Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhà có ba vịt giời' - tám chuyện của bà mẹ có ba con gái

Bộ truyện gồm 5 tập, là góc nhìn hài hước của một người mẹ Nhật Bản đã trải qua giai đoạn vất vả nhất khi nuôi con nhỏ.

Gia đình nhà vịt có năm thành viên. 

Vịt cả tên Fu, 5 tuổi, từ lúc lọt lòng được tắm trong bể nuôi dạy hừng hực khí thế của cặp bố mẹ son đầy hoài bão và lý tưởng, nên rất nghiêm túc và mẫu mực. Mỗi tội nàng cứ lơ tơ mơ - như thể con ốc vít nào đấy trong đầu nàng bị thay thế bằng cái nấm rơm bé xíu và trơn nhẫy.

Vịt thứ tên Su, 3 tuổi, vì đã quen với chuyện nuôi con nhỏ, nên bố mẹ chăm vịt thứ có phần “thả lỏng hơn”. Thế là chị ta trở thành Nữ thần tự do của nước Vịt. Sợ bị bố mẹ mắng nên chị cả Fu làm việc gì cũng thận trọng, rón rén, còn Su thì ngược lại, tỉnh bơ làm mọi trò mà chị mình không dám. Nàng cho đũa vào cốc ngoáy lộn lên. Mẹ thấy thế liền bảo: "Này con, đừng cho đũa vào cốc”. Nàng tỉnh rụi: “Ơ nhưng mà con thích làm thế”.

Vịt Út tên Chi, 1 tuổi. Mẹ trăm thứ việc đổ đầu, mà để con khóc nhiều thì phiền lắm, thế nên cô nàng đòi gì mẹ đều đáp ứng hết. Được nuông chiều, cô út càng làm tới. Chẳng mấy chốc út ít mà thành ra là có quyền nhất nhà. Món yêu thích của vịt Út là kem đánh răng dành cho trẻ em. Mỗi lần đánh răng cô Thứ xịt cả đống kem rồi đậy lại, còn cô Út thì cứ thế liếm sạch sẽ phần chung quanh nắp. 

Bố của 3 vịt giời: Ban ngày đi làm ở công ty. Lắm hôm về nhà không chịu được sự rền rĩ của vịt Út khi đòi ăn kem đánh răng, bố bèn cầm tuýp kem đánh răng đưa cho Vịt Út: “Này, bố cho phép rồi”. Vịt Út lập tức ngừng khóc, mắt sáng như sao; trong khi mẹ thì gào lên: “Cái đó hả?!”. Nhà có nuôi bé thỏ. Chuồng thỏ có cửa mở ở phía trên, vịt Út thường chồm người qua đó để rờ bé thỏ. Có lần nàng ngã cắm đầu xuống chuồng thỏ, bố đi làm về, nghe mẹ kể lại sự việc, chỉ hỏi một câu: “Có ai chụp ảnh lại không?" Mẹ gào lên: Anh có phải là bố của các con tôi không vậy?"

Mẹ của 3 vịt giời là  Matsumoto Purittu - họa sĩ truyện tranh manga, từng xuất bản tác phẩm The Magaret. Sau khi kết hôn, cô nghỉ việc và tập trung làm công việc nội trợ, chăm con và vẽ manga. Nội dung “Nhà có 3 vịt giời” được cô chuyển tải lên blog từ năm 2005 và ngay lập tức được hàng trăm nghìn người theo dõi. Đến năm 2006, “Nhà có 3 vịt giời” được in thành sách, lập tức trở thành “hiện tượng năm 2006” của Nhật và là sách bán chạy nhất trong năm đó. Blog của mẹ vịt giời mỗi ngày đều thu hút hàng nghìn lượt người xem. Năm 2008, bộ phim hoạt hình cùng tên đã bắt đầu lên sóng kênh truyền hình Tokyo.

Bộ truyện gồm 5 tập Nhà có 3 vịt giời.

Nuôi dạy một đứa trẻ nên người không hề đơn giản. Với Purittu, sự “không hề đơn giản” gấp lên ít nhất lên ba lần, vì cô có tới ba cô con gái - ba nàng vịt giời - ở độ tuổi trứng gà, trứng vịt. Nhưng cô đã chọn nhìn cuộc sống của mình bằng một thái độ rất tích cực.

Tác giả chia sẻ: “Không phải tôi muốn viết nhật ký nuôi con, cũng không phải muốn giới thiệu phương pháp nuôi dạy con. Tôi chỉ muốn chia sẻ những chuyện vui hàng ngày của ba cô con gái.”

Các bà mẹ trẻ tìm thấy sự đồng cảm  khi xem những chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy của Purittu. Đó là nỗi tự ti khi ít sữa, là tinh thần nuôi còn hừng hực theo sách với đứa đầu tiên và sự lơi tay với những đứa về sau. Độc giả có thể theo dõi quá trình phát triển của trẻ qua từng tập sách. Có những “giai đoạn khủng hoảng” khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Có những bước trưởng thành đột phá sau một sự kiện bất ngờ, chẳng hạn như là ốm. Và cũng có những trường đoạn, người mẹ dường như đã mục hết mọi sự kiên nhẫn khi luyện cho con bỏ bỉm, đi toa-lét, cai sữa…

Và các mẹ Việt đã biết đến nhiều thông tin qua sách vở về cách nuôi dạy con cái rất mực quy chuẩn của người Nhật, khi đọc bộ sách này, hẳn sẽ vỡ ra một điều: các bậc phụ huynh trẻ ở Nhật bản cũng như phụ huynh trẻ ở nhiều nước khác trên thế giới khi bắt đầu với vai trò của người bố, người mẹ trẻ  đều phải nghiên cứu, học hỏi, thực hành và rút kinh nghiệm như nhau.

 

 

 

 

Minh Quân

Bạn có thể quan tâm