Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tìm cách thoát khỏi sự bão hòa cảm xúc

Trong tác phẩm mới nhất của mình, "Những người hàng xóm", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã mạnh dạn khai phá vùng lãnh địa mới khi viết về nhân vật và bối cảnh ở châu Âu.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi giao lưu, ký tặng sách tại Hà Nội, ngày 25/12. Ảnh: Minh Hùng

Truyện dài Những người hàng xóm được giới thiệu là một tác phẩm rất khác biệt, với cấu tứ mới lạ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có lẽ, điểm mới lạ dễ thấy nhất ở tác phẩm này là bối cảnh và nhân vật nước ngoài.

Xưa nay, Nguyễn Nhật Ánh là cái tên được bạn đọc gắn liền với ý niệm về tuổi thơ, về con người Việt Nam hiền hậu, giản dị. Nay, tác phẩm mới nhất của nhà văn có nhiều nhân vật ngoại quốc cùng bối cảnh rời xa lãnh thổ Việt Nam khiến nhiều độc giả cảm thấy lạ lẫm, tò mò.

Mở đầu cuốn sách, Nguyễn Nhật Ánh viết: "Bạn sẽ làm gì nếu bạn rong chơi hai tháng ở nước ngoài? Bạn sẽ đi thăm nhiều nơi, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng - hẳn nhiên rồi. Bạn sẽ dành thì giờ khám phá nền văn hóa độc đáo nơi xứ người. Bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị - kể cả trên bàn ăn. Đúng rồi! Tất cả đều đúng!".

"Nhưng nếu là một nhà văn, ngoài những điều đó ra, biết đâu bạn sẽ hào hứng bắt tay vào một cuốn truyện mới - với bối cảnh và những nhân vật hoàn toàn mới mẻ. Cuốn truyện đó rất có thể sẽ có tên là Những người hàng xóm".

Nguyen Nhat Anh anh 1

Truyện dài Những người hàng xóm có bối cảnh và nhân vật nước ngoài. Ảnh: Minh Hùng.

Chuyến đi rời vùng lãnh thổ quen thuộc

Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông bắt đầu viết cuốn sách trong một chuyến đi nước ngoài dài 2 tháng. Những lần đi trước, ông chỉ viết tản văn hoặc bút ký nếu bắt gặp sự kiện thú vị, nhưng lần này, ông được chứng kiến, được nghe nhiều câu chuyện đặc biệt, nên đã quyết định viết thành truyện dài.

Trả lời phỏng vấn của Zing, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể rằng ban đầu, khi chọn viết về nhân vật, bối cảnh nước ngoài, ông cũng có chút băn khoăn, tự vấn không biết mình có viết được không. Nhưng sau khoảng 20 trang viết, cảm thấy đã bắt được nhịp, nhà văn khá dễ dàng bước tiếp.

Những người hàng xóm không tập trung vào một nhân vật chính mà kể câu chuyện của cả một nhóm người, thông qua lăng kính của nhân vật "tôi". Độc giả được giới thiệu với một anh chàng mới lấy vợ, chuẩn bị đi làm và hào hứng khởi nghiệp viết văn; Một nữ phát thanh viên ngôn ngữ ký hiệu với mối duyên nở muộn; Một ông họa sĩ già nhớ thương khôn nguôi người vợ quá cố...

Nhà văn cho biết vì nhân vật "tôi" trong Những người hàng xóm là người nước ngoài, nên khi viết, ông không đưa cảm xúc cá nhân của mình vào như các tác phẩm lấy nhân vật người Việt Nam được. "Ở đây, cảm xúc của nhân vật với cảm xúc của nhà văn có một độ vênh nhất định", Nguyễn Nhật Ánh nhận định. "Tôi nghĩ cuốn sách này khác những cuốn khác ở chỗ là câu văn sẽ trực tiếp hơn. Tôi ít dùng tính từ và trạng từ, văn phong có một chút khác biệt so với những tác phẩm trước".

Những câu chuyện đan cài được nhà văn dẫn dắt tới một thông điệp xuyên suốt, một điểm về cảm xúc quen thuộc - khao khát sống đẹp, sống tử tế. Chia sẻ về điểm này, tác giả nói: "Tôi nghĩ hướng thiện là một nhu cầu tự nhiên của con người. Bản thân tôi viết về cái đẹp, cái thiện cũng là nhu cầu của bản thân tôi. Đó là cách để mình tự soi mình".

Nguyen Nhat Anh anh 2

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giao lưu với độc giả Hà Nội ngày 25/12. Ảnh: Minh Hùng.

Một chương mới cho sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh

Trước câu hỏi liệu Những người hàng xóm có mở ra một chương mới cho sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn đã trả lời Zing: "Cuốn sách là một gợi ý để mai mốt tôi viết với đề tài khác biệt so với trước đây".

Là một nhà văn đã có hơn 40 năm kinh nghiệm viết, Nguyễn Nhật Ánh cảm thấy vẫn cần làm mới cảm xúc. "Dù đề tài tuổi thơ đã trở thành một thứ ADN trong sáng tác của tôi, tôi nghĩ nếu cứ viết nhiều một đề tài, tôi sẽ gặp sự bão hòa về mặt cảm xúc. Viết đề tài mới mẻ, khác biệt sẽ đánh thức tiềm năng, khám phá giới hạn của bản thân", ông chia sẻ.

Nhà văn cho biết ở tác phẩm này, ông ít đưa cảm xúc cá nhân của mình vào hơn. Với lý do là viết về các nhân vật nước ngoài, ông viết theo hướng quan sát, khám phá. Tiếp cận khía cạnh mới, Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận có gặp chút khó khăn khi bắt đầu vì phải kiềm chế những cảm xúc đưa vào nhân vật. Nhưng một khi đã bắt được nhịp, ông cảm thấy kiểu viết này cũng thú vị, đồng thời gợi hứng thú cho nhà văn dấn thân vào những trải nghiệm mới.

"Tôi cũng từng thực hiện nhiều bước thay đổi trong các tác phẩm trước đây, như chuyển từ đối tượng mới lớn trong Mắt biếc sang lứa tuổi nhỏ hơn - lứa tuổi cấp 2 - ở loạt truyện Kính Vạn Hoa, hay như lần tôi đặt điểm nhìn tự sự ở một chú chó trong Tôi là Bêto, rồi còn có lần sáng tạo thế giới phù thủy trong Chuyện xứ Lang Biang. Mỗi lần thay đổi tôi đều thấy rất hứng thú, dù luôn phải nghiên cứu nhiều trước khi viết", nhà văn nói.

Ông chia sẻ rằng ông rất thích tác phẩm lần này và vì vậy, có thể sắp tới ông sẽ khai thác thêm nhánh đề tài mới mẻ. Nguyễn Nhật Ánh cho biết khi viết những đề tài mới ông không bao giờ suy nghĩ đến việc liệu độc giả có đón nhận không, mà chỉ viết từ niềm hứng thú cá nhân. "Nhà văn mà không hứng thú với đề tài mình viết thì độc giả làm sao hứng thú được?", ông nói.

Nguyễn Nhật Ánh cho rằng quan trọng nhất khi viết sách, trước tiên là sự hứng thú, sau đó là tính cẩn thận, chỉn chu. "Mình hành nghề là phải có lòng yêu nghề. Mình viết tốt nhất có thể, còn phong độ tới đâu, trình độ tới đâu thì để bàn sau. Chỉ khi nào viết xong cuốn sách, tôi mới cảm thấy hồi hộp về phản ứng của độc giả".

Độc giả Hà Nội xếp hàng từ 4h để gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Xếp hàng dài trước cổng Đại học Tổng hợp, thanh thiếu niên Hà thành háo hức xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong đó, đến sớm nhất là nhóm 6 bạn trẻ, tụ tập từ 4h sáng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra sách mới

“Những người hàng xóm” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được phát hành ngày 24/12.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm