Đội Quảng Ninh không thể trả khoảng 70 tỷ đồng tiền nợ cho các cầu thủ. Hơn thế nữa, lãnh đạo CLB Quảng Ninh ép những cầu thủ muốn đến đội bóng khác phải làm giấy cam kết không được kiện CLB thì mới cấp giấy thanh lý.
Thời điểm này, nhiều cầu thủ coi như đã chấp nhận mất tiền tỷ để tìm CLB khác. Trước đó, họ chỉ than thở trên mạng xã hội sau thời gian dài im lặng vì tình cảm với đội Quảng Ninh. Trao đổi với Zing, nhà môi giới Nguyễn Minh Châu đưa ra góc nhìn và quan điểm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Minh Châu khuyên cầu thủ Quảng Ninh thuê luật sư và kiện lên FIFA. Ảnh: Quang Thịnh. |
Cầu thủ có 10% hy vọng đòi lại tiền
- Ông đánh giá cơ hội đòi nợ của cầu thủ Quảng Ninh như thế nào khi CLB đã không còn khả năng chi trả?
- Sau gần 20 năm làm nghề đại diện cho cầu thủ chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự như hoàn cảnh các cầu thủ đội Quảng Ninh. Cá nhân tôi đoán cơ hội để họ nhận được các khoản tiền đang bị nợ chỉ là 10%.
- Có cầu thủ nào đã liên hệ với ông, nội binh hoặc ngoại binh, để nhờ tư vấn hay giúp đỡ gì trong việc này chưa?
- Một số cầu thủ thân quen đã nhờ tôi tư vấn và giúp đỡ họ làm sao để lấy được số tiền trên. Tôi nói với họ chỉ có một cách duy nhất là phải làm mọi thứ để CLB Quảng Ninh còn "sống" thì các bạn mới có cơ hội được trả nợ. Nếu muốn CLB còn "sống" để trả nợ cho các bạn, các bạn phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền như: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Liên đoàn Bóng đá Thế giới (contact@fifa.org), Sở Lao động Thương binh Xã hội và Tòa án Nhân dân TP Cẩm Phả.
- Có ý kiến cho rằng cầu thủ Việt Nam không thể kiện lên FIFA vì đây là các tranh chấp nội địa, không phải như cầu thủ nước ngoài?
- FIFA không phân biệt cầu thủ nội địa hay quốc tế. Nếu đã được xác nhận tư cách cầu thủ chuyên nghiệp thì quyền và nghĩa vụ được FIFA đảm bảo như nhau. Hơn 10 năm trước, thủ môn nhập tịch Đinh Hoàng La nhầm lẫn việc này mà mất đi quyền lợi chơi bóng. Khi đó, anh ta và CLB Bình Dương có mâu thuẫn. Anh ta cho rằng mình là người Việt Nam nên chậm trễ khởi kiện vượt cấp CLB Bình Dương. Mọi việc vượt tầm kiểm soát của cậu ấy, La buộc phải giải nghệ.
- FIFA sẽ làm gì trong trường hợp này?
- FIFA sẽ xem lại toàn bộ hồ sơ của cầu thủ, CLB. Họ gửi yêu cầu giải trình đến Phòng Pháp lý & Tư cách cầu thủ VFF, đề nghị giải trình vụ việc trong khoảng thời gian từ 15-45 ngày. Ngoài ra, theo điều 14Bis của FIFA, cầu thủ cần gửi đơn khiếu nại cho CLB. Sau 14 ngày, họ gửi đơn này cho VFF để được xác nhận ra đi tự do và ký hợp đồng với CLB khác mà không cần giấy thanh lý của Quảng Ninh.
- Nhiều cầu thủ đã thuê luật sự để bảo vệ quyền lợi của họ. Đây có phải là cách cuối cùng?
- Tôi nghĩ họ đúng khi thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp. Tôi nghĩ thời gian này đủ để các cơ quan bảo vệ lợi ích cầu thủ là VFF và FIFA, cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động của Tỉnh Quảng Ninh thẩm định hồ sơ và ra phán quyết.
