Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Nhà không bán’ – nỗ lực làm mới đề tài cũ

Phim chiếu Tết “Nhà không bán” chọn đề tài quen thuộc của thể loại kinh dị. Tuy nhiên, phần kịch bản có cố gắng trong việc cài cắm tình tiết bất ngờ để làm mới.

Thể loại: Hài, kinh dị

Đạo diễn: Hoàng Tuấn Cường

Diễn viên: NSND Kim Xuân, Minh Hoàng, Việt Hương, Hữu Tín, Nam Em

Đánh giá: 6/10

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Trong loạt phim Việt chiếu Tết Nhâm Dần, Nhà không bán là tác phẩm duy nhất thuộc thể loại hài, kinh dị. So với các đối thủ, phim không quy tụ dàn diễn viên ngôi sao. Nội dung cũng quen thuộc khi khai thác đề tài ma ám trong căn nhà cổ. Tuy nhiên, phần kịch bản phim được đầu tư, cài cắm nhiều tình tiết để gây bất ngờ cho khán giả.

Chuyện phim bắt đầu khi bà Ngọc (NSND Kim Xuân) từ nước ngoài trở về thăm em trai là ông Ngà (Minh Hoàng). Đồng hành cùng bà có cháu gái Betty (Khánh Uyên) và cô người quen Thị Liễu (Việt Hương). Nhân tiện, bà muốn bàn với em về việc bán căn nhà – xây từ năm 1938 – do cha ruột để lại.

Chuyện về gia đình bị nguyền rủa

Sau nhiều năm xa cách, bà Ngọc không khỏi bất ngờ khi chứng kiến gia cảnh em trai. Ông Ngà một mình chăm sóc người vợ tâm thần trong khi cả hai con đều qua đời. Để kiếm sống qua ngày, ông làm nghề nhang đèn vàng mã khiến căn nhà càng trở nên tang tóc, tăm tối.

review Nha khong ban anh 1

Nhà không bán khá im ắng, không được quảng bá rầm rộ trước khi ra mắt.

Trong lúc hai chị em bà Ngọc tìm cách bán nhà, nhiều hiện tượng siêu nhiên xuất hiện khiến không ai dám ký hợp đồng. Thậm chí, người thân trong gia đình như Thị Liễu, Betty cũng liên tục hoảng hồn vì… gặp ma.

Tác phẩm do Hoàng Tuấn Cường – từng làm Xóm trọ 3D – đạo diễn. Theo anh, đây là dự án tâm huyết được ấp ủ ý tưởng từ năm 2016. Để thực hiện, đạo diễn mời Nguyễn Thị Minh Ngọc – đồng biên kịch Song lang (2018) – hoàn thiện nội dung.

Bên cạnh cốt truyện chính, kịch bản còn lồng ghép câu chuyện phụ về Trinh (Nam Em), một thiếu nữ xinh đẹp nhưng bạc mệnh. Cách đây hàng chục năm, Trinh qua đời với nhiều uẩn khúc chưa được làm rõ. Mọi người đồn đại cô chính là hồn ma bóng quế, không chỉ ám ảnh căn nhà mà còn nguyền rủa cả gia đình ông Ngà.

Tác phẩm tuân thủ mô-típ ngôi nhà ma ám vốn là món ăn quen thuộc của thể loại kinh dị. Chuyện phim có hơi hướm Quả tim máu (2014) của đạo diễn Victor Vũ. Bối cảnh căn nhà thời Pháp thuộc gợi nhớ Cô hầu gái (2016) của Derek Nguyễn.

Giống nhiều phim Việt, ê-kíp dẫn dắt câu chuyện bằng cách pha trộn hai yếu tố hài và kinh dị. Nửa đầu tác phẩm tập trung vào các mảng miếng gây cười, các cảnh kinh dị dồn vào phần sau.

Khoảng hơn nửa tiếng cuối, biên kịch bắt đầu cài cắm twist (tình tiết bất ngờ) để làm mới. Các sự kiện bí ẩn cũng như số phận các nhân vật dần được giải thích rõ ràng, giúp khán giả hiểu rõ câu chuyện.

Kỹ xảo còn hạn chế

Nhà không bán không hù dọa khán giả bằng các cảnh máu me, rùng rợn. Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chủ yếu tận dụng không khí u ám của căn nhà để gây sợ.

