Hà Thủy Nguyên được biết đến từ năm 2004 với tiểu thuyết nghìn trang Điệu nhạc trần gian lấy bối cảnh thời Lý, viết từ năm 14 tuổi. Bấy giờ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã bình về cuốn sách như sau:“Bố cục lớp lang liền mạch, nhân vật rõ ràng, tả người có dáng, tả cảnh có hình, tả tình có điệu… từ đâu ở độ tuổi nhỏ của mình em đã thâu nạp được nhiều kiến thức văn chương cổ và biết vận dụng chúng linh hoạt đến vậy. Và trên hết là một óc tưởng tượng kỳ thú và phong phú”.
Những tác phẩm phục cổ duy mỹ và tinh tế
Từ đó đến nay đã 20 năm, Hà Thủy Nguyên trưởng thành với nhiều tác phẩm được độc giả “có chất” yêu thích. Cầm Thư quán nằm trong số ấy. Trong sự kiện ra mắt Cầm Thư quán, nhà văn trẻ Đức Anh còn cho biết Hà Thủy Nguyên là tác giả có ảnh hưởng tới những cây bút trẻ thế hệ sau về tinh thần sáng tạo và tự do. Nhà phê bình và nhà thơ Thế Dũng đã gọi con đường văn chương của Hà Thủy Nguyên là “phục cổ để phục sinh”.
Cầm Thư quán là tác phẩm duy mỹ đầu tiên của Hà Thủy Nguyên, định hình nên phong cách văn chương của chị. Được sáng tác năm 19 tuổi, khi đang học tại khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và đang biên kịch nhiều bộ phim truyền hình cho VTV, Cầm Thư quán mang sắc màu liêu trai với văn phong đầy chất thơ, tái hiện bầu không khí tài tử giai nhân trong thời thịnh thế dưới sự trị vì của Lê Thánh Tông bằng cấu trúc màn cảnh và ước lệ thường thấy trong lĩnh vực sân khấu điện ảnh.
Lối viết này của Hà Thủy Nguyên được chị hoàn thiện dần qua nhiều tác phẩm thơ văn. Gần đây nhất là bộ tiểu thuyết Thiên địa phong trần về Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, tái hiện bầu không khí thời Lê Mạt với những nỗi niềm trong thời loạn lạc.
Khi nhận xét về tác phẩm này, nhà thơ Thái Hoàng Duy đánh giá: “Tiểu thuyết có ưu điểm vững vàng về kết cấu, tác giả vốn là một cây viết phim truyền hình vững tay nghề nên đã kết cấu cuốn tiểu thuyết theo các phân cảnh cinema khiến tiểu thuyết luôn có không khí khép mở, lát cắt đan xen, từng phân cảnh, trường đoạn sáng rõ gây sự tò mò, phấn khích cho người đọc, tránh được sự lê thê, kể lể dài dòng mà vẫn linh hoạt. Chất kịch tính khép mở theo mỗi scene tương ứng mỗi chương sách”.
Theo nhà thơ Thái Hoàng Duy, các nhân vật được xây dựng cá tính, đâu ra đấy, rất lịch sử nhưng cũng rất hiện đại. Tác giả lại cũng là một nhà thơ nên văn có chất thơ, rất tương thích với không khí huyền sử, dã sử trong tiểu thuyết… Chất thơ bàng bạc trong câu chữ nên đọc rất thú. Phần trích thơ văn cổ đan xen, đúng chỗ, đúng lúc giữ cho chất lịch sử đậm đà mà vẫn hiện đại.
Trái với quan điểm “thơ khó bán”, thơ do Hà Thủy Nguyên sáng tác và dịch được nhiều độc giả tìm mua, yêu thích. Tập thơ Mùa dã cổ của Hà Thủy Nguyên, xuất bản năm 2016 được nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận xét: “Sự cổ điển như đã trở thành bảnnăng của Hà Thủy Nguyên… nó đã trở thành tư tưởng của tác giả. Và dường như cái cổ điển ấy lại là tiêu điểm để nhìn cuộc sống hiện nay”. Sau Mùa dã cổ, Hà Thủy Nguyên xuất bản tập thơ Nằm xem sao rụng và dịch thơ các tác giả đặc sắc của Trung Đông như Omar Khayyam, Rumi.
