Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu qua đời

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu qua đời sáng 5/3, hưởng thọ 76 tuổi. Nhà văn Nguyễn Hiếu để lại gia tài gồm nhiều kịch bản sân khấu, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ...

nha van qua doi anh 1

Nhà văn Nguyễn Hiếu bên quầy sách của mình ở hội làng Chèm. Ảnh: Thủy Vũ/PTO.

Nhà văn Nguyễn Hiếu qua đời lúc 10h50 ngày 5/3, hưởng thọ 76 tuổi. Tin buồn được NSƯT Lê Chức - một người bạn thân của nhà văn Nguyễn Hiếu - xác nhận với Tiền Phong. Lễ viếng nhà văn Nguyễn Hiếu diễn ra vào 16h5 cùng ngày. Lễ truy điệu vào chiều 6/3, an táng tại nghĩa trang quê nhà.

NSƯT Lê Chức và nhiều đồng nghiệp bất ngờ khi nhà văn Nguyễn Hiếu ra đi đột ngột. Những năm gần đây, sức khỏe ông không tốt do mắc bệnh về tim. Tuy nhiên, cuối tháng 2, nhà văn vẫn giao lưu với bạn hữu ở nhiều sự kiện. Ông tới dự hội thảo do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức và có bài tham luận sâu sắc hôm 27/2.

Chia sẻ với Tiền Phong, NSƯT Lê Chức khẳng định Nguyễn Hiếu thích được gọi là nhà văn hơn, dù ông có rất nhiều đóng góp quan trọng với nghệ thuật sân khấu.

"Ông có số lượng sách không nhỏ và làm thơ nữa. Thơ ông Nguyễn Hiếu dễ đọc, có nhiều câu hay. Ở làng Chèm quê ông tổ chức lễ hội văn hóa, họ dành cho Nguyễn Hiếu một khu vực gọi là quầy sách của nhà văn. Ông được coi trọng và chúc mừng. Hạnh phúc của người cầm bút, tôi cho rằng nằm ở chỗ đó", NSƯT Lê Chức chia sẻ.

Khi qua đời, nhà văn Nguyễn Hiếu có nhiều kịch bản sân khấu đang được dàn dựng. NSƯT Lê Chức cho biết nhà văn Nguyễn Hiếu là người rất hiền lành, được nhiều đồng nghiệp yêu mến.

Nhà văn Nguyễn Hiếu (tên khai sinh Nguyễn Văn Hiếu), sinh năm 1948. Ông bộc lộ năng khiếu văn chương từ nhỏ, được tuyển vào đội Hà Nội đi thi học sinh giỏi văn miền Bắc, sau đó trở thành sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp.

Năm 1970 ông tốt nghiệp và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1971 đến 1973, ông làm biên tập, phóng viên tại Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng. Sau giải phóng, ông làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nguyễn Hiếu viết kịch từ năm 16 tuổi. Kịch bản đầu tay của ông là Truyền thuyết nỏ thần. Ông có nhiều kịch bản sân khấu ấn tượng như Chu Văn An - người thầy của muôn đời, Trái tim đông lạnh, Thân phận nàng Kiều, Kiều (NSND Anh Tú dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam), Tấm Cám...

Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần nửa thế kỷ, nhà văn Nguyễn Hiếu đã cho ra đời gần 30 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, hơn 60 kịch bản sân khấu, một số kịch bản phim và hàng trăm bài thơ. Một số tiểu thuyết nổi tiếng của ông có thể kể đến như Bụi đường, Quá cảnh, Người đàn bà quỷ ám, Chân trời vỡ đôi, Tôi bán mình...

Sức viết dồi dào khiến Nguyễn Hiếu từng được nhà văn Ma Văn Kháng “phong” là “lực sĩ của văn xuôi Việt Nam".

Nhà văn Nguyễn Hiếu nhận không ít giải thưởng trong nước và quốc tế. Riêng vở Thân phận nàng Kiều của ông đoạt nhiều giải lớn. Trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ 10 (2019), vở diễn mang về Huy chương Vàng cho Vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc; 2 Huy chương vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở, Giải A vở diễn xuất sắc trong năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm 2022, vở Lời thề của nhà văn Nguyễn Hiếu giành Huy chương Bạc.

Để thơ ca không lỡ nhịp với người đọc

Nguyên nhân sự quay lưng với thơ, theo nhà văn Nguyễn Hiếu, bắt đầu từ việc suy sụp của văn hóa đọc không đủ sức cạnh tranh với các phương tiện giải trí, truyền thông hiện đại.

Kết nối tác giả và độc giả trong mùa dịch

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, TS Đặng Hoàng Giang, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là những tác giả nổi tiếng đã và đang kết nối với bạn đọc trong mùa dịch thông qua hình thức trực tuyến.

https://tienphong.vn/nha-van-nha-viet-kich-nguyen-hieu-qua-doi-post1515123.tpo

Ngọc Ánh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm