Nhà văn Hữu Phương ở Quảng Bình. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam. |
Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà văn Hữu Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào sáng ngày 3/2. Trước đó, ông được nhà văn Hoàng Thụy Anh báo tin nhà văn Hữu Phương sau khi trở về từ bệnh viện 2 ngày thì rơi vào hôn mê từ sáng ngày 2/2.
Trên trang mạng xã hội cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đăng tải một phần điếu văn nhà văn Hữu Phương do chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình viết:
"Sự ra đi của ông lại làm sống dậy trong lòng chúng ta những ký ức đẹp về ông - một nhà giáo tâm huyết với nghề, một người yêu thơ đã sáng tác nhiều bài thơ đầu tay đi vào lòng người. Nhưng truyện ngắn và tiểu thuyết đã đến với ông như duyên nợ. Khoảng những năm 1984, 1985 ông chuyển hẳn sang văn xuôi. Chúng ta còn nhớ truyện ngắn đầu tiên Trăng sáng vườn dưa gây ấn tượng mạnh trên tạp chí Sông Hương bởi tính nhân văn và cái đẹp của con người. Một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết sau đó đưa ông thành nhà văn kì cựu của miền Trung. Chiến tranh, người lính, thầy giáo là những đề tài sâu sắc, chắc chắn và tâm huyết của ông".
Nhà văn Hữu Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thê, sinh ngày 26/12/1949 tại xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngoài bút danh Hữu Phương, ông còn có bút danh khác là Nam Hạ, Nam Phương.
Các sáng tác đáng chú ý của ông có thể kể đến tập truyện ngắn Con người thánh thiện (1991), Đêm hoa quỳnh nở (1995), Hoa cúc dại (1997), Khách má hồng (2002), Anh bộ đội và cô gái mặc quần phục xanh (2011), Ba người trên sân ga (2014)… Và các tiểu thuyết Chân trời mùa hạ (2011), Súng nổ bến Thiên Đường (2014), Quay đầu lại là bờ (2019).
Trong nhiều năm bị bệnh tật hành hạ, nhà văn Hữu Phương đã để lại cho văn học Quảng Bình nói riêng và văn học Việt Nam nói chung nhiều tác phẩm có giá trị. Truyện ngắn Trăng sáng vườn dưa là cú hích để ông liên tiếp mở rộng sân chơi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ và các tạp chí khác cho đến năm 2019. Bên cạnh đó, truyện ngắn Ba người trên sân ga của ông còn sau khi được chuyển thể thành phim Đời cát (do Nguyễn Thanh Vân đạo diễn) đã đoạt được nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước.
Theo chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, tiểu thuyết Quay đầu lại là bờ là một trong những tiểu thuyết thành công của ông, khẳng định bút lực và năng lượng sáng tạo dồi dào.
"Quay đầu lại là bờ đã đứng hẳn về phía đau thương của con người, lắng vào bề sâu của cuộc chiến, để sòng phẳng những gì mà cuộc chiến gây ra. Những tâm tư của các nhân vật trong tiểu thuyết là những dòng đối thoại đa thanh. Chính các khoảng trống, sự chênh lệch trong thế giới nội tâm của các nhân vật đã giúp ông phản ánh sâu sắc, luận bàn cởi mở, đa chiều, bộc lộ tư duy, quan điểm nghệ thuật về chiến tranh từ góc nhìn hậu chiến. Chiến tranh có thể chia cắt đất nước, chia cắt gia đình, tình yêu, bạn bè, nhưng tình yêu thương sẽ gắn kết, hóa giải mọi ngăn cách, mâu thuẫn, xung đột", trích điếu văn nhà văn Hữu Phương.