Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Mitch McConnell, ngày 2/1 chỉ trích "cơn giận dữ cực đoan" sau khi nhà của ông ở Kentucky bị phá hoại.
Người phá hoại đã sơn lên tường nhà ông McConnell các thông điệp phản đối việc ông từ chối tăng khoản cứu trợ Covid-19 cho mỗi người từ 600 USD lên 2.000 USD, Guardian đưa tin.
Nhà của ông Mitch McConnell ở Kentucky bị xịt sơn lên cửa. Ảnh: AP. |
Trước đó, nhà của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, hạ nghị sĩ Dân chủ, ở San Francisco, bang California, cũng bị phá hoại.
Các đảng viên Dân chủ dưới sự lãnh đạo của bà Pelosi ủng hộ việc tăng gói cứu trợ. Tuy nhiên, ông McConnell phản đối việc này, mặc dù Tổng thống Donald Trump là người yêu cầu thông qua khoản hỗ trợ Covid-19 lớn hơn.
Theo truyền thông địa phương, sáng 2/1, nhà của ông McConnell ở Louisville bị sơn các khẩu hiệu bao gồm "Tiền của tôi đâu?" và "Mitch giết người nghèo".
Cảnh sát ghi nhận có thiệt hại nhẹ. Vẫn chưa rõ ông McConnell và vợ, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, có ở nhà vào thời điểm đó hay không.
Tại California, nhà của bà Pelosi bị phá hoại bằng sơn màu đỏ và các thông điệp như "hủy bỏ tiền thuê nhà" và "Chúng tôi muốn mọi thứ". Người phá hoại cũng đặt một chiếc đầu heo trước nhà chủ tịch Hạ viện.
Bà Nancy Pelosi bị đặt đầu heo trước cửa nhà. Ảnh: Twitter. |
“Tôi đã dành cả sự nghiệp của mình để đấu tranh cho tu chính án thứ nhất (bảo vệ quyền tự do ngôn luận) và bảo vệ quyền biểu tình ôn hòa. Tôi trân trọng mọi người dân Kentucky đã bỏ phiếu, cho dù họ có đồng ý với tôi hay không”, ông McConnell ra tuyên bố ngày 2/1.
"Nhưng điều này hoàn toàn khác. Hành vi phá hoại và làm chính trị dựa trên sự sợ hãi không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta. Vợ chồng tôi chưa bao giờ lo sợ trước chiến thuật này. Chúng tôi chỉ hy vọng những người hàng xóm ở Louisville không cảm thấy bất tiện vì cơn giận dữ cực đoan này", theo tuyên bố.
Đảng Cộng hòa ở Kentucky yêu cầu các đảng viên Dân chủ lên án hành vi phá hoại. Thống đốc Dân chủ của Kentucky Andy Beshear đã lên Twitter gọi hành động phá hoại này là "không thể chấp nhận được".
“Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận của chúng ta và hành vi phá hoại là không thể chấp nhận được vì bất kể lý do gì”, ông Beshear viết.