Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest. Ảnh: Getty |
"Đề xuất của ông Trump rằng chúng ta nên khuyến khích các đồng minh ở Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân là trái với chính sách mà Mỹ đã theo đuổi từ lâu và được cộng đồng quốc tế ủng hộ", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/3.
Theo người phát ngôn, viễn cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân để phòng thủ sẽ vô cùng bất ổn. Việc cho phép Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân để đáp trả các mối đe doạ từ Triều Tiên có thể là cái cớ để Bình Nhưỡng biện minh cho tham vọng hạt nhân.
Trước đó, khi trả lời phỏng vấn New York Times ngày 26/3, Donald Trump tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân để tăng cường khả năng phòng thủ trước Triều Tiên và Trung Quốc, thay vì núp bóng Mỹ.
Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đều bác bỏ ý tưởng trên của ứng viên đảng Cộng hoà. Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga khẳng định Nhật Bản sẽ giữ vững ba nguyên tắc phi hạt nhân bao gồm không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đến Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân ở Washington. Ảnh: Reuters |
Mối lo ngại về nguy cơ khủng bố hạt nhân đang "phủ bóng" hội nghị hạt nhân cuối cùng ở cương vị tổng thống Mỹ của ông Barack Obama. Các cuộc tấn công đẫm máu gần đây tại Brussels, Bỉ, đã thổi bùng lo ngại rằng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể nhắm mục tiêu đến các nhà máy hạt nhân và phát triển bom bẩn.
Theo truyền thông Bỉ, hai trong số những kẻ đánh bom tự sát ở Brussels đã bí mật ghi hình trung tâm nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân của Bỉ, đồng thời cân nhắc một cuộc tấn công tại khu vực hạt nhân ở nước này.
Các chuyên gia Mỹ ít quan tâm đến việc phiến quân có sở hữu vũ khí hạt nhân so với việc chúng đánh cắp các thành phần chế tạo bom bẩn công nghệ thấp. Giới chức Mỹ cho biết họ không nghi ngờ rằng IS quan tâm đến việc thu thập những nguyên liệu này, nhưng không có "dấu hiệu rõ ràng" cho thấy chúng đã định làm điều đó.
Nhiều ý kiến cho rằng quá trình kiểm soát và xử lý vũ khí hạt nhân đang chậm lại từ hội nghị năm 2014. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Pakistan đang chuẩn bị các hoạt động có thể tăng dự trữ nguồn nguyên liệu hạt nhân.
"Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân đã có tác động tích cực, nhưng các mục tiêu chiến lược nhằm phát triển một hệ thống an ninh hạt nhân toàn cầu hiệu quả vẫn chưa đạt được", tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI) nhận định.
Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 4 được tổ chức trong hai ngày 31/3 và 1/4 tại Washington, Mỹ, với sự tham gia của phái đoàn 50 quốc gia. Điện Kremlin thông báo Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị.
Tại hội nghị lần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo sẽ cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh hạt nhân và các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.