Mùa tranh cử ở Mỹ năm 2020 được coi là tốn kém nhất trong lịch sử. Cả hai phía Cộng hòa và Dân chủ được cho là sẽ chi tổng cộng 14 tỷ USD khi cuộc tổng tuyển cử năm nay kết thúc, theo ước tính của tổ chức chuyên theo dõi bầu cử Center for Responsive Politics.
Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng tiền có thể “mua” được chiến thắng ở hòm phiếu.
Những kỷ lục về tiền tranh cử
Trong cuộc đua vào Thượng viện, các ứng viên được đánh giá là "mạnh tay" chi tiền ở phe Dân chủ gồm Amy McGrath (chi 73 triệu USD để tranh cử), Jaime Harrison (chi 104 triệu USD), Cal Cunningham (chi 45,9 triệu USD), Steve Bullock (38,6 triệu USD), Sara Gideon (47,9 triệu USD) và Doug Jones (24 triệu).
Điểm chung của họ là đều bị thua trước những ứng viên Cộng hòa ít tiền hơn.
Kết thúc cuộc đua Thượng viện ở South Carolina, ứng viên đảng Dân chủ Jaime Harrison giành được 44% phiếu bầu so với con số 55% của Thượng nghị sĩ kỳ cựu Lindsey Graham. Ảnh: AP. |
Trong số các ứng viên kể trên, canh bạc tốn kém nhất thuộc về chiến dịch của ông Jaime Harrison (bang South Carolina) nhằm giành ghế mà Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã chiếm giữ suốt 3 nhiệm kỳ.
Theo AP, ông Harrison lập kỷ lục là ứng viên thượng nghị sĩ đầu tiên gây quỹ vượt mốc 100 triệu USD trong lịch sử. Chỉ riêng quý III, ông kêu gọi được 58 triệu USD. Con số tương ứng trong cùng giai đoạn đối với ông Graham là 28 triệu USD.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Graham được AP đánh giá là "dễ dàng" trước một ứng viên lính mới.
"Các bạn (những người đã dồn tiền cho đối thủ Harrison) lãng phí quá nhiều tiền. Đây là phi vụ đầu tư nhận lại kết quả tồi tệ nhất lịch sử chính trị Mỹ", ông Graham nói trong phát biểu chiến thắng để có thêm nhiệm kỳ 4 ở Thượng viện. Mỗi nhiệm kỳ thượng nghị sĩ kéo dài 6 năm.
Một thất bại đáng kể khác là của tỷ phú Tom Steyer, người từng chạy đua với ông Joe Biden và Bernie Sanders để giành vai đại diện chính thức của đảng Dân chủ tranh cử tổng thống.
Báo Washington Post bình luận ông Steyer “lẽ ra có thể dùng 347,1 triệu USD cho mục đích khác cao cả hơn là chiến dịch tranh cử chỉ mang tính chất hình ảnh”.
Trái đắng chung cho phe Dân chủ
Tính đến giữa tháng 10, đảng Dân chủ và các nhóm liên quan đã chi 6,9 tỷ USD so với 3,8 tỷ USD bên phía Cộng hòa.
Tuy nhiên, bất chấp việc đảng Dân chủ “dội tiền” vào tranh cử, họ vẫn chưa giành lại được quyền kiểm soát Thượng viện và còn bị thu hẹp thế đa số ở Hạ viện. Nỗ lực của phe Dân chủ nhằm xoay chuyển tình thế ở cơ quan lập pháp cấp tiểu bang cũng không thành công.
Tất nhiên, việc chi tiền có thể đã tạo ra tác động đáng kể. Hoặc nói cách khác, nếu không chi nhiều như vậy thì kết quả mà đảng Dân chủ nhận về có thể còn tệ hơn.
Nhưng bài học rút ra ở đây là lợi thế về tiền không đồng nghĩa với chiến thắng, theo Washington Post.
Thượng nghị sĩ Susan Collins tại một bữa tiệc chiến thắng ngày 4/11, dù đã chi ít tiền hơn đối thủ. Ảnh: Reuters. |
Tỷ phú Michael Bloomberg đã chi hơn 1 tỷ USD trong khối tài sản cá nhân 55 tỷ USD để tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên của đảng Dân chủ nhưng cũng không đạt được gì. Việc này thậm chí còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh chính trị của ông.
Ông Bernie Sanders cũng không “mua” được tấm vé đề cử của đảng Dân chủ. Là người huy động được nhiều tiền nhất từ các khoản quyên góp nhỏ, ông Sanders đã tiêu hết 163 triệu USD tính đến cuối tháng 2, so với ông Joe Biden chỉ tiêu 76 triệu USD trong giai đoạn gay cấn đó.
Cuối cùng, ông Biden là người giành được đề cử.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và cựu thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg cũng chi nhiều tiền hơn ông Biden. Họ được sự hậu thuẫn của nhiều nhà tài trợ tin rằng không cách nào mà một Biden cao tuổi có thể đánh bại Tổng thống Trump.
Nhưng những gì ông Biden có trong tay còn giá trị hơn tiền: là sự ủng hộ và đánh giá thực tế của cử tri, rằng “ông Biden sẽ là kẻ ngáng đường mạnh mẽ nhất đối với Tổng thống Trump”, như báo New York Times từng viết.
Tất nhiên, tiền nhiều vẫn tăng đáng kể cơ hội chiến thắng. Và nếu tranh cử, ai cũng muốn là người có túi tiền nặng hơn, theo Washington Post.
Chắc chắn ông Biden đắc cử một phần là nhờ huy động được lượng tiền vượt xa đối thủ Donald Trump. Nhưng nếu chi quá nhiều tiền, lợi ích đem về chưa chắc tăng theo tương xứng.
Trên thực tế, lượng tiền đó chỉ làm dày ví của các công ty tư vấn, công ty quảng cáo. Chiến dịch giành ghế Thượng viện của ứng viên Sara Gideon minh họa cho nhận định này.
New York Times ngày 17/11 đưa tin về việc người dân bang Maine, bao gồm cả người của đảng Dân chủ, có phản ứng trái ngược khi thấy quá nhiều quảng cáo. Cuối cùng, Thượng nghị sĩ đương nhiệm Susan Collins của đảng Cộng hòa tại vị.
Ngoài ra, trong bối cảnh chia rẽ đảng phái hiện tại, nhiều cử tri đã có quyết định của mình từ rất lâu trước ngày bầu cử.