"Chúng tôi không đưa ra điều kiện tiên quyết cho cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo, ngoại trừ việc ông Biden đã làm rõ rằng phía Nga phải giảm leo thang căng thẳng và có cam kết cụ thể về ngoại giao”, TASS dẫn lời bà Bedingfield nói ngày 29/3.
Trước đó, Tổng thống Biden ngày 28/3 đã nói rằng không loại trừ khả năng gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đồng thời cho biết cuộc gặp này sẽ phụ thuộc vào nội dung chương trình nghị sự.
Bà Bedingfield cũng cho biết quân đội Nga đang bố trí lại lực lượng ở Ukraine chứ không rút lui.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin xác nhận Moscow sẽ giảm đáng kể hoạt động quân sự gần thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv, quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Ông Fomin cho biết phía Ukraine cũng nhất trí hành động tương tự, theo Bloomberg.
Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield trả lời phóng viên trong họp báo ngày 29/3. Ảnh: Reuters. |
Khi được hỏi liệu ông Biden có cho rằng hành động trên của Nga là chưa đủ, và Moscow cần phải rút toàn bộ quân khỏi Ukraine hay không, bà Kate Bedingfield cho biết phía Ukraine mới là bên đưa ra lập trường cụ thể trong các cuộc đàm phán.
“Chúng tôi không có vai trò bắt đầu cuộc thương lượng. Vai trò của chúng tôi là tăng cường sức mạnh cho Ukraine trên thực địa cũng như bàn đàm phán bằng việc áp đặt trừng phạt Nga. Chúng tôi sẽ không đánh giá hay đưa ra nhận định trước kết quả cuộc đàm phán (giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ)”, bà nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29/3 cho biết tín hiệu từ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga có thể được coi là tích cực, song khẳng định không giảm nỗ lực phòng thủ.