Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Thị Kim Hòa: 'Lạc quan và hy vọng là bạn của tôi'

Đó là lời chia sẻ chân thành của nữ nhà văn người Ninh Thuận. Nhờ hai liều thuốc tinh thần quan trọng ấy mà chị có thể kiên cường nuôi dưỡng tình yêu với văn chương.

Năm lên 2 tuổi, một trận sốt cao đã cướp đi cánh tay phải của Nguyễn Thị Kim Hòa. Bên tay trái con lại cũng gặp khó khăn trong những hoạt động dù là nhỏ nhặt nhất vì chỉ còn lại ba ngón tay có thể cứ động bình thường. Không đầu hàng trước nghịch cảnh, người con gái đầy nghị lực ấy vẫn kiên trì học tập và lạc quan vui sống.

Kim Hòa tìm đến với văn chương như cách người ta tìm đến một người bạn để tâm sự, chia sẻ vui buồn, ước mơ và hoài bão. Chị sáng tác trên nhiều thể loại. Tác phẩn của nữ nhà văn trải từ truyện dài dành cho thiếu nhi, đến truyện ngắn mang yếu tố lịch sử, truyện ngắn về đề tài hậu chiến. Trong hơn một năm trời, chị đã dành được hai giải thưởng văn học uy tín đó là giải Nhất truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân Đội (2013-2014) và giải Nhất Cuộc vận động Sáng tác Văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch.

Biểu tượng của sự lạc quan

- Gần đây, chị cho ra đời nhiều khá tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có phải đây là thể loại chị đang “chăm chút” nhiều nhất trong thời điểm này?

- Văn học thiếu nhi trước giờ luôn là đề tài tôi yêu thích và có rất nhiều động lực để viết. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách đầu tay của tôi Tay chị tay em lại là một truyện vừa dành cho thiếu nhi. Đó là một món quà đặc biệt mà tôi dành cho tuổi thơ của chính mình cũng như những học trò nhỏ vô cùng đáng yêu.

May mắn được ở bên cạnh các em, “nghe lỏm” được từ các em bao câu chuyện thú vị, tôi thầm nghĩ mình thiếu sót biết bao nhiêu nếu không ghi lại chúng. Để sau này, khi đã trưởng thành, một lúc nào đó nếu các em mở những trang sách sẽ có cảm giác giống như tự tay mình mở lại hộp quà tôi muốn tặng các em. Đó là ký ức tuổi thơ.

Có thể nói năm 2015 vừa qua là năm tôi dành trọn vẹn cho văn học thiếu nhi. Từ tham gia cuộc Vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch, viết lời cho tập sách tranh Lễ hội Kate (thuộc bộ sách Tập tục quê em). Đến lần lượt ra mắt hai quyển sách Cút Cà Cút Kít và Leng keng Noeltrong giai đoạn cuối năm. Tôi luôn cảm thấy một niềm vui bất tận khi cầm bút ngồi vào bàn và bắt đầu những dòng chữ dành cho các em.

Tuy chăm chút cho mảng đề tài thiếu nhi, nhưng tôi vẫn còn nhiều bất ngờ dành cho bạn đọc vào năm 2016. Bật mí đầu tiên, một tác phẩm mới chắc chắn sẽ xuất hiện vào hội sách TP HCM ngày 21/3 sắp tới. Giờ tôi chỉ có thể tiết lộ như vậy thôi! 

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

- Sáng tác của chị rất đa dạng, trải rộng trên nhiều thể loại. Chị làm thể nào để thay đổi văn phong và cảm xúc của mình một cách “chóng mặt” như vậy?

- Tôi thuộc kiểu người... hơi lăng nhăng!(cười). Tôi ngộp thở lắm nếu bị bắt phải đóng đinh mình trong một phong cách hay một đề tài nào đó. Bạn văn hay trêu tôi: "Đa dạng mãi rồi người đọc không nhận ra được, người đọc quên mất mình, lúc đó có ngồi mà khóc!" Tôi quý lắm. Vì biết trong câu đùa ấy, sự lo lắng dành cho mình không phải ít. Người viết quan trọng nhất vẫn là phải định hình, xác lập cho mình một mảnh đất.

Nhưng lẽ nào không có một mảnh đất cùng lúc có thể trồng tươi tốt nhiều loại cây sao? Hơi mạo hiểm, nhưng tôi đang đi tìm mảnh đất đó. Nếu lỡ cuộc tìm kiếm có là vô vọng, thì người đi tìm là tôi cũng lời được vô khối kinh nghiệm đi đường mà. Huống hồ, tôi luôn tin: Không có gì là không thể, nếu chúng ta không bắt đầu.

- Dù ở thể loại nào, độc giả cũng bắt gặp trong văn của chị sự lạc quan và hy vọng. Trong cuộc sống đó có phải là hai thứ “vũ khí” quan trọng nhất để chị đối mặt với nghịch cảnh?

- Lạc quan và hy vọng không là vũ khí mà là bạn tôi. Mỗi ngày, cùng với người bạn này, tôi sống và tôi viết. Cuộc sống không giành cho tôi nhiều ưu ái, nhưng cuộc sống cũng cho tôi nhiều niềm vui bất ngờ so với mọi người. Tôi biết, những niềm vui ấy là bởi vì tôi luôn lạc quan và hi vọng.

Đừng nghĩ cuộc sống là một cuộc chiến để bạn căng người đương đầu cùng bao vũ khí. Tôi luôn thích nhìn những thử thách ở góc độ một chặng đường tạm thời mấp mô đá sỏi. Vì là tạm thời thôi, nên người đi đường tôi cứ chầm chậm bước và bình tĩnh vượt qua.

Với tư cách là một nhà văn nữ, chị cảm nhận thế nào khi hóa thân vào lột tả nội tâm nhân vật nữ?

- Thực ra phụ nữ viết về phụ nữ không phải lúc nào cũng đơn giản. Phụ nữ có thể đồng cảm, có thể dễ liên tưởng, dễ hóa thân vào nhân vật nữ của mình trên trang viết. Nhưng không ít nhà văn nam đã chứng minh rằng: Họ hóa thân vào nhân vật nữ còn hay hơn cả các nhà văn nữ. Khó khăn khi tiếp cận vào nội tâm nhân vật nói chung và nhân vật nữ nói riêng, theo tôi không phụ thuộc vào giới tính, mà phụ thuộc vào khả năng của nhà văn.

- Hình tượng nhân vật nữ trong văn của chị rất đa dạng. Vậy trong cuộc sống đâu là hình mẫu phụ nữ mà chị ngưỡng mộ nhất?

- Tôi dành nhiều đất cho các nhân vật nữ. Nhưng trong cuộc sống, người phụ nữ duy nhất trong lòng của tôi là mẹ. Nếu xây dựng một hình mẫu phụ nữ mà mình ngưỡng mộ, tôi nhất định sẽ xây dựng hình tượng một người mẹ. Một người phụ nữ bình thường thôi. Không tính đến hoàn cảnh hay đẳng cấp. Không xét đến yếu tố truyền thống hay hiện đại. Nhưng đó là người phụ nữ, tôi tin mãi mãi vĩ đại. Bởi những người mẹ sở hữu thứ vô cùng thiêng liêng với những đứa con. Đó là tình thương yêu!


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm