2h sáng 6/2, chúng tôi có mặt tại bến xe 391 đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM). Bến xe này nằm đối diện Bến xe miền Đông, hầu hết xe đậu thời điểm chúng tôi đến đều chạy tuyến TP HCM - Bình Định.
Nhiều người ngồi chờ. Anh Lê Đức Thanh (huyện Tuy Phước, Bình Định) cùng hai con lỉnh kỉnh đồ đạc, cho biết làm công nhân nên nghỉ muộn, tận 28 tết mới về.
Dậy đi từ 2h sáng, khách ngủ gục ngay giữa bến xe. |
Gọi điện đặt vé cho cả nhà cách đây hai tháng. Khi đặt vé nhà xe nói không cần đặt cọc, cứ đến ngày đi lên xe và được báo giá. Trước ngày đi một ngày, nhà xe thông báo 3h xuất bến, còn giá vé phải lên xe mới cho biết.
Hai người em ruột anh Thanh đặt vé cùng đợt nhưng về ngày 24 tết, nhà xe này đã lấy 700.000 đồng, trong khi giá bình thường chỉ 250.000 đồng.
Cả nhà anh lên xe ngày 28 tết, biết giá vé sẽ tăng nhưng vẫn phải về bởi các xe khác cũng bán vé theo kiểu “gài khách” vào thế đã rồi.
Anh Thanh cho hay sở dĩ chọn mua vé ngoài bởi năm trước anh cũng xếp hàng mua vé ở Bến xe miền Đông từ 23h đêm đến sáng sớm hôm sau nhưng không mua được.
Nhiều hành khách dù đã nằm lên xe vẫn nơm nớp lo bị nhà xe “chém” giá không thương tiếc . |
Năm nay sợ nên anh phải đặt vé ngoài, dù đắt nhưng chắc chắn giường nằm. “Giờ phải cắn răng chịu thôi chứ mấy ngày tết lấy đâu ra xe về nữa”, anh Thanh thở dài.
Cũng như anh Thanh, hành khách chờ lên xe tại bến xe 391 Đinh Bộ Lĩnh đều cho biết các chủ xe đều nhận cọc, đến giờ khách nằm lên xe rồi mới “hét” giá. Bị gài vào thế đã rồi nên họ phải cắn răng nộp tiền, còn không xuống xe ở lại.
Hai vợ chồng Anh Nguyễn Hoàng N. (Tuy Phước, Bình Định) cùng em gái và hai con từ Bình Dương lụi cụi 2h sáng từ Bình Dương xuống bến xe. Anh N, cho hay 5 năm không về quê nên không biết giá. Hôm lên đặt vé tại nhà xe Đệ Nhất, nhân viên bán vé chỉ thu 300.000 đồng đặt cọc cho 3 vé, còn giá vé thông báo khi xe chạy.
Đến giờ lên xe anh N. cẩn thận hỏi lại giá vé nhưng nhà xe nhất quyết không trả lời, chỉ nói lên xe rồi sẽ biết. Cả nhà anh N. lên xe mặt đầy lo lắng không biết giá cả thế nào.