Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà quản lý tiền tài ba của kinh tế Mỹ

Alan Greenspan là người nắm giữ vị trí chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tiếp năm nhiệm kỳ và có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Mỹ trong những năm 90.

chien tranh tien te anh 1

Chân dung cựu chủ tịch FED, Alan Greenspan. Ảnh: CNBC.

Khi nói đến nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ XX, có lẽ tên của Greenspan không có trong danh sách, nhưng trong số các nhà kinh tế, ông lại cực kỳ nhạy cảm với các con số và mô hình, rõ ràng nhân vật này xứng đáng được gọi là thiên tài.

Khi theo học tại đại học New York, các chuyên ngành chính của Greenspan là tài chính và kế toán. Trong cuốn tự truyện của mình, ông đã đề cập rằng những năm đi học, ông từng là thực tập sinh tại một doanh nghiệp Mỹ. Tổ chức này là công ty Brown Brothers nổi tiếng ở phố Wall.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Greenspan làm việc tại Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia (The Conference Board, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận ở New York). Đối tượng phục vụ của hiệp hội này chính là Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Thư viện sách khổng lồ của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia đã trở thành phần quan trọng nhất trong cuộc sống của Greenspan.

Bằng cách xem xét các thư tịch, tài liệu và báo cáo thống kê, Greenspan bắt đầu hiểu được cơ chế hoạt động của nền kinh tế Mỹ. Đồng thời, ông hiểu cách các ngành công nghiệp khác nhau vận hành và liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống kinh tế quốc gia toàn diện như nào. Trong đầu Greenspan bắt đầu có những hình dung rõ nét về quá trình phát triển của hệ thống công nghiệp kể từ thời Cách mạng Công nghiệp cho đến nay.

Từ động cơ hơi nước đến dệt may, từ đường sắt đến luyện kim, vận chuyển đóng tàu, quân sự, điện báo... vô số ốc vít của khía cạnh kinh tế xã hội đã được vặn chặt với nhau trong tư duy của Greenspan để làm cho cỗ máy khổng lồ của nền kinh tế quốc gia vận hành.

Thư viện của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia cũng cung cấp một loạt số liệu thống kê cho Greenspan. Hầu hết số liệu thống kê đều đã "già", trong đó có không ít số liệu bắt đầu thống kê từ thời Nội chiến 1861. Hiệp hội này đã tiến hành thu thập số liệu thống kê chi tiết của các ngành công nghiệp và ngành nghề quan trọng tại Mỹ.

Greenspan vùi mình trong thư viện của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia. Ông hoàn toàn bị mê hoặc bởi những dữ liệu thống kê này. Nếu đi sâu tìm hiểu ngành sản xuất, ông sẽ nghiên cứu tất cả các loại bông, từ thành phần, chất lượng cho đến chủng loại, quy trình sản xuất. Những dữ liệu quan trọng bậc nhất của Mỹ như vận tải đường sắt toàn quốc, ngành cao su, nhân khẩu học năm 1980 của Mỹ lại càng thu hút Greenspan. Những con số và tài liệu lại thích thú vô tận và chẳng thể kìm nổi. Đắm chìm trong đại dương dữ liệu, Greenspan nhanh chóng có được sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về số liệu thống kê của các ngành công nghiệp này.

Sau một vài năm, Greenspan đã hoàn toàn hiểu rõ về cơ chế tổng thể liên quan đến vận hành của bộ máy kinh tế Mỹ. Cộng thêm những nghiên cứu chuyên sâu của ông về dữ liệu của các ngành công nghiệp khác nhau qua từng thời kỳ, lúc này chàng trai trẻ Greenspan đã trở thành "công nhân kỹ thuật" lành nghề trong lĩnh vực "cơ khí kinh tế". Ông thuộc nằm lòng nguyên lý máy móc, biết tất cả các thông số vận hành và đã tích lũy được khá nhiều "kinh nghiệm lịch sử" trên dữ liệu động của từng thành phần và hiệu ứng liên kết của nó.

Thông qua việc đọc và tích lũy dữ liệu một cách chuyên sâu trong suốt nhiều năm, Greenspan đã thành công trong việc tạo ra một mô-đun dữ liệu và các luồng dữ liệu độc đáo, chính xác để phân tích trạng thái hoạt động của bộ máy kinh tế từ tổng thể cho đến cục bộ. Nếu nhập một loạt các thông số cơ bản liên quan đến phạm vi hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, bộ não của Greenspan có thể ngay lập tức tạo ra báo cáo dự đoán chu kỳ kinh tế vĩ mô kèm thêm những biểu đồ và cột mốc hoàn chỉnh.

Trong quá trình học tập về lý luận, điều duy nhất gây ấn tượng với Greenspan là bộ môn kết hợp giữa thống kê dữ liệu và lý thuyết kinh tế được hướng dẫn bởi giáo sư Jacob Wolfowitz. Trong bộ môn này, lần đầu tiên Greenspan đã chấp nhận khái niệm hoàn toàn mới về tiến hành xây dựng các biến lượng giữa nhiều cấu trúc kinh tế bằng cách sử dụng phương pháp thống kê số liệu toán học.

Khi lắng nghe khái niệm về kinh tế lượng của giáo sư Wolfowitz, Greenspan đột nhiên bừng tỉnh, ông dự cảm rằng mình chắc chắn sẽ trở thành nhân tố nổi bật trong lĩnh vực này. Bộ não của Greenspan như một siêu cơ sở dữ liệu, lưu trữ nguồn sử liệu toàn diện và chân thực về mọi ngành công nghiệp. Một khi những dữ liệu được Greenspan áp dụng vào công thức toán học, nó có thể lập tức đưa ra những dự báo về xu hướng kinh tế trong tương lai. Bởi vì những dữ liệu Greenspan nắm trong tay bắt nguồn từ thực tiễn sản xuất, không những vậy chúng còn có sự tích lũy qua nhiều giai đoạn.

Khối óc của Greenspan đã leo lên đỉnh Everest trong lĩnh vực kinh tế. Nó mang tới cho ông một sự tự tin cao độ và khí phách cần thiết để có thể quan sát toàn cảnh, nhìn xa trông rộng sự vận hành của nền kinh tế thế giới.

Song Hong Bin/ Bách Việt Books & NXB Lao Động

SÁCH HAY