Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Văn Thành Lê: 'Đường văn là đường chạy marathon'

Con đường từ một nhà giáo trở thành một nhà văn của tác giả Văn Thành Lê trải qua không ít thăng trầm với nhiều trải nghiệm thú vị.

Không ồn ào như một số cây bút cùng thế hệ, nhà văn trẻ Văn Thành Lê lặng lẽ và cần mẫn bên trang viết của mình. Anh vừa ra mắt tập truyện ngắn Thừa ra một người. Đây là cuốn sách thứ 9 trong “gia tài” văn chương của nhà văn sinh năm 1986. 

- Từ thầy giáo dạy sinh học, Văn Thành Lê chuyển qua “dan díu” với văn chương. Tính thêm, những năm cấp 3, anh đã có hơn 10 năm gắn bó với nghiệp viết. Anh có thể nói gì về quãng thời gian đã qua? 

- Nếu nói “dan díu” với văn chương, thì với tôi là từ thời học sinh - sinh viên, rồi qua 3 năm giáo viên, tiếp đến làm biên tập viên, gần 4 năm nay. Hơn 10 năm qua, tôi từ chỗ chập chững viết với tâm thế “điếc không sợ súng” đến giờ đã “biết sợ” và dần có ý thức với trang viết của mình hơn.

Có thể nói, quãng thời gian qua tôi đã ít nhiều có những trải nghiệm với chữ nghĩa để hiểu văn chương thực sự không đơn giản là cuộc chơi, mà đầy khó nhọc nhưng cũng lắm mê hoặc và nhiều hấp lực. Tôi trân quý những gì mình đã trải. Và hiện tại, với văn chương, tôi vẫn muốn lầm lũi bước tiếp.

Nhà văn Văn Thành Lê hiện đang là biên tập viên của tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu

- Ngày ấy, vì sao mà anh nghỉ dạy? Thực tế, có không ít các nhà văn vẫn đang là nhà giáo đấy thôi!

- Đúng là có không ít các nhà văn vẫn đang là nhà giáo. Và cũng có rất nhiều nhà văn đã nghỉ dạy để chuyển sang nghề khác từ lâu. Trong hồi ký của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê từng nói, nghề giáo là nghề phù hợp nhất với người viết văn.

Tôi đọc hồi ký của ông trước thời điểm quyết định nghỉ dạy, cách đây gần 4 năm. Giờ nhắc lại, tôi nghĩ đấy là cái duyên. Khi có cánh cửa nào đó mở ra, mà mình hào hứng, mình thấy vừa vặn và sống vui được với nó thì bước tới thôi. Có thể “phù hợp nhất” với mọi người lại chưa hẳn đã “phù hợp nhất” đối với tôi, đấy cũng là điều bình thường. 

Tập truyện Thừa ra một người là cuốn sách thứ 9 của Văn Thành Lê. 

- Đề tài giáo dục đã xuất hiện trong truyện dài "Không biết đâu mà lần" hay rải rác trong các tập truyện trước; và giờ thêm một lần nữa lại xuất hiện trong tập truyện "Thừa ra một người". Có vẻ anh vẫn còn khá nặng nợ với đề tài này? 

- Nhà tôi có đến 3 thế hệ cùng làm nghề dạy học, hoặc quản lý giáo dục. Lớn lên trong môi trường ấy, cộng thêm vài năm dạy học nữa, nghĩa là “nguyên liệu” về đề tài giáo dục, rất tự nhiên, đã được “nạp” vào tôi khá nhiều. Vậy nên việc tôi “nhả” ra những sáng tác về đề tài này, nếu có phần “tham lam” hơn so với đề tài khác, nhất là ở giai đoạn đầu sáng tác này, tôi nghĩ cũng là điều dễ hiểu.

- So với các tập truyện ngắn trước như "Con gái tuổi Dần", "Biết tới khi nào mưa thôi rơi" thì "Thừa ra một người" đánh dấu sự thay đổi như thế nào về văn chương của Văn Thành Lê? 

- So với các tập truyện trước đây thì Thừa ra một người, bên cạnh các truyện ngắn được viết theo lối hiện thực quen thuộc tôi có gửi đến độc giả một số truyện viết theo lối kỳ ảo, lạ hóa hiện thực, có nhiều tính nghịch dị.

- Tiệm cận thêm một lối viết, hẳn phải có một lý do nào đó? 

- Lý do gì đâu. Đơn giản là tôi muốn thể nghiệm một cách tiếp cận hiện thực khác so với lối thông thường trước đây của tôi thôi. Thử sức xem có thể làm mới được chính mình không, và để mong độc giả đỡ chán mình. Và như anh thấy, một số truyện mang màu sắc kỳ ảo đã có hình hài như trong tập truyện mới nhất của tôi.

- Từng 2 lần được giải thưởng thơ Bút mới (báo Tuổi trẻ), rồi giải thưởng thơ của báo Mực tím. Nhưng dường như “nàng thơ” không còn đủ sức níu kéo Văn Thành Lê? 

- Giải thưởng không nói lên được nhiều điều. Đấy chỉ là khoảnh khắc viết cộng hưởng với chút duyên và câu chuyện thẩm định của nhóm nhỏ trong ban giám khảo cũng như tiêu chí mỗi cuộc thi. Nhất là với thơ, yếu tố khoảnh khắc càng rõ.

Văn chương lại là con đường dằng dặc dài. Tôi tự thấy tạng mình hợp với văn xuôi chứ không phải thơ. Một vài khoảnh khắc thơ, trước đây, có khi chỉ là chút õng ẹo học đòi của tôi thôi. Thơ thật sự, tôi cảm giác nó cao và xa lắm, mà mình thì trần tục quá. Tuy nhiên, thi thoảng, bên những trang văn mệt nhoài tôi vẫn tìm đến với thơ để... “mơ về nơi xa lắm”. Và khi mơ thì thường hay giữ cho mình.

- Lực lượng viết trẻ bây giờ khá đông và hùng hậu. Anh có bao giờ lo ngại, mình sẽ trở thành “người thừa” của văn chương? 

- Tôi chỉ lo chăm chút, hết mình với những gì mình viết để trình ra với độc giả thôi. Ngoài ra tôi chẳng lo ngại gì nữa. Lực lượng viết trẻ hùng hậu thì mừng chứ. Thời buổi này các loại hình giải trí “ăn nhanh” lấn át văn chương, có được thêm người yêu văn thôi đã là mừng, viết văn nữa lại càng mừng hơn.

Nhưng tôi cũng hiểu, văn chương nào có độc giả ấy. Mỗi kiểu người viết/mỗi loại văn chương, nhiều hoặc ít, đều có độc giả riêng của mình/nó. Và đường văn là đường chạy marathon chứ không phải chạy 100m. Vì vậy việc của người viết là… viết. Những thứ tôi viết ra các báo vẫn in, NXB vẫn đồng ý mua bản quyền và phát hành được thì tôi còn viết. Nếu làm hết mình rồi mà không có “đầu ra” nào chấp nhận thì tôi sẽ nghỉ viết. Lúc ấy có thành “người thừa” của văn chương cũng không còn gì để phải lấn cấn nữa.



An Sơn

Bạn có thể quan tâm