Đưa thế giới cổ đại và đương đại tới gần nhau
Khi đoạn trích tiểu thuyết Thiên Mã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7 (bộ sách Tri thức kết nối với cuộc sống), độc giả vừa yêu thích lối hành văn bay bổng, giàu hình ảnh, vừa thích thú với thế giới tưởng tượng kết hợp yếu tố fantasy (hư cấu) đến từ các nền văn minh cổ đại và yếu tố sci-fi (khoa học viễn tưởng) được đề cập qua công nghệ gen. Thiên Mã có thể được coi là một trong các cuốn tiểu sci-fi đầu tiên của văn học Việt Nam. Người đọc không chỉ bắt gặp xu hướng kết hợp giữa tri thức cổ xưa và công nghệ hiện đại của Hà Thủy Nguyên ở Thiên Mã, mà còn trong các truyện ngắn trong tập truyện Bên kia cánh cửa (2013) và Gallery & Bóng (2023).
Dấu vết cho sự kết hợp giữa tính cổ đại và hiện đại rõ nét nhất nằm trong các hoạt động của Book Hunter. Điểm qua tủ sách của Book Hunter, độc giả dễ dàng nhận ra chủ đề sách tập trung vào tri thức triết học - tôn giáo cổ xưa và các nghiên cứu mới nhất về công nghệ, văn minh đô thị hoặc sự chuyển dịch của các nền văn hóa. Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ chị rất tâm đắc với phát biểu của nhà văn Paulo Coelho: “Để thay đổi thế giới, chúng ta cần kết hợp giữa tri thức cổ xưa và công nghệ hiện đại”.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên (sinh năm 1986), là người sáng lập Book Hunter. Năm 16 tuổi, Hà Thủy Nguyên hoàn thành cuốn tiểu thuyết dã sử huyền huyễn đầu tiên có tựa đến Điệu nhạc trần gian (2004). Tiếp sau đó là các tiểu thuyết Cầm Thư quán (2008, 2018, 2024), Thiên Mã (2010, 2023), Thiên địa phong trần (2019, 2022); các tập truyện ngắn Bên kia cánh cửa (2013), Gallery & Bóng (2023); các tập thơ Mùa dã cổ (2016), Nằm xem sao rụng (2020); các tác phẩm dịch Rumi - Nhà huyền môn và kẻ say (2023), Thi ca luận của Aristotle (2024), Đến như nước chảy, đi tựa gió phiêu - Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam (2024).
Chị cũng từng là biên kịch bộ phim Đi về phía mặt trời (HTV9), Vòng nguyệt quế (VTV1), Blog nàng dâu (VTV3), Nếp nhà (VTV1, phim thuộc dự án Nghìn năm Thăng Long)...
Book Hunter ra mắt bộ sách về 'những gã khổng lồ truyền thông'
Nhằm tăng hiểu biết về bức tranh truyền thông toàn cầu, Book Hunter dịch và phát hành “Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế chính trị” với cách tiếp cận đa chiều.
CEO Book Hunter: ‘Triết học không chỉ là lý luận mà còn là cuộc sống’
Anh Lê Duy Nam - CEO Book Hunter - chia sẻ trong thời đại AI, triết học không chỉ là lĩnh vực học thuật, mà còn là bộ công cụ tư duy quan trọng để giải quyết tình huống thực tiễn.
Bộ sách hướng dẫn ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung
Bộ sách “Kiếm tiền cùng ChatGPT” cung cấp thông tin hữu ích trong kỷ nguyên AI giúp mỗi người nắm bắt cơ hội và làm chủ vận mệnh nhanh chóng.