Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi đã cầm bút, người viết không phân biệt nam nữ

Nhận thấy các tác giả nữ đã mạnh dạn với việc viết hơn xưa, nhà văn, nhà thơ Ngọc Liên cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng bởi “khi đã cầm bút rồi thì không phân biệt nam nữ”.

van hoc Viet Nam anh 1

Bốn đầu sách của các cây bút nữ. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

“Đừng mong rằng là vì tôi là phụ nữ cho nên tôi sẽ viết yếu mềm đi”, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên đúc kết sau gần 50 năm cầm bút. Bà cũng nhận thấy rằng từ xưa đến nay là các tác giả nữ ở nước ta không hề ít, song một số thường chỉ viết và giữ cho riêng mình. “Người phụ nữ vẫn có một điều gì đó hơi rụt rè và bị phê phán rất nhiều”, bà nhận xét.

Hiện nay những người trẻ đã viết nhiều hơn và phổ biến tác phẩm của mình đến công chúng nhiều hơn. Bà cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng bởi “trong một xã hội mà đang đi lên như thế này thì phụ nữ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

“Đó là lý do gần 50 năm rồi tôi vẫn viết. Khi cầm bút, tôi nói lên tiếng nói của rất nhiều phụ nữ khác mà họ không thể viết”, bà chia sẻ.

Nhân Quốc tế Phụ nữ sắp tới, sáng ngày 4/3 nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên có dịp ngồi cùng với ba nữ tác giả trẻ khác là Hoàng My, Cao Bảo Vy và Hồ Yên Thục tại Đường sách TP.HCM để cùng trò chuyện về cuộc sống và nghề viết.

Cả ba đều là những tên tuổi khá gần gũi với độc giả trẻ trong thời gian gần đây. Tác giả Hoàng My với tác phẩm Nhà lúc đông lúc vắng kể về những tình cảm ấm áp, những câu chuyện đời thường, giản dị, đôi khi nhỏ nhặt mà thấm thía về các mối quan hệ trong gia đình.

van hoc Viet Nam anh 2

(Từ trái sang) Nhà thơ Lê Minh Quốc, các diễn giả Hồ Yên Thục, Hoàng My, Cao Bảo Vy, Phạm Thị Ngọc Liên và nhà văn Phương Huyền. Ảnh: Thanh Trần.

Tác phẩm Chân nhỏ dũng cảm - Cùng con đi khắp thế gian của Cao Bảo Vy là cuốn tản văn dung dị và tràn đầy cảm xúc về hành trình xê dịch tại Việt Nam và sáu quốc gia khác của hai mẹ con. Trong khi đó, tác giả Hồ Yên Thục nổi lên với loạt tác phẩm Nhật ký cô giáo như một thước phim hài hước chưa có hồi kết về câu chuyện giảng đường của một cô giáo trẻ.

Có thể thấy, các nữ tác giả chọn cho mình rất nhiều khía cạnh, chủ đề, từ nghề nghiệp cho đến phiêu lưu, chuyện gia đình. “Theo tôi, khi đã cầm bút rồi thì không có phân biệt nam nữ. Bởi vì người phụ nữ cầm bút có thể viết rất là nhiều, từ chính trị, xã hội, kinh tế cho đến vấn đề hôn nhân, gia đình,... Tất cả những nghiên cứu của phụ nữ về các lĩnh vực đó cũng không khác gì nam giới”, nhà thơ Ngọc Liên chia sẻ.

Tất nhiên, họ vẫn mang trong mình những thiên hướng của phụ nữ cùng sự tài hoa của một nhà văn, một chuyên gia. “Những người phụ nữ khi cầm bút có sự nhạy cảm hơn những phụ nữ bình thường ở chỗ họ nhìn thấy cái điều vui trước người khác và nhìn thấy nỗi buồn trước người khác”. Tuy vậy, bà cũng cho rằng khi phụ nữ viết, đừng mong họ sẽ viết yếu mềm đi.

Bên cạnh câu chuyện về người những người phụ nữ cầm bút còn là câu chuyện về nữ quyền nói chung. Nhà thơ Ngọc Liên chia sẻ dưới góc nhìn của một người cầm bút, "nữ quyền có nghĩa là mình có quyền làm những điều gì mình muốn". Theo đó, bà cho rằng phụ nữ có quyền tự do lựa chọn, bất kể là làm những công việc vốn được cho là của nam giới hay từ chối những điều thường được cho là bổn phận của nữ giới.

Muôn vẻ phái đẹp trong trang viết của các nhà văn nữ

Bằng trải nghiệm và sự nhạy cảm, các tác giả nữ đã lột tả một cách sống động nội tâm của các nhân vật. Hạnh phúc và sự hy sinh của người phụ nữ lấp lánh trong trang văn.

Mười cuốn sách của các nữ tác giả có sức hút với nam giới

Áng văn kinh điển của các nữ nhà văn có sức hút với độc giả nam. Các nhà văn như Ian McEwan, Salman Rushdie, Richard Curtis… đã giới thiệu 10 tác phẩm như vậy tới công chúng.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm