Trong tiểu thuyết Bọt tháng ngày, Boris Vian đã nhắc đến cá chình như một biểu tượng của sự xui xẻo. Ảnh: Mood Indigo. |
Vào giữa thế kỷ 20, khi tác phẩm Cái trống thiếc được xuất bản lần đầu, khoa học đã giải mã được phần lớn bí mật của loài cá chình. Nó đã được giải ảo và làm sáng tỏ. Nhân loại đã tìm đến với lời giải đáp cho câu đố của loài cá chình một cách chậm rãi nhưng chắc chắn.
Nguồn cội của chúng đã được tìm ra và cách thức sinh sản đã được xác minh. Quá trình này tiến triển rất chậm chạp, giống như con sên bò bên cạnh đoàn tàu siêu tốc, sự phát triển vũ bão của khoa học kể từ thời Phục Hưng, nhưng lúc này, con người đã hiểu rõ gần như toàn bộ loài cá chình.
Chúng ta không còn bị giới hạn ở nhiệm vụ đơn giản là chỉ ra sự tồn tại bất khả chối cãi của nó, mà đã ở vào vị thế có thể thảo luận về tương lai của sự tồn tại đó. Chúng ta không chỉ đã biết rằng tồn tại loài cá chình, mà còn biết một số điều về việc cá chình là gì. Chúng ta đâu còn phải thuần túy dựa vào niềm tin nữa.
Ấy thế mà, cá chình vẫn tiếp tục bị gắn liền với sự phi lý trong đầu óc của loài người, với sự xa lạ và khó hiểu, trong cả văn học lẫn nghệ thuật. Nó vẫn là một sinh vật nhớp nhúa, đáng sợ thuộc về bóng tối, đang ngoe nguẩy trồi lên từ vùng nước thẳm. Một sinh vật không giống bất cứ sinh vật nào khác.
Trong tiểu thuyết kinh điển Bombi Bitt và tôi (Bombi Bitt and Me) của nhà văn Thụy Điển Fritiof Nilsson Piraten xuất bản năm 1932, cá chình là một con quỷ, quái vật có sừng đã phát triển tới kích thước hơn ba mét sau vô số năm tháng sống dưới đáy sâu. Nó đã trốn tránh con người trong một cái ao dường không thấy đáy ở nơi hẻo lánh thuộc vùng Scandinavia cho tới khi các nhân vật chính của cuốn sách, Eli và Bombi Bitt, cùng ông già Vricklund, lên đường đi bắt nó vào một đêm nọ.
Ông già Vricklund đã tìm được cách kéo con cá khỏi cái ao; đó là một “sinh vật kỳ quái đen trùi trũi, quậy nước lên thành bọt” – rồi tiếp đó, một cuộc vật lộn dữ dội xảy ra. Con cá chình dựng thẳng thân lên “như một trụ điện thoại”; ánh trăng làm nổi bật chiếc sừng lớn của nó; cuộc vật lộn chỉ kết thúc khi Vricklund cắn ngập răng vào cơ thể to lớn của nó.
Cuốn sách Phúc âm của loài cá chình của tác giả Patrick Svensson. Ảnh: H.H. |
“Ta đã cắn chết con khốn nạn này rồi,” Vricklund tuyên bố khi máu vẫn nhỏ xuống từ miệng ông ta. Nhưng đó chỉ là chiến thắng tạm thời. Con cá chình hồi sinh. Nó sống lại cùng một tiếng thở dài hắt ra, rồi trườn nhanh qua đám cỏ và biến mất vào trong lòng đất qua một cái lỗ trên mặt đất. Nó đã trở về nơi mà rõ ràng, từ đó, nó đã đến, nơi của bóng tối, của vô thức, của những cõi giới thấp kém nhất và đen tối nhất trong linh hồn.
Trong câu chuyện tình mang màu sắc siêu thực xuất bản năm 1947 của Boris Vian, Bọt tháng ngày (The Foam of Days), cá chình là một sinh vật nực cười, báo trước những thảm kịch đang chực chờ ập đến. Nó chui ra từ vòi nước trong nhà bếp ngay đầu câu chuyện. Hàng ngày, nó đều thò đầu ra khỏi vòi nước, ngó nghiêng xung quanh rồi lại biến mất. Cho đến một ngày nọ, tay đầu bếp ma mãnh đã đặt một quả dứa lên kệ bếp và con cá chình không cưỡng nổi đã cắn ngập răng vào đó.
Tay đầu bếp đã làm món pa tê cá chình hảo hạng mà nhân vật chính của câu chuyện, Colin, thưởng thức trong lúc nghĩ về người yêu mình, Chloé, cô gái anh ta vừa mới gặp và chuẩn bị cưới, nhưng sẽ sớm rơi vào cơn trọng bệnh thập tử nhất sinh. Một cây hoa súng đang phát triển trong ngực nàng, một loài thực vật thủy sinh đến từ thế giới của cá chình. Nó đang lớn lên như một khối u ác tính, giết dần giết mòn nàng và để lại chàng Colin cô đơn với trái tim tan nát.
Tuy nhiên, màn trình diễn ấn tượng nhất của cá chình, ít nhất trong văn học, đến từ cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1983 của nhà văn Anh Graham Swift, Vùng đất ngập nước (Waterland). Tác phẩm kể về câu chuyện của Tom Crick, một giáo viên dạy lịch sử đã cố gắng khơi gợi trí tưởng tượng của những học sinh có đầu óc khoa học và đang buồn chán của mình bằng câu chuyện thời thơ ấu của chính anh.
Anh kiểm tra trí nhớ không đáng tin cậy của bản thân để cố gắng hiểu xem tại sao mọi chuyện lại kết thúc theo cách như chúng đã kết thúc. Cuộc hôn nhân của anh với Mary và việc họ không có con. Sự điên khùng mới chớm của cô. Tất cả đã bắt đầu từ lúc nào? Có phải từ con cá chình sống mà một đứa con trai khác nhét vào trong quần cô lúc cô còn nhỏ hay không?
Hay nó bắt đầu với anh trai của Tom, Dick, người cũng theo đuổi Mary khi họ còn trẻ và đã giành chiến thắng trong cuộc thi bơi chỉ để gây ấn tượng với cô? Giống như con cá chình trên hành trình đến biển Sargasso, anh ta bơi xa hơn người khác để đạt được mục tiêu của mình, và cũng là mục tiêu của sự tồn tại. Nhưng tại sao anh ta làm thế? Và điều đó thực sự có ý nghĩa gì?
Toàn bộ câu chuyện mông lung và không đáng tin cậy. Ai chân chính biết sự thật là gì cơ chứ? Nhưng con cá chình lại luôn có mặt ở đó. Từ đầu chí cuối. Nó trườn qua toàn bộ câu chuyện như một lời nhắc nhở liên tục về mọi thứ đã bị che giấu hoặc bị lãng quên.
Gần cuối câu chuyện, Tom Crick kể cho học sinh nghe về chính loài cá chình. Về câu đố của cá chình và lịch sử khoa học của nó, với tất cả những phỏng đoán, những bí ẩn và những hiểu nhầm. Về Aristotle và lý thuyết loài cá chình sinh ra từ bùn. Về Linnaeus, người nghĩ rằng cá chình là loài tự sinh. Về con cá chình nổi tiếng ở Comacchio, về khám phá của Mondini và sự hoài nghi của Spallanzani.
Về Johannes Schmidt và cuộc tìm kiếm nơi sinh sản của loài cá chình bền bỉ. Về sự tò mò đã thúc đẩy tất cả bọn họ. Đó là điều mà loài cá chình có thể dạy chúng ta, Tom Crick kết luận. Nó cho chúng ta biết được chút nào đó về lòng hiếu kỳ của nhân loại, về nhu cầu không bao giờ thoả mãn của ta trong việc tìm kiếm sự thật và hiểu thấu mọi thứ bắt nguồn từ đâu và nó có ý nghĩa gì. Và cả nhu cầu của chúng ta về sự bí ẩn. “Cá chình dạy cho chúng ta biết về lòng hiếu kỳ nhiều hơn những gì lòng hiếu kỳ có thể cho chúng ta biết về cá chình.”
Nhưng vì sao cá chình gây ra sự khó chịu đến thế? Tại sao chúng lại gợi lên những cảm giác như thế trong lòng ta? Chắc chắn không đơn giản chỉ vì chúng trơn nhớt, hay bởi thứ chúng ăn, hay vì chúng ưa sự tăm tối. Cũng không thể chỉ vì những diễn giải sai lầm trong tôn giáo. Không, có lẽ còn bởi sự bí ẩn của chúng, bởi dường như có điều gì đó đang bị che giấu đằng sau đôi mắt đen vô hồn của cá chình.
Một mặt, chúng ta nhìn thấy nó, chạm vào nó, ăn nó. Mặt khác, nó vẫn che giấu một điều gì đó trước chúng ta. Kể cả chúng ta có đến thật gần thì, bằng cách nào đó, nó vẫn là một thứ xa lạ.