Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải thưởng văn chương của một doanh nhân y dược

Tác giả vừa đoạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam với tác phẩm "Kỳ nhân làng Ngọc" không chỉ là một cây viết có tài mà còn là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực y dược.

Ông Trần Thanh Cảnh chia sẻ cảm xúc khi là người ngoại đạo của văn chương nhưng giành được giải thưởng danh giá.

- Cảm xúc của ông thế nào khi tác phẩm của mình vinh dự nhận được giải thưởng văn xuôi xuất sắc 2015 của Hội nhà văn Việt Nam?

Cảm xúc của tôi khi nhận giải thưởng này là rất sung sướng và hạnh phúc. Tôi muốn chia sẻ cảm xúc này tới tất cả mọi người đặc biệt là những bạn đọc yêu quý của tôi trên mọi miền đất nước.

Tác giả Trần Thanh Cảnh (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ trao giải thưởng Hôi nhà văn Việt Nam 2015 vừa qua.

- Được biết ông là một người công tác trong ngành y dược vậy điều gì là lý do thôi thúc ông cầm bút?

- Tôi làm trong ngành dược và tôi nghĩ dược và việc cầm bút không hề liên quan đến nhau. Việc cầm bút đối với tôi như có một sự thôi thúc về nội tâm trong quá trình sống, trong quá trình trải nghiệm cuộc đời, đến một lúc nào đó khi đã tích luỹ đủ vốn sống thì tôi cảm thấy mình cần phải viết ra để chia sẻ với bạn đọc và người thân. Tôi bắt đầu cầm bút chính xác là từ đầu năm 2013. 

- Trước khi được xuất bản thành sách, các truyện ngắn trong "Kỳ nhân làng Ngọc" đã từng được ông công bố bao giờ chưa?

- Trong số các truyện ngắn của Kỳ nhân làng Ngọc thì duy nhất có 1 truyện tôi chưa công bố, còn lại 13 trên tổng số 14 truyện đều đã được công bố rất nhiều trên các tờ báo cả trong và ngoài nước như: Văn Nghệ, Đại Biểu Nhân Dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Lao Động...

Tác phẩm Kỳ nhân làng Ngọc.

- Nhân vật trong các truyện ngắn của ông được lấy nguyên mẫu từ đâu và làng Ngọc có phải là một địa danh có thật?

- Các nhân vật trong truyện ngắn của tôi hầu như được lấy từ nguyên mẫu có thật. Tất cả đều là những người trong làng và người thân của tôi. Khi đọc tác phẩm mọi người có thể dễ dàng nhận ra các nhân vật đều là sự hoá thân từ một ai đó ngoài đời. Còn làng Ngọc không phải là một địa danh có thật, ở vùng Kinh Bắc không có ngôi làng nào mang tên làng Ngọc. Ở đây tôi sử dụng cái tên như một phép phiếm chỉ. Ngôi làng trong truyện được tôi xây dựng từ nhiều nét tiêu biểu của một ngôi làng Kinh bắc giống như làng tôi và nhiều ngôi làng lân cận khác.

- Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam lần này có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

- Đây thực sự là một giải thưởng rất có ý nghĩa đối với tôi. Tất cả những người cầm bút trên lãnh thổ Việt Nam ai cũng mong muốn giành được giải thưởng này. Đối với tôi giải thưởng này khiến tôi rất vui sướng và hạnh phúc nhưng tôi không quá đặt nặng việc có hay không đoạt giải. Bởi giải thưởng không ảnh hưởng tới việc tôi viết hay không viết. Được giải thưởng, tôi rất phấn khởi nhưng việc không đoạt giải cũng không tạo sức ép cho tôi trong việc cầm bút.

- Sau giải thưởng này ông có thêm kế hoạch nào về văn chương trong tương lai? 

- Về văn chương thì đương nhiên là tôi còn rất nhiều kế hoạch vì Kỳ nhân làng Ngọc mới chỉ là tác phẩm đầu tay của tôi còn tác phẩm Mỹ nhân làng Ngọc đã được NXB Trẻ lên khuôn và sắp ra mắt trong thời gian tới. Bên cạnh đó là một số tập bản thảo tiểu thuyết tôi đã viết xong và chuẩn bị gửi tới các NXB.

- Hiện tại ông có còn công tác trong ngành dược?

- Tôi vẫn đang làm công việc hàng ngày của một dược sĩ và nguồn thu nhập chính của tôi vẫn tới từ nghề dược. Tôi khá may mắn khi là một dược sĩ nhưng lại đảm nhiệm vai trò giám đốc một công ty dược nên tôi có khá nhiều trợ lý giúp đỡ trong công việc chuyên môn để yên tâm trong công việc kinh doanh. Ban ngày tôi sống với vai trò của một người quản lý doanh nghiệp còn ban đêm tôi trở thành một con người khác - con người của văn chương.

 



Hoa Khang

Bạn có thể quan tâm