Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muôn vẻ phái đẹp trong trang viết của các nhà văn nữ

Bằng trải nghiệm và sự nhạy cảm, các tác giả nữ đã lột tả một cách sống động nội tâm của các nhân vật. Hạnh phúc và sự hy sinh của người phụ nữ lấp lánh trong trang văn.

Người phụ nữ trong phim chuyển thể từ tác phẩm của Trần Thùy Mai. Ảnh: Vieon.

Viết về sự truân chuyên của người đàn bà là đề tài quen thuộc trong sáng tác của nhiều cây bút nữ. Khi các nhà văn nữ viết về phụ nữ, những xúc cảm đầy nữ tính được lưu giữ một cách trọn vẹn. Nhiều câu chuyện họ kể không chỉ có sự tôn vinh và đồng cảm, mà còn chất chứa bao niềm đau, cùng sự chua xót cho những thiệt thòi mà kiếp má hồng đã phải chịu.

Y Ban cùng những trang viết đầy táo bạo

Nhà văn Y Ban đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc với truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ. Cách đây vài chục năm, khi người phụ nữ phải sống với nhiều quan niệm xã hội mang tính hà khắc, tác phẩm của bà như tuyên ngôn sắc lạnh, đầy cá tính về quyền làm mẹ, quyền mưu cầu hạnh phúc của nữ giới.

Y Ban là một cây bút đầy can đảm khi viết về phụ nữ. Những chuyện được xem là tế nhị của đàn bà con gái như sinh nở, nạo phá thai được bà viết rất tự nhiên, không dè dặt. Người ta vẫn thường nói rằng làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau mà các bà mẹ phải chịu khi mang một sinh linh đến thế giới này, ngoại trừ những kẻ cùng phận đàn bà.

Nha van nu anh 1

Nhà văn Y Ban viết về phụ nữ với cái nhìn sắc sảo. Ảnh: FBNV.

Ba mươi năm cầm bút là từng đó thời gian tác giả của I am đàn bà đau đáu về các nhân vật nữ của mình. Trong văn của Y Ban, mỗi nhân vật mang một số phận, với nỗi đau riêng. Đó có thể là một cô gái trót dại, một người đàn bà điên bị người làm hại đến nỗi phải bỏ con, trong nụ cười ngây ngô của một kẻ loạn trí vẫn ánh lên tình mẫu tử.

Tác giả dành sự cảm thương cho những người phụ nữ thành đạt nhưng không tìm thấy hạnh phúc. Họ bế tắc trong cuộc sống tưởng chừng hoàn mỹ mà nhiều người mơ ước. Có những người phụ nữ cả đời không được sống cho chính mình, trên vai họ là trách nhiệm của người làm vợ, làm mẹ, và làm dâu. Trước khi nghĩ tới điều mình muốn, họ phải nghĩ cho chồng, cho con và cho cả gia đình chồng.

Ai dám nghĩ đến bản thân sẽ bị xem là ích kỷ. Nhà văn Y Ban cho rằng: "Trong đời sống hiện đại, bắt phụ nữ giữ những phép tắc xưa là điều rất khó khăn, gia đình quá coi trọng truyền thống đôi khi mang lại cho phụ nữ không ít rắc rối".

Nha van nu anh 2

Đọc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, độc giả yêu mến nét hồn nhiên của phụ nữ miền sông nước. Ảnh: NLĐ.

Nguyễn Ngọc Tư và cái hồn hậu của phụ nữ miền sông nước

Nguyễn Ngọc Tư là một tên tuổi thành công của văn chương đương đại. Hơn 20 năm qua chị vẫn không ngừng sáng tạo, trong những trang viết của chị Tư Cà Mau, người đọc luôn cảm nhận được cái chân chất, thật thà của con người miền sông nước Nam Bộ. Hình tượng người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó khá quen thuộc trong các sáng tác của chị.

