Trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp cho biết lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn đầu, đồng thời đưa ra vài nét phác họa về tiểu sử, tác phẩm nhiếp ảnh của một vài nhà nhiếp ảnh tiên phong ở Việt Nam và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Một trong những nhiếp ảnh gia ở Sài Gòn thời đó được ông Hiệp nhắc đến đó là John Thomson (1837-1921). Ảnh Sài Gòn, Nam Kỳ 1867, được Thomson chụp từ địa điểm bến Nhà Rồng hiện nay, cho thấy cột cờ Thủ Ngữ với những người lính chung quanh, đằng sau là nhà ông Vương Thái đang xây. |
John Thomson (1837-1921) là một nhà nhiếp ảnh người Scotland. Ông đến Singapore vào tháng 4/1862 và đi qua nhiều nước vùng Viễn Đông. Ở Thái Lan ông chụp vua Thái và hoàng gia. Sau đó, ông đến Angkor chụp những bức ảnh khu đền nổi tiếng hoang vắng trong rừng này. Ông ghé Nam Kỳ năm 1867. Trong ảnh là tòa nhà ở khu phố mới hình thành gần thương cảng Sài Gòn. |
Trong vài tháng ở Sài Gòn, John Thomson đã chụp các bức ảnh trên đường đi khám phá vùng đất này. Những bức ảnh này của John Thomson cho thấy diện mạo Sài Gòn, một thành phố Á Đông có phần cổ kính, “hoang sơ” đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh Lăng Cha Cả, 1867, lúc này còn hoang vắng, phía trước là cây xoài to lớn. |
Kênh Bến Nghé, nơi tập trung người Hoa sinh sống ở vùng Chợ Lớn. Ảnh chụp từ bến cảng Nhà Rồng. |
Chùa Khải Tường ở Sài Gòn năm 1866. Chùa Khải Tường là một trong những ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn, cũng được biết đến như nơi sinh của vua Minh Mạng. Chùa đã bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc, vị trí ngày nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. |
Đường đến Lăng Cha Cả (nay là đường Hoàng Văn Thụ) với 2 hàng cây xoài năm 1867. Thời điểm này khu vực Lăng Cha Cả rất hoang vắng. |
Hình ảnh một vùng ở ngoại vi Sài Gòn. |
Một con đường đất ở ngoại vi Sài Gòn |
Một ngôi miếu nổi ở Gò Vấp. |
Một khu vườn trồng rau ở ngoại vi Sài Gòn. |
Đường một ngôi làng ở ngoại vi Sài Gòn. |
Sau vài tháng ở Sài Gòn, John Thomson đến Hong Kong, Đài Loan và đi khắp Trung Quốc. Những bức ảnh quý giá của ông là những tư liệu quý về xã hội Á Đông hậu bán thế kỷ 19. Các ảnh âm bản trên kính của ông hiện được Hội Wellcome Trust giữ, rửa ra và số hóa với độ phân giải cao. Trong ảnh là những bông hoa bìm bìm (ven đường) John Thomson chụp trên đường đi khám phá Sài Gòn và Nam Kỳ. |