Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ địa danh Taxham, một địa điểm được miêu tả là thành lập sau chiến tranh, hoàn toàn chưa bao giờ là một địa điểm du lịch. Đây là không phải là một quận của thành phố, cũng chẳng phải là huyện ngoại thành, không phải là đất nông nghiệp, trái ngược với tất cả các địa điểm ở cùng này, hoàn toàn không có khách thăm viếng, dù ở gần hay xa.
Những hình ảnh biểu tượng của sự cô độc
Ở Taxham có một chủ nhà thuốc, cũng có lối sống như mảnh đất nơi ông ta đang sống, hoàn toàn tách biệt với mọi thứ xung quanh. Ngay trong căn nhà với vợ và con, cũng là những khoảng không gian riêng được phân chia rõ ràng.
Thế giới duy nhất mà ông chủ nhà thuốc có liên kết là thế giới với loài nấm. Ông dành phần lớn thời gian sống của mình để đắm chìm trong việc nghiên cứu các loài nấm, không chút cân nhắc, không chút sợ hãi kể cả đối với các loài nấm “bốc mùi hôi thối ghê gớm”.
Bìa sách Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình, bản chuyển ngữ tiếng Việt của dịch giả Ngụy Hữu Tâm, xuất bản năm 2019. |
Cuộc sống của ông giống như những con đường không đầu không cuối ở nơi Taxham, cho đến một đêm tối trời, trong cuộc gặp gỡ với hai vị khách lạ, một cựu vô địch Thế vận hội và một thi sĩ từng nổi tiếng, ba người đã cùng lên chiếc xe của ông chủ nhà thuốc và bước vào cuộc hành trình xuyên châu Âu đến Alps.
Tiểu thuyết không có cốt truyện, nếu chúng ta cố gắng kết nối các chi tiết liên quan với nhau, thì cuốn tiểu thuyết trông lại càng rời rạc. Đọc Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình, chỉ có thể để ý đến những hình ảnh biểu tượng, lấy chúng là liên kết soi sáng.
Hình ảnh mảnh đất Taxham, căn nhà, hiệu thuốc, đến chiếc xe của ông chủ hiệu thuốc Taxham, tất cả đều là sự hiện hữu để tô đậm dấu vết mất liên kết trong đời sống của người chủ hiệu thuốc.
Mảnh đất tách biệt, căn nhà tịch mịch, hiệu thuốc cô độc. Chừng ấy đã đủ bủa vây một con người trong không gian bên rìa. Ông chủ hiệu thuốc, người ta vẫn quen gọi ông như thế, không cần đến một cái tên. Ông có thể là bất kỳ ai trong hình dung của người viết, lẫn lộn trong đám đông, mất danh tính và cô độc.
Lối viết của Handke trong tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình ít nhiều ảnh hưởng bởi những sáng tác của Frank Kafka. Khi tạo dựng không khí tịch mịch cho cuốn tiểu thuyết của mình, với những nhân vật không tên, ông đã xóa đi những định danh cơ bản để kết nối con người với xã hội, vũ trụ mà họ sinh sống. Đẩy họ vào vùng không gian của chính bản thân mình.
Câu hỏi hiện sinh xuyên suốt: Tôi là ai?
Hành trình từ châu Âu đến Alps là hành trình đầy bí ẩn của ba nhân vật. Họ đến Alps để làm gì? Để tìm kiếm điều gì? Hay hành trình ấy cũng tịch mịch như chính căn nhà của ông chủ hiệu thuốc ở Taxham, như chiếc xe của ông, và như những con đường hầm tắm tối, cứng ngắc, chẳng nhìn thấy bất kỳ chuyển động thời gian không gian nào mà họ đã đi xuyên qua trong đường hầm.
Chân dung tác giả Peter Handke. |
Những diễn tiến của câu chuyện đi từ sự phi lý này đến sự phi lý khác, để sau cùng còn lại là một cuộc chơi ngôn ngữ kỳ lạ của tác giả. Khi Handke phá bỏ toàn bộ ranh giới của không gian, thời gian, âm thanh, chuyển động, cuốn tiểu thuyết của ông còn lại dày đặc là những ngôn ngữ của biểu hiện. Trong cuộc chơi này, cùng với điểm mấu chốt quan trọng, là sự mất tiếng nói của ông chủ hiệu thuốc Taxham, tác giả đã đẩy những nhân vật của mình vào vùng tối của cô độc, khao khát đi tìm danh tính về sự tồn tại của mình, nhưng sau cuộc hành trình, đi từ địa danh này đến địa danh khác, mọi sự vẫn là một vòng tịch mịch đầy siêu thực.
Ông chủ hiệu thuốc đã đánh mất tiếng nói của mình, ông rút lui bản thân ông vào sâu trong thân xác, trong thế giới của riêng bản thân ông. Ngay tiếng nói mất đi rồi, khả năng cất lời để nói cho người khác biết ông là ai cũng biến mất. Đó là sự cô độc tận cùng của một bản thể hay đó cũng chính là hành động của một kẻ ái kỷ, chỉ có thể trông thế giới trong bản thân mình. Như trích đoạn dưới đây trong tiểu thuyết:
“Và khi có một ngọn gió đêm như thế thì cũng là lúc để ông một lần nữa suy nghĩ kỹ hơn, rằng với ông là đúng lắm rồi, khi bị đánh bại để im lặng. Rất tốt khi ông chẳng còn nói được nữa. Ông không bao giờ phải mở miệng ra nữa. Tự do muôn năm! Hơn thế nữa: Hãy gương mẫu! Lập một đảng, hay thậm chí cả một tôn giáo: Đảng của những kẻ câm, tôn giáo về sự câm lặng? Không, hãy cô độc ở cái việc này. Câm lặng, tự do, và cuối cùng, như thế mới đúng, cô độc”.
Đọc đến đây, có khi nào độc giả chợt nghĩ đến những nhân vật bị đặt vào những cảnh huống phi lý oái oăm của cuộc đời trong các tác phẩm của Franz Kafka, hay Albert Camus, họ đã vùng vẫy, trong bầu không khí tăm tối của đời sống, để rồi tự tìm được câu trả lời cho chính những truy vấn của mình, ở nơi bản thân mình. Và rồi, ông chủ hiệu thuốc ở Taxham, đã tìm được vương quốc câm lặng của mình, tự do và cô độc.
Hành trình phi lý bên ngoài, của chuyến xe với ba người đàn ông, thực ra lại là một hành trình đi sâu vào bản thể để tự vấn một câu hỏi hiện sinh muôn đời: Tôi là ai?
Với lối viết phi lý đặc sắc, phá bỏ đi tuyến tính của câu chuyện, trộn lẫn những vùng không gian hiện thực ảo giác bằng hệ thống ngôn ngữ sắc bén, độc đáo, Handke đã tạo nên một bức tranh đời sống tâm thần sinh động của một con người. Đời sống ấy như một mê lộ cô độc giữa những suy tưởng, câm lặng, mênh mang, tựa như những dòng chữ Handke đã viết trong tiểu thuyết: “Và nếu đủ lâu nó sẽ gây cảm tưởng, xe họ hoàn toàn chẳng chạy nữa, họ sẽ không ra khỏi đây được, đúng thế, thậm chí họ bị rứt ra khỏi không gian, nhiều nhất cũng chỉ có vẻ như bị lắc chút đỉnh, rồi đến ngay cái kết, cái kết gì? – Cái kết thôi".
Peter Handke là nhà văn, nhà soạn kịch, dịch giả người Áo. Ông là chủ nhân giải Nobel Văn học 2019. Trước đó, ông cũng đã dành nhiều giải thưởng văn học danh giá như: Georg Buchner (1973), Vilenika International Literary (1987), Brothers Karie Award (2000), America Award (2002), Grober Literaturpreis der Bayerischen Akademie der Schonen Kunste (2008), Franz Kafka (2009), Mulheimer Dramatikerpreis (2012), International Ibsen Award (2014), Nestroy-Theaterpreis (2018)...