Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietnam Airlines lỗ sau kiểm toán năm thứ 3, nguy cơ bị hủy niêm yết

Sau nhiều lần trì hoãn, Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ sau thuế hơn 11.200 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đã lỗ 3 năm liên tiếp trên báo cáo tài chính kiểm toán và đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết. Ảnh: VNA.

Theo đó, năm 2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) có doanh thu hợp nhất đạt hơn 70.792 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà cổ đông hãng đã thông qua trước đó và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.

Doanh thu sau kiểm toán bị điều chỉnh giảm 168 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập. Sau khi trừ giá vốn, Vietnam Airlines lỗ gộp 2.876 tỷ đồng.

Doanh thu tăng cũng kéo theo chi phí bán hàng tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ lên 3.195 tỷ đồng do tăng chi phí đặt vé giữ chỗ và chi phí khác.

Kết quả, Vietnam Airlines lỗ 11.223 tỷ đồng sau thuế trên báo cáo kiểm toán. Dù cải thiện và giảm lỗ hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021, số lỗ khủng kể trên vẫn khiến Vietnam Airlines nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 35.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.055 tỷ đồng.

VIETNAM AIRLINES ĐÃ LỖ SAU KIỂM TOÁN 3 NĂM LIÊN TIẾP
Kết quả lợi nhuận sau thuế hàng năm của Vietnam Airlines.
Nhãn20182019202020212022
Lợi nhuận sau thuế Tỷ đồng 25992537-11137-13279-11223

Chưa kể, trong 9 tháng đầu năm nay, hãng bay này còn báo lỗ tiếp 3.534 tỷ đồng. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế hơn 4.500 tỷ đồng trong năm 2023.

Do báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục báo lỗ, Vietnam Airlines đang đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu do lỗ 3 năm liên tiếp.

Tính đến 31/12/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của Vietnam Airlines đạt 2.490 tỷ đồng, tăng 777 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thanh lý, nhượng bán các máy bay, động cơ máy bay với tổng giá trị hơn 797 tỷ đồng; hơn 20 tỷ đồng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải mặt đất.

Tổng cộng tài sản cân đối với nguồn vốn đến cuối năm này của hãng còn 60.636 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ đồng so với đầu năm.

Ở chiều ngược lại, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines tăng mạnh hơn 9.100 tỷ đồng, lên 71,691 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 13.400 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 14.868 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất vủa Vietnam Airlines là Vietcombank với tổng nợ lên hơn 6.000 tỷ đồng.

Phía đơn vị kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp.

Vietnam Airlines giải thích việc chưa thể thoát lỗ là do thị trường quốc tế hồi phục chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất).

Việc thị trường quốc tế hồi phục chậm, đặc biệt thị trường Trung Quốc mở cửa dè dặt hơn dự kiến cũng khiến kết quả kinh doanh của hãng không được như mong đợi trong năm 2022. Ngày 16/12 sắp tới, Vietnam Airlines sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên sau 4 lần dời lịch do công tác chuẩn bị chưa hoàn thành.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm