Không còn bất cứ sự phân vân nào quanh khoản lợi nhuận khổng lồ mà các doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm đa số này đang tạo ra cho ngân sách nhà nước.
Nghĩa là, giá trị vốn nhà nước thu về từ tái cơ cấu các doanh nghiệp sẽ thực sự tăng lên khi những món hàng “chất lượng” sẽ được bán. Một mũi tên sẽ trúng hai đích.
Một là, đảm bảo thực hiện được mục tiêu phân bổ lại nguồn lực của kinh tế nhà nước nói riêng, của nền kinh tế nói chung. Hai là, doanh nghiệp nhà nước sẽ trở về đúng vị trí của nó.
Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. |
Đây là điều mà cả giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vừa qua chưa đạt được.
Thực tế, tính lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng (bao gồm cả thoái vốn đầu tư ngoài ngành). Con số này chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trong cùng thời kỳ.
Thậm chí, các nghiên cứu cũng cho thấy, một số doanh nghiệp về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân chỉ rất nhỏ; hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp; hoặc các đối tác mua cổ phần lại là những doanh nghiệp nhà nước, tức là xét riêng là các doanh nghiệp cổ phần nhưng xét chung trong hệ thống sở hữu chéo nhau giữa các doanh nghiệp này thì cả nhóm lại là doanh nghiệp nhà nước.
Ngay cả trong các năm 2013 - 2014, dù tốc độ cổ phần hóa có tăng lên, nhưng số doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở lên hầu như không giảm đáng kể.
Hệ quả là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không làm giảm sự can dự của Nhà nước vào nền kinh tế như mục tiêu của nó, thậm chí, tình trạng còn nặng hơn khi quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp với quan chức nhà nước vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi doanh nghiệp đã được cổ phần hóa…
Cũng phải nhắc lại, tháng trước, khi làm việc với Bộ Công Thương về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong ngành, người đứng đầu Chính phủ đã kiên quyết giữ quan điểm, việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, Nhà nước chỉ tập trung vào những việc mà thị trường làm không tốt.
Lần này, Thủ tướng nhấn mạnh, chống lợi ích nhóm trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.
Mọi việc đã rõ ràng, thậm chí cả cách thức thực hiện cũng được xác định rất rõ ràng. Với việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk và các doanh nghiệp khác mà Tổng công ty Đầu tư vốn và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, sẽ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán.
Với việc bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Việc định giá cổ phần phải tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước. Toàn bộ quá trình này sẽ do Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giám sát.
Phát súng lệnh của Thủ tướng đã bắn ra, chắc chắc, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang bị đánh giá là tiến hành chậm, thiếu thực chất sẽ có bước chuyển lớn.