên không được xem là vấn đề tại nơi làm việc.

"Họ nói với tôi: 'Anh ta không phải sếp của bạn. Bạn cũng đồng ý hẹn hò nên đó là chuyện riêng của bạn'", Saki cho rằng Google xem mối quan hệ này là vấn đề riêng tư nên từ chối giải quyết.

Trong nhiều tháng tiếp theo, nam đồng nghiệp kia vẫn nhắn tin thường xuyên với Saki dù cô muốn cắt đứt quan hệ. "Tôi rất hạnh phúc khi gặp em. Tôi luôn hào hứng mỗi khi chúng ta gặp nhau. Nghe giọng em khiến tôi hạnh phúc cả ngày" là nội dung tin nhắn được anh ta nhắn cho Saki vào ngày 4/4/2020. Saki không trả lời tin nhắn.

nhan vien Google bi quay roi anh 3

Google cho rằng tình trạng quấy rối nhân viên xảy ra tại nhà nên từ chối điều tra. Ảnh: Bloomberg.

"Tôi muốn đi dạo với em", người đồng nghiệp nhắn cho Saki vào 8/5/2020. 9 ngày sau, thêm một tin nhắn ghi rằng: "Có thể em hết hứng hoặc không còn thích tôi, nhưng tôi đã suy nghĩ về mối quan hệ này... Tôi rất hân hạnh nếu chúng ta đi dạo và nói về mọi chuyện".

Trong suốt nhiều tháng, người đàn ông liên tục muốn gặp Saki trong giờ làm việc, dù cô liên tục từ chối. "Tôi không muốn làm người thứ ba. Tôi không muốn nhìn mặt anh, chúng ta không có gì để nói", Saki trả lời người đồng nghiệp vào tháng 6/2020.

Khi Google tuyên bố phần lớn nhân viên sẽ làm việc tại nhà đến hết năm 2020, người đồng nghiệp bị cáo buộc quấy rối thường xuyên đến nhà Saki dù không được mời. Trong lần đầu vào ngày 10/7/2020, Saki đã từ chối khi anh ta muốn đến nhà, nhưng nhận lại phản hồi "Anh đang trên taxi rồi".

Sau nhiều lần bị làm phiền, Saki quyết định gọi video cho bộ phận nhân sự lần thứ 2 vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, bất chấp những hành động quấy rối gây "ám ảnh", đại diện Google vẫn khẳng định đó là mối quan hệ đồng thuận, là chuyện riêng tư nên từ chối điều tra.

"Cả 2 bạn đều không có tư cách áp đặt người khác trong công ty. Do đó, chúng tôi vẫn giữ quan điểm đây là vấn đề cá nhân. Tôi hiểu đây là tình huống khó khăn, nhưng mong bạn thông cảm vì công ty không có quyền can thiệp chuyện cá nhân của nhân viên", đại diện Google tiếp tục cho rằng đó là việc xảy ra tại nhà của Saki nên không có trách nhiệm giải quyết.

Saki không chấp nhận phản hồi trên bởi như hàng triệu người khác, nhà của Saki đã trở thành nơi làm việc trong cả năm 2020.

Không lâu sau đơn khiếu nại thứ 2 của Saki, người đàn ông này đã rời Google để sang một công ty công nghệ khác nhưng không rõ lý do.

"Tôi phải thừa nhận sự tồn tại của anh ta theo thời gian bởi lĩnh vực công việc của chúng tôi giống nhau... Tôi vẫn cảm thấy mình bị đe dọa thường xuyên", Saki cho biết cô vẫn lo lắng bởi người này tiếp tục làm việc trong một công ty công nghệ.

Quá mệt mỏi với cách giải quyết thiếu trách nhiệm của đội ngũ nhân sự tại Google, Saki quyết định rời công ty vào tháng 1/2021.

nhan vien Google bi quay roi anh 4

Theo nghiên cứu của Open Democracy, làm việc tại nhà đã "mang đến cơ hội cho kẻ xấu đe dọa, uy hiếp và lạm dụng phụ nữ". Ảnh: AP.

Làm việc tại nhà tạo điều kiện cho quấy rối?

Trả lời Business Insider, đại diện Google từ chối bình luận về cáo buộc của Saki, nhưng khẳng định chính sách tại địa phương "nghiêm cấm rõ ràng hành vi quấy rối tại nơi làm việc".

"Chúng tôi điều tra mọi cáo buộc và sẽ hành động kiên quyết nếu có nhân viên vi phạm", phát ngôn viên của Google từ chối trả lời câu hỏi liệu chính sách về quấy rối có được cập nhật sau khi dịch bệnh bùng phát hay chưa.

Bản chất của quấy rối tình dục nơi làm việc đã thay đổi sau dịch bệnh. Theo nghiên cứu của Open Democracy, làm việc tại nhà đã "mang đến cơ hội cho kẻ xấu đe dọa, uy hiếp và lạm dụng phụ nữ".

Dù vẫn còn rất ít nghiên cứu, các chuyên gia trên thế giới khẳng định nhiều công ty đã thất bại trong việc điều chỉnh chính sách.

"Trong thế giới làm việc từ xa, tình trạng quấy rối phải được xem xét lại. Mọi người có thể bị quấy rối qua tin nhắn, bình luận và video. Do đó, điều quan trọng với bộ phận nhân sự và lãnh đạo công ty là nâng cao nhận thức, tăng cường đào tạo và mở ra không gian tâm lý an toàn để nhân viên lên tiếng", Josh Bersin, nhà sáng lập công ty tư vấn nhân sự Bersin Academy chia sẻ.

Bên trong trung tâm dữ liệu 13 tỷ USD của Google Tháng 02/2019, Google thông báo sẽ xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu hơn ở Bắc Mỹ. Điều này tạo ra hàng nghìn công việc và mở rộng không gian văn phòng cùng trung tâm dữ liệu.

Lý do Dải Gaza bị làm mờ trên Google Maps

Là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất thế giới, tuy nhiên ảnh vệ tinh của Gaza trên Google Maps bị làm mờ.

Google Chrome có bản cập nhật lớn, tải trang nhanh hơn

Chrome bị đánh giá thấp vì "ngốn RAM" của máy tính. Sau bản cập nhật mới nhất, trình duyệt này sẽ được bổ sung thêm tính năng mới khiến khả năng tải trang trở nên nhanh chóng.

Phúc Thịnh

Theo Business Insider

Bạn có thể quan tâm