Nguyễn Bình Phương là cây bút văn xuôi nổi bật trên văn đàn hiện nay. Mỗi tác phẩm của ông ra đời đều mang tới phong cách mới mẻ, nên luôn được giới phê bình và người yêu văn chương đón đợi.
Sách Một ví dụ xoàng. Ảnh: T. Đ. |
Tiểu thuyết mới nhất của ông có tên Một ví dụ xoàng. Được biết, sách do công ty Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản, dự kiến phát hành cuối tháng 7. Đơn vị phát hành thực hiện một lượng sách bìa cứng kèm chữ ký tác giả, có link đặt trực tuyến vào ngày 7/7.
Một ví dụ xoàng là tác phẩm sâu sắc về thân phận con người. Tác giả tiếp tục tìm tòi, thể hiện một phong cách mới lạ, không lặp lại chính mình trong tiểu thuyết này.
Mỗi lần Nguyễn Bình Phương ra mắt tiểu thuyết mới, tác phẩm của ông thường được giới phê bình và bạn đọc bình luận sôi nổi. Tuy vậy, tác giả luôn kiệm lời, không nói về đứa con tinh thần của mình, ông cũng là “người đi vắng” trong các buổi ra mắt sách của mình.
Dường như Nguyễn Bình Phương dồn năng lượng vào sáng tác và công tác ở cơ quan mà ông gọi là “nghĩa vụ” của một quân nhân. Trong một lần trả lời phỏng vấn Zingnews, ông nói về công việc của mình: “Tôi đang ngồi nói chuyện với bạn đây, tôi tự nhận tôi là con người khác, một công chức tươi tỉnh. Nhưng viết thì khác. Tôi chìm vào một cõi khác. Lúc viết tôi chìm vào góc cảm xúc không lý giải được. Lúc đó chỉ có tôi với tôi. Tôi không diễn kịch. Tôi cứ ngồi với trang giấy viết… Viết như thằng rồ”.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Y. N. |
Nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Ông tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, bắt đầu viết từ năm 1986. Hiện Nguyễn Bình Phương là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nguyễn Bình Phương có một khối tác phẩm lớn, với các tiểu thuyết gây tiếng vang như Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004), Mình và họ (2014), Kể xong rồi đi (2017)…
Thơ ca là mảng đề tài quan trọng và có ý nghĩa lớn với Nguyễn Bình Phương, với các tập như Buổi câu hờ hững, Lam chướng, Từ chết sang trời biếc, Xa xăm gõ cửa…