Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Đặng Ngọc Hưng: 'Hùng binh' là món quà tôi dành tặng Hoàng Sa

Hoàng Sa không chỉ là một địa danh, một quần đảo, ở đó có một phần lịch sử của nước Việt, nơi máu thịt cha anh đã đổ xuống.

Trong số 13 đầu sách đoạt giải B tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai, "Hùng binh" là cuốn tiểu thuyết duy nhất được vinh danh ở giải thưởng danh giá này. Nhà văn Đặng Ngọc Hưng đã trò chuyện với Zing.vn xoay quanh tác phẩm này.

Được độc giả đón nhận còn vui hơn đoạt giải

- Khi biết cuốn tiểu thuyết của mình được trao giải B tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần hai, anh có bất ngờ không? Và anh kỳ vọng gì sau khi tác phẩm đoạt giải?

- Tôi đã theo dõi tin tức về giải thưởng này từ khi biết tác phẩm của mình lọt vào vòng sơ khảo nên không mấy bất ngờ. Với nội dung và tư tưởng mà Hùng binh mang tới cho bạn đọc, tôi nghĩ nó xứng đáng được vinh danh ở giải thưởng danh giá này. Mặc dù, xét về các yếu tố nghệ thuật, tác phẩm chưa phải là cuốn tiểu thuyết đặc sắc.

Tôi mong sau khi đoạt giải thưởng, cuốn sách được độc giả biết đến nhiều hơn. Hùng binh được xuất bản đầu năm 2018, đến nay đã được gần 2 năm, nhưng nó không nhận được sự quan tâm nhiều của độc giả. Thẳng thắn mà nói, đây là một cuốn “sách ế”. Tác phẩm này chịu chung số phận với nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử trên thị trường hiện nay.

Khi viết tác phẩm này, tôi mong độc giả biết đến câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa và dân làng An Vĩnh, những con người đã nhiều đời bám biển để giữ gìn một phần lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc. Nhờ văn chương, chúng ta có thể hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Với tôi, việc được bạn đọc đón nhận còn vui hơn.

Tieu thuyet Hung binh anh 1

Tiểu thuyết Hùng binh của tác giả Đặng Ngọc Hưng. Ảnh: NXB Trẻ.

- Để viết cuốn tiểu thuyết lịch sử dày hơn 500 trang như "Hùng binh", việc tìm kiếm tư liệu có phải là khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải?

- Hùng binh được tôi viết trong khoảng 3 năm và tôi đã phải tìm hiểu khá nhiều tư liệu lịch sử. Ngoài ra, tôi còn phải tìm kiếm hàng loạt tài liệu liên quan đến địa chất, địa tầng và khí hậu của vùng quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều tư liệu và ghi chép của những người lính Pháp từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bên cạnh việc mang đến một câu chuyện thấm đẫm tình yêu nước, tôi còn muốn tạo một không khí mang đậm chất biển cho tác phẩm.

Ngoài tìm kiếm tài liệu, việc sử dụng phương ngữ Nam-Trung Bộ cũng là một khó khăn lớn với tôi. Vì tôi là người Hà Nội nên lời ăn tiếng nói hoàn toàn khác so với các nhân vật trong tiểu thuyết. Sau khi viết xong tác phẩm, việc sử dụng từ ngữ địa phương như thế nào cho chuẩn xác là điều khiến tôi đắn đo. Một số nhà văn nói với tôi rằng: Không cần quan tâm nhiều tới phương ngữ, nội dung và tư tưởng của tác phẩm mới quan trọng.

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng từ địa phương là một yếu tố cần thiết để tạo nên không khí cho tác phẩm. Tôi muốn khi đọc sách, những người từng đến Hoàng Sa, hay từng sống ở Đà Nẵng cảm nhận như thể được trở lại nơi này. Tôi phải cảm ơn biên tập viên NXB Trẻ, các bạn đã làm việc rất cẩn thận và tỉ mỉ để biên tập và giúp tôi chỉnh sửa tác phẩm, để hệ thống phương ngữ vùng miền được sử dụng một cách chuẩn xác trong tác phẩm.

Tieu thuyet Hung binh anh 2

Nhà văn Đặng Ngọc Hưng (phải) tại lễ trao giải Sách Quốc gia lần thứ hai. Ảnh: Hoàng Hà.

- Khi viết tiểu thuyết lịch sử, nhiều nhà văn thường lo lắng khi sử dụng các tình tiết hư cấu, họ sợ rằng những chi tiết không đúng với lịch sử sẽ làm độc giả quay lưng với tác phẩm. Còn cá nhân anh nghĩ sao về điều này?

- Trước hết, chúng ta cần tách bạch giữa một cuốn tiểu thuyết về lịch sử với một cuốn sách nghiên cứu lịch sử thuần túy. Trong bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào cũng tồn tại yếu tố hư cấu, và tiểu thuyết lịch sử cũng không nằm ngoài quy luật sáng tạo đó. Đôi khi, các tình tiết hư cấu lại là “phương tiện” để mang chính sử đến gần hơn với độc giả.

Mong mỏi của tôi cũng như nhiều nhà văn khác, là sau khi dõi theo câu chuyện trong tiểu thuyết của mình, người đọc có hứng thú nhất định để tìm hiểu chính sử. Bên cạnh đó, việc xác minh tính chính xác của lịch sử lại là một câu chuyện dài.

Với những sự kiện mới xảy ra cách đây 30-40 năm, còn có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, huống hồ là những sự kiện xảy ra cách đây hàng trăm năm. Đôi khi, tính chính xác của lịch sử chỉ là tương đối.

Mỗi chương đều dẫn các tư liệu lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa

- Chủ quyền biển đảo đang là vấn đề nóng. Đó có phải là lý do để anh viết về đội hùng binh Hoàng Sa thời nhà Nguyễn?

- Trước Hùng binh, tôi có viết cuốn tiểu thuyết lịch sử khác, đó là Bạch Đằng dậy sóng, nói về thủy quân của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Khi tìm hiểu về lịch sử nhà Trần, tôi vô tình đọc được những chi tiết thú vị về việc chúa Nguyễn Phúc Tần giao chiến với các chiến thuyền của Hà Lan. Không chỉ có vậy, đến thời nhà Nguyễn, sau khi đã ổn định đất nước, vua Minh Mạng cũng rất quan tâm tới việc phát triển thủy quân.

Tất nhiên, bên cạnh đó, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng là lý do thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này. Trước mỗi chương, tôi đều dẫn các tư liệu lịch sử về chủ quyền của Hoàng Sa. Đã có tư liệu cho rằng chính vua Minh Mạng đã trực tiếp ra cắm cờ tại quần đảo Hoàng Sa, dù có những tranh cãi về chi tiết này.

Nhưng có một điều không phải bàn cãi, đó là cha ông ta đã đổ bao xương máu ở nơi này, để xác lập chủ quyền dân tộc. Ngoài sử sách của người Việt, có rất nhiều tư liệu của người Pháp đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa từ đầu thế kỷ trước. Mỗi lần nghĩ tới nơi đây, tôi cảm thấy day dứt và muốn viết một câu chuyện về quần đảo này.

Tieu thuyet Hung binh anh 3

Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở trung tâm huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Minh Hoàng.


- Ngoài những câu chuyện lịch sử về đội hùng binh Hoàng Sa, chắc chắn anh có nhiều tâm tư khác gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết này?

- Lòng yêu nước chính là thông điệp quan trọng nhất tôi muốn gửi tới độc giả qua câu chuyện của đội hùng binh Hoàng Sa và những người dân làng An Vĩnh. Tôi nghĩ rằng lòng yêu nước là thứ tình cảm cần được bồi đắp qua thời gian, nó không tự nhiên mà có.

Khi tiểu thuyết này vừa mới xuất bản, tôi đã tặng nó cho một người bạn. Một thời gian sau, tôi rất vui khi nghe anh chia sẻ, cậu con trai đang học lớp 4 của anh rất yêu thích cuốn tác phẩm này và đã đọc đi, đọc lại nhiều lần.

Tôi thấy vui vì ít ra cuốn tiểu thuyết của mình cũng đã khơi dậy được tình yêu lịch sử đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Yêu lịch sử, chính là một cách giản dị để yêu quê hương, Tổ quốc mình.

Số phận con thú linh từng là ‘sư tử thiêng’ gắn bó với người Việt

Con nghê từng hiện diện đa dạng, phong phú từ cung đình đến chốn dân gian, nhưng nó dần mất đi vị thế, thành một linh vật “bên rìa" đời sống hiện đại.

Nhà văn Trần Đức Tiến: ‘Đừng áp đặt quá nhiều bài học cho con trẻ’

Khi viết một câu chuyện cho bạn đọc nhí, được nhìn thấy chúng đọc một cách say sưa, thích thú là vui rồi. Những điều nhân văn sẽ đọng lại trong tâm hồn các em thật tự nhiên.

'Nên cảm ơn trẻ mỗi lần con nghe ta đọc sách'

Chuyên gia hướng dẫn sách tranh Nhật Bản cho rằng cha mẹ muốn thông qua sách vở để giáo dục con, vì thế mỗi lần con nghe ta đọc sách thì cần phải cảm ơn con.

Nhan cach 'oc muon hon' la gi? hinh anh

Nhân cách 'ốc mượn hồn' là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm