Hôm 25/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành lệnh phong toả lên 1,3 tỷ dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Quyết định này khiến nhiều ngành công nghiệp tê liệt trong khi hàng loạt lao động mất đi việc làm.
Do không còn thu nhập, nhiều người phải rời các thành phố lớn của Ấn Độ để trở về quê hương. Nỗ lực phong toả và chống dịch tại nước này đang đối mặt với nguy cơ của một cuộc di dân quy mô lớn.
Theo số liệu từ chính phủ, hơn 9 triệu người đổ về các trung tâm kinh tế lớn của Ấn Độ mỗi năm. Số đông người nhập cư tìm việc tại các công trường hoặc nhà máy để có thu nhập gửi về quê nhà.
Bablu Ehrewal, 24 tuổi, làm công nhân tại một công trường nhỏ để kiếm 7 USD mỗi ngày. Nơi làm việc của anh dừng hoạt động từ đầu tuần do lệnh phong toả có hiệu lực. Giờ đây, anh cùng 70 công nhân nhập cư khác mắc kẹt trong khu ổ chuột tại thủ đô New Delhi.
Người dân Ấn Độ đổ xô đi mua hàng sau khi có thông báo về lệnh phong toả. Ảnh: The New York Times. |
Không được trả lương tháng vừa rồi, anh Ehrewal không thể mua đồ ăn. Các phuơng tiện công cộng ngừng hoạt động nên anh quyết định đi bộ về quê nhà. “Thà như vậy còn hơn chết đói ở đây” anh chia sẻ về lựa chọn của mình.
Chính phủ Ấn Độ mới công bố gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 22 tỷ USD, bao gồm tiền mặt và các biện pháp bảo đảm an ninh lương thực khác, cho lao động nhập cư làm việc xa gia đình.
“Chúng tôi đã điều động 12 nghìn xe phân phát thực phẩm tới các hộ nghèo trên đất nước”, thống đốc Utta Pradesh, ông Yogi Adityanath đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 25/3. “Không ai phải chịu đói khát cả”.
Tuy nhiên, các biện pháp này không đủ giữ chân dòng người nhập cư đang muốn rời các đô thị lớn. CNN dẫn thông tin chính quyền địa phương Chennai cho hay, chỉ sau 14 giờ phong toả, 4.500 lao động hồi hương làm tắc nghẽn ga tàu thành phố trong khi 1.700 người khác đổ về các nhà cứu trợ.
Ấn Độ nắm vai trò chủ chốt
Hãng tin ANI dẫn thông báo của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình cho biết tính đến 26/3 Ấn Độ ghi nhận 727 ca nhiễm và 18 ca tử vong do dịch Covid-19. Số ca nhiễm bệnh đang trên đà tăng nhanh tại đất nước có 1,3 tỷ người.
Một phụ nữ Ấn Độ đeo khẩu trang thời dịch. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Modi mới áp lệnh phong toả lên 36 bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ từ 25/3 để đối phó với sự lây lan của virus corona. “Tôi yêu cầu mọi người ở yên nơi mình đang ở. Theo tình hình hiện tại, lệnh phong toả sẽ được áp dụng trong 21 ngày nên 21 ngày tới rất quan trọng”, ông Modi phát biểu trên truyền hình.
Hiện tất cả các cửa hàng, nhà máy, chợ, các nơi thờ tự đều bị đóng cửa; phương tiện công cộng ngừng hoạt động trong khi các công trường đang tạm hoãn. Một quan chức cấp cao của WHO hôm 23/2 nhận định Ấn Độ đóng vai trò chủ chốt trong công tác kiểm soát đại dịch toàn cầu.
“Viễn cảnh của đại dịch này phụ thuộc phần lớn vào cách các quốc gia đông dân ứng phó. Việc Ấn Độ tiếp tục có nhiều động thái mạnh mẽ là rất, rất quan trọng”, Giám đốc chương trình Sức khoẻ Khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho hay.
Đấng cứu thế trong áo blouse trắng
Dù số ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ chưa vượt mốc 1.000 trường hợp nhưng đại dịch đã gây nên tình trạng mua hàng tích trữ và nhiều vụ tấn công nhân viên y tế tuyến đầu.
Trả lời phóng viên CNN, các y bác sĩ ở thủ đô New Delhi cho biết họ bị cộng đồng xung quanh tẩy chay và phân biệt đối xử. Bị nghi mang theo virus corona, nhiều nhân viên y tế thậm chí còn bị đuổi khỏi nơi sinh sống.
“Trên khắp đất nước, nhiều y bác sĩ không có nơi nào để đi”, trích lá thư của Hiệp hội Bác sĩ thường trú Viện Khoa học Y tế New Delhi gửi Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah.
Phản ứng về vấn đề này, thủ tướng Modi sẽ lập tức làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để đưa ra nhiều “hành động mạnh mẽ” nhằm bảo vệ nhân viên y tế.
“Ở thời khủng hoảng hiện tại, các y bác sĩ là hiện thân của đấng cứu thế trong áo blouse trắng. Họ đang làm việc ngày đêm để cứu người và chúng ta không bao giờ có thể đền đáp đủ ơn huệ này”, Thủ tướng Modi phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến.