18h ngày 8/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố chủ nhân mới của giải Nobel Văn chương. Theo đó, giải thưởng năm nay được trao cho nhà thơ người Mỹ Louise Glück "vì giọng thơ độc đáo không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát".
Nhà thơ người Mỹ Louise Glück giành giải Nobel Văn học 2020. Ảnh: Gasper Tringale. |
Giọng thơ Mỹ độc đáo
Louise Glück sinh năm 1943 tại New York, Mỹ, sống tại bang Massachusetts. Bên cạnh việc viết thơ, bà còn là giáo sư dạy môn Anh văn tại Đại học Yale.
Lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1968 với tập thơ Firstborn, Glück nhanh chóng được công chúng, giới phê bình đánh giá là một trong những nhà thơ quan trọng nhất trong văn học Mỹ đương đại.
Trong sự nghiệp của mình, bà nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải Pulitzer năm 1993, giải Sách Quốc gia Mỹ năm 2014 và Huân chương Nhân văn Quốc gia Mỹ năm 2015.
Đến nay, Louise Glück đã xuất bản 12 tập thơ cùng nhiều tuyển tập luận về thơ. Bà thường được mô tả như nhà thơ thiên về tự truyện. Tác phẩm của bà được biết đến với cường độ cảm xúc cao về các chủ đề thần thoại, lịch sử hoặc thiên nhiên chứa đựng nhiều suy ngẫm về kinh nghiệm cá nhân và cuộc sống hiện đại.
Các tác phẩm nổi bật của bà có thể kể đến Firstborn (1968), The Triumph of Achilles (1985), Ararat (1990), The Seven Ages (2001), Faithful and Virtuous Night (2014)...
Louise Glück là tác giả người Mỹ đầu tiên chiến thắng giải Nobel Văn học kể từ năm 1993 với giải thưởng thuộc về Toni Morrison. Bà cũng là nhà thơ thứ hai trong vòng hai thập kỷ qua được trao giải. Lần gần đây nhất, Nobel được trao cho một nhà thơ là năm 2011 thuộc về Tomas Tranströmer, đến từ Thụy Điển.
Chiến thắng này của Glück được đánh giá là đã xoa dịu làn sóng kêu gọi Ủy ban Nobel phải mở rộng giải thưởng ra các châu lục khác ngoài châu Âu, để ý đến mảng thơ ca và các tác giả nữ.
Độc giả Việt Nam từng được tiếp cận với thơ của Louise Glück trong tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX do dịch giả Hoàng Hưng và các cộng sự chuyển ngữ, trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành.
Giải thưởng Nobel Văn học năm nay tăng thêm khoảng 1 triệu Krona Thụy Điển so với giải thưởng năm ngoái, có trị giá 10 triệu Krona (tương đương hơn 1,1 triệu USD). Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 10/12 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Một mùa Nobel khó dự đoán
Theo ý nguyện từ di chúc của Alfred Nobel, giải Nobel Văn học được trao cho những cá nhân tạo ra các tác phẩm xuất sắc trong văn chương, chứa đựng lý tưởng lớn lao.
Từ năm 1901 đến 2020, Nobel Văn học đã được trao 111 lần cho 117 cá nhân có đóng góp nhất định trong nền văn học. Trong đó, 16 người là tác giả nữ.
Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến nhất của những người chiến thắng và châu Âu vẫn là châu lục được trao giải nhiều nhất. Các nhà văn đến từ châu Á vẫn "thất thế" khi mới chỉ có bốn người từng được vinh danh là Rabindranath Tagore (Ấn Độ), Yasunari Kawabata và Kenzaburō Ōe (Nhật Bản) và Mạc Ngôn (Trung Quốc).
Haruki Murakami tiếp tục vô duyên với giải Nobel khi nhiều năm liền có tỷ lệ cá cược cao ở các nhà cái nhưng thất bại. Nhiều tác giả khác nổi tiếng cũng được kỳ vọng nhưng vẫn chưa được Ủy ban trao giải gọi tên như Maryse Condé, Margaret Atwood, Ngugi Wa Thiong'o và nữ nhà thơ người Canada Anne Carson.
Giải Nobel Văn học 2020 khiến những người hâm mộ bất ngờ. Ảnh: Eitan Abramovich/AFP. |
Trong những năm gần đây, các quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển thường gây nhiều tranh cãi. Năm 2016, Nobel được trao cho nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan khiến nhiều người phản đối vì Dylan thậm chí còn không phải nhà văn hay nhà thơ.
Năm 2018, vì bê bối lạm dụng tình dục của nhân vật có liên quan mật thiết đến Viện Hàn lâm mà giải thưởng năm đó bị hoãn và được công bố bù vào năm 2019.
Năm ngoái, Olga Tokarczuk và Peter Handke lần lượt được vinh danh, tiếp tục đem về chiến thắng cho châu Âu trước làn sóng đòi hỏi Nobel phải mở rộng ra các châu lục khác.
Ngoài ra, Peter Handke cũng bị nhiều người trong giới văn chương và độc giả phản đối vì phát ngôn tự mãn cùng với quan điểm chính trị đi ngược số đông.