Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà đầu tư điện gió ở Bạc Liêu gặp khó

Hàng chục dự án điện gió ở các tỉnh miền Tây đang được nhà đầu tư thi công nhưng người dân chưa giao mặt bằng và không có đường để vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Trao đổi với Zing về những khó khăn của chủ đầu tư các nhà máy điện gió ven biển Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết ông sẽ họp lần cuối với các ngành chức năng của tỉnh vào ngày 15/3.

“Trước đây người dân không đồng tình, không chịu giao đất cho dự án điện gió. Sau khi nhận nhiệm vụ tại UBND tỉnh, tôi đã họp với ban giải phóng mặt bằng và chỉ đạo quyết liệt nên cơ bản đã giao đất ổn định cho nhà đầu tư. Sáng 15/3, tôi họp lần cuối để chốt tất cả các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn”, ông Thiều nói với Zing.

Kho khan cua nha dau tu dien gio anh 1

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu lắng nghe nhà đầu tư trình bày những khó khăn đang gặp phải. Ảnh: Nhật Tân.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu, trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư chưa lường hết những khó khăn do phải làm nhanh để kịp thời gian hưởng ưu đãi về giá. Theo đó, dự án điện gió không kịp đưa vào vận hành trước 30/11/2021 sẽ không được hưởng hỗ trợ giá điện của Nhà nước, chưa kể đến việc phải chạy đua với thời gian để kịp hòa vào lưới điện quốc gia.

Từ việc chạy đua với tiến độ của nhà đầu tư đã tạo ra áp lực lớn đối với địa phương trong việc giải phóng mặt bằng. Không chỉ vậy, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các thiết bị siêu trường, siêu trọng cùng nhiều vấn đề phát sinh khác cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Sau nhiều năm thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động nhà máy điện gió công suất 99,2 MW, cho tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới đạt trên 1,2 tỷ KWh vào cuối năm 2020.

“Ngoài nhà máy điện gió đang hoạt động, Bạc Liêu có 9 dự án điện gió đã và chuẩn bị thi công với tổng công suất 562 MW. Thiết bị siêu trường, siêu trọng sẽ vận chuyển tuyến biển và tỉnh đang nâng cấp đê, cho nhà đầu tư thuê mặt bằng ở cống Cái Cùng để tập kết vật tư rồi vận chuyển một đoạn khoảng 4 km trên đê. Sau khi làm xong, nhà đầu tư sẽ làm lại đường”, ông Thiều chia sẻ.

Kho khan cua nha dau tu dien gio anh 2

Giá điện sạch được Nhà nước ưu đãi 8,35 cen/kWh đối với dự án trên bờ và 9,8 cen/kWh đối với dự án dưới biển khi vận hành thương mại trước 30/11/202. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại Sóc Trăng, tỉnh được Chính phủ phê duyệt 20 dự án điện gió có tổng công suất 1.435 MW. Địa phương này còn khai thác thêm tiềm năng khoảng 5.000 MW năng lượng sạch..

Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết cuối năm 2020 có 3 dự án điện gió đồng loạt khởi công tại thị xã Vĩnh Châu. Mỗi nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 30 MW, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng trong giai đoạn đầu, cùng vận hành thương mại vào cuối năm 2021.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Sóc Trăng, ngoài 16 dự án điện gió đã cấp giấy phép đầu tư, tỉnh chuẩn bị cấp 4 giấy phép cho các dự án còn lại.

Hiện, Sóc Trăng đã có 9 dự án được khởi công. Cuối quý I hoặc quý II/2021 sẽ có thêm trên 10 nhà máy điện gió ở huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, Long Phú, Mỹ Tú, Cù Lao Dung… được cập nhật vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 9.140,6 MW để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Khó khăn của các nhà đầu tư điện gió tại Sóc Trăng là giải phóng mặt bằng nhanh để chạy đua tiến độ. Việc này nhằm tránh rủi ro về giá ưu đãi 8,35 cen/kWh đối với dự án trên bờ và 9,8 cen/kWh đối với dự án dưới biển khi vận hành thương mại trước 30/11/202.

“Vận hành sau thời gian trên giá điện sẽ giảm. Áp lực của nhà đầu tư là đã vay tiền đặt cọc mua thiết từ nước ngoài nên phải làm sớm nhằm giảm lãi ngân hàng. Do đó, tỉnh đang tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, giao đất để thi công đảm bảo tiến độ”, ông Chiêu nói.

Kho khan cua nha dau tu dien gio anh 3

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát việc thi công tại một dự án điện gió ven biển Đông. Ảnh: Nhật Tân.

Người đứng đầu ngành công thương Sóc Trăng cũng nói rằng chỉ có vài dự án tồn động khó khăn về đất nên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã họp, cho ý kiến xử lý từng trường hợp.

“Chúng tôi chưa phát hiện việc xây trước rồi thu hồi đất sau. Tuy nhiên, có trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận trước với dân về đất do muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng sau đó bị người dân làm khó”, ông Chiêu chia sẻ.

Năng lượng tái tạo là điểm nhấn phát triển của Ninh Thuận

Đại tướng Lương Cường đánh giá các dự án điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Việt Tường - Nhật Tân

Bạn có thể quan tâm