Ngày 5/10/2017, tất cả những người yêu văn chương trên thế giới chăm chú vào màn hình điện thoại hoặc máy tính chờ xem công bố giải Nobel Văn học và họ lại nhận được một kết quả đầy bất ngờ. Vẫn là một nhà văn có cái tên rất Nhật Bản, nhưng lại chẳng phải là Haruki Murakami.
Gần một thập kỷ được mong đợi
Cái tên Haruki Murakami lần đầu tiên được nhắc đến cùng Nobel là vào khoảng năm 2012. Đó là quãng thời gian ông vừa viết xong bộ ba tác phẩm đồ sộ 1Q84 mà nhiều người coi đó là kiệt tác văn chương. Theo lời Murakami, 1Q84 giống như lời hồi đáp cho tác phẩm kinh điển của văn hào George Orwell.
Tỷ lệ cá cược Murakami sẽ thắng giải Nobel Văn học năm 2012 là 10/1, tức là cứ 10 người thì có một người tin rằng Murakami sẽ được gọi tên. Nhưng năm đó, giải thưởng lại được trao cho nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn - người có tỷ lệ đặt cược của nhà cái Ladbrokes chỉ là 12/1.
Năm 2013, 2014, Murakami lại tiếp tục được kỳ vọng làm nên chuyện với giải Nobel sau khi ông cho ra mắt Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương. Đó là câu chuyện đầy cô đơn và lạc lối của một chàng trai trẻ ngoài đôi mươi. Chỉ trong vòng một tháng phát hành, cuốn sách đã bán được một triệu bản.
Trong suốt nhiều năm, Haruki Murakami được mong đợi sẽ chiến thắng giải Nobel Văn học. Ảnh: Bernat Armangue/AP. |
Nhưng Nobel chưa bao giờ trao cho một tác phẩm cho dù nó có bán chạy đến đâu, giải thưởng vinh danh một tác giả với những đóng góp của họ với văn chương thế giới. Và Murakami lại tiếp tục kém duyên với Nobel khi lần lượt những nhà văn khác được gọi tên là Alice Munro và Patrick Modiano.
Tờ báo Sankei Shimbu của Nhật Bản thậm chí còn rất tự tin với chiến thắng của Murakami nên đã in sẵn tin tức trên trang nhất số báo ra ngày 10/10/2013. Khi biết được Alice Munro mới là người được trao giải, họ vô cùng thất vọng và phải đăng một thông cáo xin lỗi cho số báo ngày hôm sau.
Năm 2015 và 2016 chứng kiến những quyết định gây tranh cãi của Ủy ban Nobel. Trong khi Svetlana Alexievich được biết đến với vai trò nhà báo nhiều hơn thì Bob Dylan - một nhạc sĩ. Đặc biệt năm 2016, Haruki Murakami đạt mức cá cược 4/1 do nhà cái Ladbrokes đưa ra.
Cho đến năm 2017, khoảng 200 Harukist - những người hâm mộ văn chương của Murakami tại Nhật Bản - đã tập trung lại, cùng nhau theo dõi trực tiếp thông báo trao giải tại một ngôi đền ở Tokyo. Rất nhiều phóng viên và nhà báo cũng có mặt tại đây để ghi lại thời khắc này.
Nhưng khi biết Kazuo Ishiguro mới là người chiến thắng, nhiều người thở dài và vẫn vỗ tay chúc mừng cho nhà văn gốc Nhật. Một hiệu sách ở thủ đô Tokyo thậm chí còn có khoảnh khắc ngượng ngùng hơn khi từ chiều đã trưng bày hết các sách của Murakami lên vị trí đặc biệt. Đến khi biết ông không phải là người chiến thắng, họ đành lặng lẽ thay các sách của Ishiguro vào những vị trí ấy, đồng thời đặt hàng thêm nhiều sách khác của tác giả Mãi đừng xa tôi.
Giải Nobel Văn học 2018 bị hoãn và công bố dồn vào năm 2019 đã khiến người ta chẳng còn thấy ngạc nhiên về những kết quả mà giải thưởng này thông báo. Nếu như lựa chọn Olga Tokarczuk có thể làm hài lòng phần đông độc giả thế giới thì việc gọi tên Peter Handke của Ủy ban trao giải lại khiến nhiều người thấy khó hiểu và mất niềm tin vào Nobel.
Việc Murakami không chiến thắng từ năm này sang năm khác đã trở thành một câu đùa vui cho những người không hâm mộ ông tại Nhật Bản. Người ta đùa rằng mùa thu ở Nhật chưa thể bắt đầu nếu như Murakami chưa thất bại lần nữa trên đấu trường Nobel.
Những Harukist chúc mừng Kazuo Ishiguro chiến thắng giải Nobel Văn chương năm 2017 bên ngoài một điện thờ ở Tokyo. Ảnh: Kim Kyung-Hoon/Reuters. |
Những chiến thắng và thất bại bất ngờ
Liệu có phải gần một thập kỷ qua, Ủy ban Nobel đã đánh giá thấp Haruki Murakami? Chúng ta chưa thể khẳng định điều đó. Bởi lẽ danh sách đề cử giải Nobel chỉ được tiết lộ sau 50 năm, tức là danh sách đề cử từ năm 2012 phải chờ ít nhất đến năm 2062 mới có thể biết được.
Ngược về quá khứ, danh sách đề cử Nobel Văn học từ 1901-1966 cho ta nhiều thông tin thú vị. Rabindranath Tagore, thi sĩ lừng danh của Ấn Độ, được trao giải Nobel vào năm 1913. Và ông chỉ được đề cử duy nhất một lần bởi một người trong một năm 1913 đó mà thôi.
Nhưng không ai có thể phủ nhận được ngôn từ giàu chất thơ, thấm đẫm tư tưởng và nghệ thuật của ông đã ảnh hưởng tới nền thi ca Ấn Độ và thế giới như thế nào.
Pearl S. Buck, nữ tiểu thuyết gia người Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm viết về Trung Quốc từ đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Nhưng phải đến năm 1938, tên của bà mới lần đầu tiên góp mặt trong cuộc đua.
Khi đó chỉ có 4 người đề cử Buck và bà đã bất ngờ chiến thắng ngay trong năm 1938. Pearl S. Buck được nhiều độc giả Việt Nam thế hệ trước biết đến qua các cuốn sách Đất lành, Từ Hy Thái hậu, Gió Đông gió Tây....
Ngược lại, có lẽ người đọc không thể tin được là nhiều đại văn hào nổi tiếng thế giới chưa từng được vinh danh tại giải Nobel.
Lev Tolstoy, tác giả của nhiều kiệt tác văn chương như Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh… từng được đề cử 16 lần trong suốt các năm 1902 đến 1906 nhưng không hề chiến thắng. Tolstoy còn có thêm 3 lần đề cử Nobel Hòa bình nữa vào các năm 1901, 1902 và 1909.
Hay như Thomas Hardy, nhà thơ và tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Anh, tác giả của các cuốn sách Xa đám đông điên loạn, Jude - Kẻ vô danh, Trở lại cố hương cũng vô duyên với Nobel.
Hardy được đề cử tổng cộng 25 lần trong khoảng thời gian 1910-1927, riêng năm 1920 có đến 9 người khác đề cử ông nhưng giải thưởng năm đó lại thuộc về Knut Hamsun, một tác giả người Na Uy không được đánh giá quá cao.
Đối với giải Nobel nói chung và Nobel Văn học nói riêng, những người đề cử đều là những học giả, tác giả danh tiếng, người từng đoạt Nobel trước đó, thành viên của các Hội đồng văn học uy tín…
Họ sẽ chọn ra những ứng viên nổi bật, có tiềm năng nhất và gửi lại cho Ủy ban trao giải vào tháng 2 hàng năm. Kết quả cuối cùng sẽ được Ủy ban Nobel công bố vào tháng 10.
Các tác phẩm của Haruki Murakami nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Việt Nam. Ảnh: Ngô Vinh. |
Năm 2018, ông xin tự nguyện rút ra khỏi danh sách đề cử của giải Nobel mới, thay thế cho giải thưởng chính thống bị hoãn vì bê bối tình dục năm đó. Nhưng có một điều có thể dám chắc rằng, tên tuổi của Haruki Murakami sẽ còn gắn với Nobel trong một thời gian dài nữa.
Với việc không công bố danh sách đề cử sau 50 năm, đến giờ chúng ta không thể biết liệu có bao nhiêu người ứng cử Murakami. Liệu ông có được lòng các vị học giả và các nhà văn khác, hay chỉ là thần tượng của độc giả phổ thông? Ước muốn Murakami chiến thắng giải Nobel của những người hâm mộ, của các nhà cái và đội ngũ nhà xuất bản có lẽ còn lớn hơn so với của chính ông.
Bản thân Haruki Murakami đến thời điểm này chưa từng chia sẻ suy nghĩ cá nhân về giải Nobel. Ông dường như tự đặt bản thân mình đứng ngoài vòng xoáy của dư luận, tập trung viết lách và tận hưởng cuộc sống. Với ông, niềm hạnh phúc của một tiểu thuyết gia là trở thành "ngọn đèn tỏa sáng trong bóng đêm ở nhiều nơi trên thế giới".
Và năm 2020 vốn đã là một năm rất kỳ lạ, liệu người ta có thể chứng kiến một chiến thắng đã được mong mỏi trong gần thập kỷ qua hay không? Kết quả giải Nobel Văn học 2020 sẽ được công bố vào 18h theo giờ Việt Nam, ngày 8/10 tới đây.