CLB Quảng Ninh ép cầu thủ không được kiện nếu muốn ra đi. Ảnh: Quang Thịnh. |
Không nên "khóc" trên mạng xã hội
- Các cầu thủ thường "dọa" CLB, "khóc" trên mạng xã hội, điều này có nên làm khi lâm vào hoàn cảnh này? Và việc đó có giúp ích gì cho họ?
- Tôi không ủng hộ việc các cầu thủ đăng đàn, kêu cứu trên không gian mạng. Điều đó không mang lại hiệu quả. Hành vi đó có thể vướng vào các điều khoản cấm, điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động của hai bên. Nó ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị sử dụng lao động và ảnh hưởng tư cách đạo đức của cầu thủ.
Họ là những cầu thủ chuyên nghiệp nên phải có cách xử lý tình huống đúng quy định pháp luật, đúng quy chế FIFA, VFF. Trên thế giới, ta rất hiếm thấy cầu thủ bêu riếu, khóc trên không gian mạng. Đó là cách đấu tranh tiêu cực.
- Cầu thủ cần làm gì để không rơi vào hoàn cảnh này? Luật FIFA mới bổ sung điều 14 Bis, theo ông, cầu thủ Việt Nam có ai biết điều này và dám thực hiện?
- Một điều phổ biến ở giới cầu thủ là họ ít xem kỹ nội dung hợp đồng khi ký kết với các CLB. Thường khi ký hợp đồng, cầu thủ chỉ quan tâm đến 2 mục là thời hạn và mức lương.
Điều 14bis quy định một lợi thế rất lớn dành cho cầu thủ khi CLB nợ lương quá 2 tháng. Với đặc thù của bóng đá Việt Nam, cầu thủ dường như chấp nhận hy sinh khi quyền lợi bị xâm phạm. Hầu hết họ cần công việc, họ xem việc CLB đồng ký ký hợp đồng là một đặc ân. Vì vậy, cầu thủ có diễn biến tâm lý một cách nhẹ nhàng, chịu đựng trước những vi phạm của CLB với lợi ích chính đáng của họ. Đặc biệt, những cầu thủ không phải "sao số" thường ít dám đứng lên đấu tranh. Họ không đủ tự tin và sợ mất việc.
- VFF đóng vai trò thế nào trong trường hợp này?
- VFF có vị thế là một chủ tọa phiên tòa. Trách nhiệm của VFF là đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng của các bên khi xảy ra tranh chấp. Bên nào sai đến đâu thì xử lý đến đấy. Trong trường hợp này, tôi nghĩ cầu thủ cần áp dụng quy chế của FIFA, cho phép cầu thủ gửi đơn vượt cấp đến Thụy Sĩ để sớm đuoc giải quyết. FIFA đã cho phép cầu thủ vượt cấp để tránh những tình trạng "ngâm hồ sơ", "bao che vi phạm" giống như các liên đoàn bóng đá ở châu Phi.
- Cảm ơn ông.
- Theo tìm hiểu của Zing, các cầu thủ đã thuê luật sư ở Hà Nội. Họ gửi đơn khiếu nại đến Phòng Pháp lý và Tư cách Cầu thủ (PL&TCCT) của VFF. VFF phúc đáp rằng khiếu nại của các cầu thủ chưa thực sự rõ ràng và yêu cầu họ bổ sung chi tiết những tài liệu liên quan tới quá trình trả lương của CLB. Cầu thủ cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết nhằm giải thích rõ việc “CLB chưa chi trả lương như hợp đồng đã ký” thì VFF mới có cơ sở giải quyết.
- Điều 14bis luật FIFA được cập nhật vào tháng 1/2021. Điều luật này quy định nếu CLB không trả lương đúng hạn trong vòng 2 tháng, cầu thủ có lý do chính đáng để chấm dứt hợp đồng với điều kiện thông báo bằng văn bản cho CLB trước 15 ngày. Thủ thành tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm đã rời CLB Muangthong theo cách đó.