Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ở độ tuổi 103 vẫn miệt mài viết sách. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, người đã sống ở hai thế kỷ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử nước nhà. Dù đã hơn 100 tuổi, lúc nào ông cũng tranh thủ từng chút thời gian, đều đặn tỉ mẩn ghi chép những tư liệu vô giá dành cho hậu thế về các lĩnh vực như địa danh - địa chí, lịch sử - văn hóa Nam Bộ.
Tác phẩm mới nhất của ông, bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020), vừa được cho ra mắt nhân kỷ niệm 325 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ sách 2 tập này là công trình đã được ấp ủ qua hơn 20 năm.
Công trình ấp ủ trong 20 năm
Nhớ lại từ năm 1998, khi nghe trên báo chí và Đài Phát thanh, Đài Truyền hình đưa tin TP.HCM sẽ tổ chức kỷ niệm 300 năm của thành phố, ông cho biết ở thời điểm đó hầu như chưa có công trình bao quát về lịch sử vùng đất này.
"Tôi nghĩ trong những ngày như thế thì nên có một quyển sách viết đầy đủ về thành phố để giới thiệu với đồng bào, nhưng chưa có quyển sách nào như vậy cả. Ngày kỷ niệm sắp đến nơi rồi, tôi sốt ruột quá mới làm một đề cương về lịch sử thành phố trong 300 năm", ông hồi tưởng.
Với niềm đam mê sử học, ông đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II ở Thành phố Hồ Chí Minh để tập hợp tài liệu, viết ngày viết đêm, nhanh chóng hoàn thành đề tài “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” với mong muốn cung cấp bao quát thông tin đến công chúng về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Tuy nhiên, tác phẩm khi sắp được xuất bản thì gặp phải một vấn đề khách quan nên chưa thể ra mắt bạn đọc. Dù chưa thể xuất bản công trình nghiên cứu của mình, ông cũng không hề nản chí. Ông cho rằng những tài liệu trong tập bản thảo quý giá không thể vứt bỏ được, vì thế ông quyết định dùng nó để viết tiếp một cuốn sách đầy đủ hơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư mất hơn 20 năm để cho ra mắt bộ sách tâm huyết. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Ông vẫn âm thầm và miệt mài nghiên cứu bổ sung tư liệu bản thảo ấy trong hơn 20 năm tiếp theo, tiếp tục cập nhật nội dung cho đến những năm 2020. Ở độ tuổi 103, ông khiến nhiều người ngưỡng mộ vì sự khỏe mạnh và minh mẫn. Càng bất ngờ hơn, ông vẫn cần mẫn làm việc 8 giờ/ngày, sử dụng máy tính thành thạo để nghiên cứu và soạn thảo văn bản.
Một trong những thành quả sau nhiều năm cần mẫn của ông chính là bộ sách tâm huyết Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020), được xuất bản vào đầu năm 2023.
Một tác phẩm bao quát về lịch sử thành phố
Tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) gồm 6 phần chính. Được chia ra 2 tập với mốc thời gian tập I từ 1698 đến 1945 và tập II từ 1945 đến 2020.
Tác phẩm bắt đầu từ địa lý tự nhiên, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt. Sau đó bộ sách bắt đầu đi sâu hơn vào các giai đoạn lịch sử từ thời Nguyễn, về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam, việc đặt nền móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi.
Trong hơn 300 năm lịch sử của mình, vùng đất liên tục trải qua nhiều biến động lớn như khi quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ, đánh thành Gia Định, cuộc đảo chính của Nhật và cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn - Gia Định, cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, cuộc đấu tranh chống Mỹ... và cả giai đoạn phát triển thành phố trong thời bình cũng đem lại nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm.
Tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) gồm 6 phần chính được chia ra 2 tập. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Theo lời chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, trước ông đã có nhiều người viết về thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh. Song, các tác phẩm thường chỉ viết về một vấn đề, một mảng của thành phố như cải lương, thể thao, phố xá,...
Với tác phẩm này, ông muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao… của từng thời kỳ.
"Tóm lại, tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”, ông bộc bạch.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê ở Nghệ An. Tháng 11/2022, ông được trao bằng kỷ lục Việt Nam với nội dung: "Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh/thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản".
Một số tác phẩm nổi bật của ông bao gồm bộ lịch sử tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954)…
Ông được trao giải thưởng cao nhất của Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2018.