Ông Trương Nhất Minh, đồng sáng lập ByteDance, là một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, những câu trả lời của ông Shou Chew, CEO của TikTok, trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước vẫn chưa thể xoa dịu những mối lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.
Ở một diễn biến khác, phiên điều trần đã tác động đến giá trị tài sản của ông Trương Nhất Minh, một trong những người giàu nhất thế giới và là nhà đồng sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc.
Tài sản liên tục giảm
Ông Chew cho biết những người sáng lập ByteDance sở hữu khoảng 20% cổ phần của công ty, một con số thấp hơn so với mức ước tính trong các báo cáo gần đây. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông Minh có thể ở mức 42,3 tỷ USD dựa trên thị giá 220 tỷ USD của công ty.
Qua đó, tài sản của vị doanh nhân 39 tuổi này đã giảm khoảng 13 tỷ USD so với tháng 9 năm ngoái, thời điểm ByteDance được định giá khoảng 300 tỷ USD.
Cách đây 2 năm trước, ông Minh có thể sở hữu khối tài sản lên tới hơn 60 tỷ USD. Điều này khiến ông trở thành một trong những người giàu nhất châu Á. Khi ấy, công ty sở hữu TikTok đã tiến gần với mức định giá 400 tỷ USD.
Ông Trương Nhất Minh đã từ chức chủ tịch ByteDance vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg. |
ByteDance đã có một năm đầy sóng gió khi lãi suất và lạm phát tăng cao. Không chỉ vậy, nền tảng này còn đang nhận về sự quay lưng từ giới chức Mỹ. Các nhà lập pháp tại xứ cờ hoa lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu mà TikTok thu thập từ 150 triệu người dùng Mỹ.
Tuần trước, ông Chew đã tham gia phiên điều trần kéo dài 5 tiếng đồng hồ trước Quốc hội Mỹ. Đối diện với các nhà lập pháp, CEO của TikTok đã tìm mọi cách để bảo vệ công ty.
“TikTok bị cuốn vào cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện người sử dụng tại Mỹ đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với vấn đề dữ liệu của Trung Quốc. Điều này đã ảnh hưởng đến giá trị nhận thức của TikTok trong mắt người dùng”, ông Dan Ives, một phân tích viên tại Wedbush Securities ở New York, cho biết.
Theo Bloomberg Billionaires Index, hầu hết 20% cổ phần của những người sáng lập thuộc về ông Minh. Trong khi đó, người đồng sáng lập Liang Rubo chỉ có khoảng 1% cổ phần. Điều đó khiến tài sản của ông Liang chỉ dừng lại ở mức 2,1 tỷ USD.
Dựa trên tuyên bố của ông Chew, những nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 60% cổ phần của ByteDance và các nhân viên của công ty sở hữu 20% còn lại.
Khó chinh phục thị trường Mỹ
Ông Minh đã không còn tham gia quản lý các hoạt động hàng ngày của ByteDance. Tuy nhiên, nhà sáng lập này vẫn giữ quyền biểu quyết quan trọng trong các kế hoạch lớn của công ty.
Vị trí giám đốc điều hành tại ByteDance đã không còn được ông Minh nắm giữ kể từ tháng 5/2021. Ông cũng đã rời khỏi hội đồng quản trị trong cùng năm và để lại cả hai vị trí trên cho ông Liang, 40 tuổi, bạn cùng phòng thời đại học của mình.
Công ty ByteDance được thành lập trong một căn hộ 4 phòng ngủ cách đây một thập kỷ trước. Kể từ đó, mức định giá của công ty đã tăng ít nhất 11 lần.
TikTok, cùng với ứng dụng phiên bản Trung Quốc là Douyin, được ví như “viên ngọc quý” của công ty. Đây là nguồn cảm hứng và động lực cho những công ty mới nổi tại quốc gia này, bao gồm nhà bán lẻ Shein Group và Temu của PDD Holdings.
Tuy nhiên, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây thiệt hại cho ByteDance.
Trong khi ông Chew nhấn mạnh rằng TikTok đã cam kết chi thêm 1,5 tỷ USD để tăng cường kiểm soát bảo mật dữ liệu người dùng. Thậm chí, ban lãnh đạo còn đang xem xét tách TikTok khỏi công ty mẹ tại Trung Quốc. Theo Bloomberg Intelligence ước tính, hoạt động kinh doanh tại Mỹ có thể đem về cho TikTok khoảng 40-50 tỷ USD.
Theo chuyên gia phân tích Mandeep Singh và Damian Reimertz của BI, ByteDance sẽ khó có thể dễ dàng từ bỏ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thu thập dữ liệu ngày càng được giám sát chặt chẽ, TikTok có thể sẽ ở thế bất lợi so với các nền tảng truyền thông xã hội đối thủ ở xứ cờ hoa.
Điều đó đồng nghĩa với việc Công ty ByteDance nói chung và ông Minh nói riêng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trên chặng đường phía trước.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.