Dự án nghiên cứu dài hơi Global Media Giants (tạm dịch: Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế chính trị) được thực hiện bởi nhóm các học giả nghiên cứu khoa học truyền thông từ nhiều quốc gia và được NXB Routledge lần lượt công bố. 10 cuốn sách đầu tiên thuộc dự án đã được tổ chức dịch và ấn hành bởi Book Hunter trong tháng 5.
Nghiên cứu các tập đoàn truyền thông từ góc độ phê bình kinh tế chính trị
Dự án nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia quốc tế. Sử gia nghiên cứu thông tin truyền thông Dan Schiller (ĐH Illinois) gọi đây là công trình tiên phong trong khảo sát quyền lực tư bản đối với truyền thông toàn cầu. Giáo sư Peter Golding (chuyên ngành Xã hội học, ĐH Northumbria) nhấn mạnh đây là phân tích toàn diện và sâu sắc về sự thống trị ngày càng tăng của các tập đoàn tư nhân đối với văn hóa, thông tin và truyền thông.
Không giống nhiều cuốn sách viết về các thủ đoạn kinh doanh và chiến thuật bành trướng của các tập đoàn truyền thông, bộ sách đúng như tên gọi của mình, sử dụng phương pháp phê bình kinh tế chính trị để phân tích và lý giải.
Bộ sách Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế chính trị do Book Hunter dịch và ấn hành, được cấp phép bởi NXB Hà Nội và NXB Đà Nẵng. |
Phương pháp này giúp hiểu rõ cách các tập đoàn truyền thông lớn tương tác và ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế, đồng thời làm nổi bật mối quan hệ giữa quyền lực truyền thông và quyền lực chính trị, có ảnh hưởng tới chính sách công, dư luận, xu hướng, giao thức liên lạc và mua sắm…
Những gã khổng lồ truyền thông chi phối thế giới thực
Mỗi cuốn trong bộ sách đi sâu phân tích cách thức hoạt động của các tập đoàn lớn trên toàn cầu, ở cả cấp độ khu vực và quốc gia, bao gồm: 3 tập đoàn Trung Quốc là Tencent, Baidu, Alibaba, tập đoàn của Nhật là Nintendo, 2 tập đoàn của Mỹ là Alphabet, Amazon, 3 tập đoàn của châu Âu là Bertelsmann (Đức), Vivendi (Pháp), Grupo Prisa (Tây Ban Nha) và tập đoàn của Nam Mỹ là Grupo Clarín (Argentina).
Trong số đó, có những “gã khổng lồ” được nhiều người biết đến như Alibaba, Amazon. Đây đều là những tập đoàn sở hữu các sàn thương mại điện tử đã kiến tạo và định hình phương thức thương mại và logistics toàn cầu hiện nay. Nhưng hơn thế, hai tập đoàn này còn cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc về cấu trúc xã hội và trật tự thế giới mà họ đã vạch ra bằng chính sự tăng trưởng của mình.
Khổ sách mỗi cuốn nhỏ gọn, chỉ bằng một chiếc smartphone cỡ to, thuận tiện mang theo khi di chuyển. |
Ẩn mình hơn nhưng không kém phần bề thế là Tencent, Vivendi, Nintendo - những tập đoàn ảnh hưởng lớn tới giới giải trí toàn cầu với phim trực tuyến, bầu của các ngôi sao, sở hữu các thương hiệu game, chương trình bóng đá hay show âm nhạc.
Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp nhất tới Việt Nam là Tencent - cổ đông ngoại có ảnh hưởng lớn lên Tiki, Shopee, sở hữu kênh phim WeTV, ứng dụng WeChat, và nhà sản xuất game đã phát triển “Liên minh huyền thoại”. Kế đến là Nintendo với đế chế game đã tạo ra Mario và Pokémon… Ít ảnh hưởng hơn là Vivendi với vai trò bầu sô của rất nhiều ngôi sao âm nhạc như The Beatles, The Rolling Stones, Taylor Swift…
Alphabet của Mỹ và Baidu của Trung Quốc cạnh tranh nhau trong công cụ tra cứu. Alphabet chính là công ty mẹ của Google, công cụ tra cứu phổ biến hàng đầu trên thế giới hiện nay với rất nhiều ứng dụng dữ liệu. Sự xuất hiện của Baidu đã làm chậm bước tiến của Google bằng cách tạo hệ sinh thái tra cứu nội địa cho người Trung Quốc với hệ thống tối ưu kết hợp giữa Google và Wikipedia. Cùng lúc ấy, Alphabet cũng phải cạnh tranh với Tencent trong các nền tảng viễn thông và các ứng dụng công nghệ trong đời sống.
Duy trì mô hình truyền thống nhưng quy mô rộng khắp toàn cầu là Bertelsmann của Đức với đế chế xuất bản và giáo dục, mà thương hiệu nổi tiếng nhất họ sở hữu là nhà xuất bản hàng đầu: Penguin Random House. Mô hình hoạt động của Bertelsmann có thể gợi mở rất nhiều điều về cách phát triển của các thương hiệu sách tại Việt Nam.
Nghiên cứu về Tập đoàn Bertelsmann của Đức sở hữu Penguin Random House. |
Grupo Prisa và Grupo Clarín là hai tập đoàn quy mô quốc gia, khu vực và ít có ảnh hưởng tới toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển và sự thiết lập quyền lực vững chắc tại nước sở tại của họ, cũng như tác động mạnh mẽ của họ tới chuyển dịch xã hội là một hiện tượng truyền thông cần được tìm hiểu.
Cả hai tập đoàn này đều chủ động trong việc củng cố quyền lực cho tầng lớp mà họ lựa chọn, đồng thời điều hướng chính trị và tận dụng các hỗn loạn về kinh tế để mua bán sáp nhập và mở rộng.
Việc phân tích kinh tế chính trị các tập đoàn truyền thông hỗ trợ việc phát triển các chính sách công bằng hơn, nhằm ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực và bảo vệ quyền lợi của công chúng. Điều này bao gồm các luật chống độc quyền và quy định về sở hữu chéo trong truyền thông.
Bộ sách Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế chính trị nằm trong chuỗi hoạt động giới thiệu các nghiên cứu mới nhất về truyền thông và công nghiệp văn hóa trên thế giới, do Book Hunter tổ chức thực hiện. Từ năm 2023 đến nay, Book Hunter đã xuất bản 15 đầu sách thuộc chủ đề này.
Được biết đến trong nhiều năm gần đây như một đơn vị phát hành các cuốn sách nền tảng và chất lượng, Book Hunter đã cho ra mắt nhiều tác phẩm triết học, nghiên cứu kinh tế chính trị, khoa học truyền thông, giáo dục, văn học nghệ thuật… Để tìm hiểu thêm về Book Hunter, mời các bạn truy cập vào website https://bookhunterlyceum.org/ hoặc xem sách trực tiếp tại 81B ngõ 592 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội.