Tăng sở hữu tại Pacific Airlines lên gần 99% khiến Vietnam Airlines phải hạch toán lỗ thêm hơn 1.700 tỷ đồng vào mục Lỗ lũy kế. Ảnh: PacificAirlines. |
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã hé lộ chi tiết khoản lỗ của hãng bay này khi tăng tỷ lệ sở hữu tại Pacific Airlines.
Cụ thể, việc nhận thêm cổ phần của một công ty đang thua lỗ khiến Vietnam Airlines phải hạch toán khoản lỗ 1.749 tỷ đồng vào báo cáo tài chính của mình. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 202 của Bộ Tài chính ban hành năm 2014, do trước và sau khi tăng tỷ lệ sở hữu, Vietnam Airlines vẫn là công ty mẹ của Pacific, khoản lỗ này sẽ được ghi nhận tại khoản mục Lỗ lũy kế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán.
Khoản lỗ này không được hạch toán tại Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty, nhưng trực tiếp cộng vào phần Lỗ năm nay trong khoản mục Lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán, khiến tình hình tài chính của Vietnam Airlines thêm khó khăn.
Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, hay thua lỗ 3 năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu âm là 3 trường hợp đều dẫn đến việc cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, đại diện Vietnam Airlines cho biết thay vì nắm cổ phần chi phối, hãng để ngỏ khả năng thoái vốn xuống còn 30% hoặc thoái vốn toàn bộ tại Pacific Airlines. Tuy nhiên, việc thoái vốn đang gặp khó khăn do cơ chế thoái vốn cũng như tìm kiếm nhà đầu tư.
Trước đó, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã nhận cổ phần của Pacific Airlines (tiền thân là Jetstar Pacific) từ Qantas tặng lại, nâng tỷ lệ sở hữu từ mức gần 69% lên gần 99%.
Pacific là hãng hàng không giá rẻ, đang thua lỗ và có “tình hình tài chính rất nghiêm trọng” - như đại diện Vietnam Airlines chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Qantas và Vietnam Airlines đã bắt đầu các thủ tục tặng cổ phần Pacific từ cuối năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không toàn cầu. Trước đó, Vietnam Airlines là công ty mẹ và Qantas là công ty liên kết của Pacific.
Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991 với các cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2007, Qantas - hãng hàng không lớn nhất Australia đã mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.
Về Vietnam Airlines, với việc công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ. Hãng bay này đang đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HVN đang giao dịch trên sàn HoSE.
Theo báo cáo kiểm toán, năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.200 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 lên con số trên 35.000 tỷ. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm tới 11.000 tỷ đồng sau các khoản lỗ khổng lồ tích lũy trong giai đoạn 2020-2022.
Ngày 16/12 tới đây, Vietnam Airlines sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 sau nhiều lần trì hoãn. Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa công bố chi tiết các tài liệu cuộc họp.
Nếu bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định, cổ phiếu HVN có thể xuống giao dịch tại thị trường UPCoM với các quy định khác biệt về biên độ giao dịch cũng như công bố thông tin so với HoSE.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.