Đội ngũ thiết kế sản xuất tập trung vào các yếu tố tâm linh như khu thờ cúng, quan tài, vàng mã khiến ngôi nhà ngột ngạt, thiếu không khí. Trong một cảnh quay, ê-kíp học hỏi phim kinh dị Mỹ khi sử dụng trò chơi gọi hồn Ouija. Các nhân vật ngồi trong căn phòng nhỏ, xung quanh thắp đầy nến, tưởng chừng ngôi nhà có thể bốc cháy bất cứ lúc nào.

review Nha khong ban anh 2

Cảnh trong phim Nhà không bán.

Ở đầu phim, đạo diễn cố tình thay đổi góc máy để dẫn dắt người xem. Góc máy cận tập trung diễn biến tâm lý nhân vật, trong khi các góc rộng dùng flycam, bắt trọn bối cảnh căn nhà từ nhiều góc độ.

Nhà làm phim cũng chọn tông màu khác nhau để phân biệt hai câu chuyện chính – phụ. Các cảnh quay hiện đại dùng màu sắc tươi sáng, còn phân đoạn hồi tưởng (flash back) dùng màu nhạt để tạo cảm giác hoài cổ của thập niên cũ.

Tuy nhiên, đạo diễn lạm dụng lối kể trong vài phân đoạn khiến một số góc máy bị lặp lại, không tạo ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Các cảnh quay được cắt dựng chưa hợp lý, thiếu tính kết nối khiến mạch phim rời rạc.

Điểm trừ lớn nhất là phần kỹ xảo. Các hiệu ứng vi tính được dựng chưa thật, đôi chỗ giống phim truyền hình hoặc web drama. Tạo hình ma quỷ còn đơn giản, quen thuộc, chưa gây được cảm giác sợ hãi.

Dàn diễn viên thực lực

Việt Hương là gương mặt hút khách duy nhất trong Nhà không bán. Vai diễn đánh dấu sự trở lại của nữ danh hài sau thời gian dài không đóng phim điện ảnh kể từ Vu quy đại náo (2019), Sám hối (quay từ 2020). Điều đó khiến phần lớn sự trông đợi đổ dồn vào nhân vật của “bà Sáu Bảnh”.

review Nha khong ban anh 3

Dàn diễn viên gạo cội trong phim.

Vai Thị Liễu gần như thuộc về sở trường của Việt Hương, giống nhiều vai chị từng đóng trong sự nghiệp. Nhân vật chủ yếu gây cười bằng tính cách ngổ ngáo, lớn tuổi nhưng thích "cưa sừng làm nghé", mặc đồ và hóa trang như cô gái hai mươi. Phối hợp cùng bạn diễn Hữu Tín, Việt Hương mang đến tiếng cười nhẹ nhàng, phù hợp không khí Tết.

Nếu Việt Hương đảm nhận phần hài, NSND Kim Xuân và nghệ sĩ Minh Hoàng lại thiên về tâm lý. Hai gương mặt gạo cội không gặp nhiều khó khăn khi vào vai, lột tả trọn vẹn cảm xúc nhân vật. Đặc biệt, đây là lần tái xuất sau nhiều năm của nghệ sĩ Minh Hoàng. Anh gây ấn tượng khi cùng lúc đảm nhận hai vai cha con nhà ông Ngà, tạo nhiều kịch tính cho phim.

Nam Em cũng là cái tên giúp phim được chú ý. Vai diễn còn đơn giản và ít đất diễn nhưng người đẹp diễn xuất khá nhập tâm. Tuy nhiên, việc lồng giọng Bắc cho nhân vật vào phần thể hiện của Nam Em giảm sức hút.

Theo đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, anh “muốn làm một bộ phim tâm lý gia đình – kinh dị nhưng có cốt truyện nhân văn”. Nhìn chung, Nhà không bán làm tốt yếu tố tâm lý gia đình, nhưng phim cần thêm nhiều yếu tố kinh dị để chinh phục khán giả khó tính.

Rạp phim thu hơn 9 tỷ đồng ngày mùng Một Tết

Trong ngày đầu của Tết Nguyên đán 2022, các cụm rạp ghi nhận mức doanh thu khoảng hơn 9 tỷ đồng trên tổng số 7 đầu phim.

Sơn Phước

Bạn có thể quan tâm