Với giọng văn chậm rãi, rủ rỉ như kể chuyện, đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, độc giả có cảm tưởng như đang được nghe một người chị từng trải, dạn dày gió sương kể về đời mình, hay một người phụ nữ nào đó chị đã từng gặp. Trong câu chuyện ấy có đủ truân chuyên, cay đắng , tủi hờn và nước mắt.

Với Nguyễn Ngọc Tư, đàn bà khổ vì họ hy sinh quá nhiều. Họ luôn nghĩ cho người khác rồi mới tự thương thân mình. Khi họ nhận ra mình khổ sở và đáng thương cũng là lúc tâm hồn rỉ máu vì bao nhiêu đọa đày. Dẫu biết vậy, những người đàn bà ấy vẫn không ngừng cho đi, khi nghèo khó và cơ cực bủa vây, sự hy sinh của họ giống như ánh sáng cuối đường hầm với bao hy vọng.

Nha van nu anh 3

Các nhân vật trong văn Trần Thùy Mai mang nét dịu dàng của người phụ nữ cố đô. Ảnh: TTTĐ.

Trần Thùy Mai và những dịu dàng rất Huế

Nhắc đến Y Ban, người đọc nhớ đến Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, thì nhà văn Trần Thùy Mai ghi dấu trong lòng độc giả với cô Hạnh và Trăng nơi đáy giếng. Nhân vật Hạnh của Trần Thùy Mai là đại diện của người phụ nữ Huế xưa, vừa khéo léo tề gia nội trợ, lại tinh tế, tỉ mỉ nhớ hết từng sở thích của chồng, biết chồng cần gì, muốn gì để chuẩn bị cho vừa ý.

Thế nhưng, cô Hạnh không có được hạnh phúc. Cô không thể sinh cho chồng một đứa con, đồng nghĩa với việc người đàn bà ấy chẳng thể nếm trải hạnh phúc của một người mẹ. Có ai hiểu cho nỗi đau của phụ nữ ấy. Ai cũng chỉ biết không sinh được con là một tội lớn. Vì cái tội ấy cô Hạnh phải nhường chồng cho người ta.

Cô khao khát được chăm sóc đứa trẻ ấy, thằng bé là cốt nhục của chồng cô, bởi thế cô cũng coi như một phần máu thịt của mình. Nhưng nó không phải là đứa con do cô sinh ra và thằng bé chẳng bao giờ coi cô là mẹ.

Tình yêu của Hạnh có lớn đến mấy cũng không đủ sức giữ đứa trẻ ấy ở lại, nó rời bỏ cô, như cái cách mà cha nó đã làm. Lúc ấy, cô Hạnh nhận ra hạnh phúc mà mình từ trước đến nay mình có chỉ là ảo ảnh mà thôi, như trăng nơi đáy giếng, có thể ngắm nhìn, nhưng không bao giờ nắm được trong tay.

Nội tâm của nhân vật nữ trong tác phẩm của Trần Thùy Mai được miêu tả một cách rất tinh tế. Nhà văn rất chú trọng đến các bước chuyển biến tâm lý của nhân vật. Điều này không chỉ được thể hiện qua các truyện ngắn của bà, khi đọc tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, nhiều bạn đọc cũng ấn tượng với cách miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế và độc đáo của tác giả.

Với Trần Thùy Mai, khi biết buông bỏ những thứ không thuộc về mình, người phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tiếc rằng, để nhận ra điều đó, họ phải đánh đổi bằng bao nhiêu nước mắt.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi không sợ bóng mình'

Đối thoại với một người tĩnh lặng luôn lý thú, bởi người tĩnh lặng luôn có thể khơi gợi những điều mà những người đứng ở bờ bên kia của sự tĩnh lặng không bao giờ thấy được.

Nghề văn qua góc nhìn của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Nhật Ánh cho rằng nghề văn phải bắt đầu từ con chữ, Tô Hoài nói văn nhân phải học hỏi suốt đời, còn Nguyễn Ngọc Tư định nghĩa nhà văn là người kể câu chuyện của mình.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm