Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà 'quan tài' và thu nhập thấp là nguồn gốc biểu tình ở Hong Kong

Giá thuê nhà tại Hong Kong cao hơn nhiều so với New York, London hay San Francisco. Và cứ năm người dân Hương Cảng thì có một phải sống trong cảnh nghèo khổ.

Dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã thổi bùng lửa biểu tình tại Hong Kong những ngày qua. Nhưng theo New York Times, đằng sau bất ổn chính trị là nỗi lo lắng sâu sắc của người dân Hong Kong về tương lai kinh tế của họ. Hong Kong với 7,4 triệu dân có lẽ là nơi bất bình đẳng nhất trên thế giới.

"Chúng tôi từng nghĩ rằng nếu được giáo dục tốt, chúng tôi sẽ có thu nhập tốt. Nhưng ở Hong Kong, trong hai thập kỷ qua, mọi người có thể đi học đại học nhưng không thể kiếm nhiều tiền", New York Times dẫn lời người biểu tình Kenneth Leung, 55 tuổi, khẳng định. 

Muc song te hai o Hong Kong anh 1
Nhà "quan tài" ở Hong Kong. Ảnh: Fortune

Ông Leung tham gia cuộc biểu tình để phản đối dự luật dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Đại lục. Nhưng ông cũng bất bình vì tình thế của chính mình. Từng tốt nghiệp đại học nhưng ông phải làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần với với nghề nhân viên bảo vệ và kiếm vỏn vẹn 5,75 USD/giờ.

Chênh lệch giàu nghèo quá lớn

Ông Leung là một trong 210.000 cư dân Hong Kong đang phải sống trong hàng nghìn căn hộ bị chia nhỏ trái phép của thành phố. Nhiều căn nhỏ đến mức bị gọi là "cái lồng" hoặc "quan tài". Nơi ông Leung ở là căn phòng 9,3 m2.

Ông Leung phải vật lộn để trả tiền thuê nhà 512 USD/tháng sau khi đã trang trải tiền ăn và các chi phí khác.

Hong Kong là một trong những nơi có chênh lệch giàu nghèo trầm trọng nhất thế giới. Đây là thành phố có giờ làm việc dài nhất và tiền thuê nhà cao nhất. Tiền lương không tăng kịp để trang trải tiền nhà. Tiền thuê nhà tăng gần 25% trong vòng 6 năm, trong khi giá nhà đất tăng hơn 300% so với thập kỷ trước.

Giá trung bình của một căn hộ cao gấp 20 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình mỗi năm.

Những bức xúc về tình trạng đó đã bùng lên từ 5 năm trước, khi các cuộc biểu tình như Occupy Central và Umbrella Movement bùng nổ khiến trung tâm thành phố bị tê liệt trong nhiều tuần lễ.

Ở thời điểm hiện tại, sự phẫn nộ được dồn vào dự luật dẫn độ, nhưng nhiều người biểu tình cho rằng chính quyền Hong Kong chỉ phục vụ giới nhà giàu và các công ty địa ốc lớn thay vì người dân.

Với y tá Philip Chan, 27 tuổi, các nhà lãnh đạo Hong Kong quá xa rời người dân, không hiểu gì về nỗi khổ của họ. Anh hiện vẫn phải sống cùng bố mẹ và ngủ chung giường tầng với chị gái 30 tuổi.

Anh khẳng định vấn đề nhà ở là gốc rễ của sự thất vọng tại Hong Kong. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức rất khó để tìm thấy một người trẻ Hong Kong không sống cùng cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình.

Muc song te hai o Hong Kong anh 2
Giá nhà đất trở thành cuộc khủng hoảng ở Hong Kong. Ảnh: Getty Images.

Anh Chan nhấn mạnh: "Người Hong Kong phải đối mặt với những vấn đề tài chính nghiêm trọng như giá nhà đất tăng quá cao. Họ cố làm việc chăm chỉ nhưng không kiếm đủ tiền để cải thiện đời sống. Họ thậm chí không nhìn thấy tương lai của chính mình”.

Quỹ đất của Hong Kong hiện rất hạn hẹp. Và người biểu tình cho rằng chính sách ưu ái các đại gia bất động sản của chính quyền Hong Kong càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Chính phủ kiếm tiền từ việc bán đất cho các chủ đầu tư, do đó tìm đủ mọi cách tối đa hóa lợi nhuận, bao gồm ưu tiên phát triển các dự án căn hộ cao cấp thay vì nhà giá rẻ.

Năm ngoái, các nhà hoạt động xã hội kêu gọi chính quyền Hong Kong xem xét biến một sân golf thành nhà ở công cộng. Sân golf 54 lỗ chen giữa "rừng bê tông" trong thành phố, đủ rộng để xây căn hộ cho 37.000 người. Cuối cùng, chính quyền thành phố chỉ cắt chưa đầy 1/5 diện tích khu đất này để xây nhà ở. 

Quá ít nhà ở giá rẻ

"Toàn bộ hệ thống bị các nhóm đặc quyền đặc lợi chi phối", New York Times dẫn lời ông Cheuk-Yan Lee, Tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Hong Kong, bức xúc.

Chính quyền Hong Kong cũng rất ưu ái các đại gia Trung Quốc. Họ tin rằng nhà giàu từ Đại lục sẽ giúp đẩy giá bất động sản tại thành phốtăng cao. "Nhiều người trẻ nhận thấy họ không có đường thoát về kinh tế và trở nên giận dữ", giáo sư Ho-fung Hung thuộc Đại học Johns Hopkins khẳng định. 

Hiện tại, hơn 250.000 người Hong Kong đang chờ được ở nhà giá rẻ do chính phủ phát triển. Con số còn có thể cao hơn, nhưng các quan chức Hong Kong yêu cầu mức thu nhập phải dưới 12.000 USD/năm để được đăng ký ở nhà giá rẻ.

Nhiều người cho rằng chính quyền thành phố cố tình giữ mức 12.000 USD/năm để tránh phải xây dựng nhiều nhà ở giá rẻ cho người dân. "Yêu cầu của chính phủ về điều kiện nhận nhà ở giá rẻ là không thực tế đối với người nghèo Hong Kong", chuyên gia Brian Wong thuộc Liber Research Community nhận định.

Muc song te hai o Hong Kong anh 3
Một khu nhà giá rẻ ở Hong Kong. Ảnh: Today Online

Mức lương của người lao động Hong Kong không tăng nhanh bằng phí sinh hoạt, đặc biệt là với những người thu nhập thấp. Mức lương tối thiểu ở Hong Kong là 4,82 USD/giờ, con số được chính phủ cập nhật 2 năm một lần.

Một số tổ chức phi lợi nhuận kêu gọi chính quyền Hong Kong tăng mức lương tối thiểu lên 7 USD/giờ. Theo tổ chức Anh Oxfam, đây mới là mức lương đủ sống ở thành phố đắt đỏ này.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hong Kong nhấn mạnh không thể tăng quá nhanh mức lương tối thiểu để thành phố tiếp tục thu hút các công ty nước ngoài. Thuế doanh nghiệp Hong Kong thuộc loại thấp nhất đối với các thành phố lớn trên toàn cầu.

Rất nhiều người biểu tình cho rằng người dân Hong Kong cần có tiếng nói trong những vấn đề kinh tế quan trọng. Ông Roger Cheng, một nhân viên bán hàng 52 tuổi, bức xúc: "Chính quyền Hong Kong không phản ứng gì cả”.

Hai ngày cuối tuần của Hong Kong chìm trong biểu tình và khói hơi cay

Người Hong Kong tiếp tục tuần hành các khu phố trung tâm ngày 28/7 - cuối tuần biểu tình thứ 8 liên tiếp với hàng trăm nghìn người. Đụng độ xảy ra nhiều nơi, tệ nhất là đêm 27/7.




Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm