Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các nhà báo ra mắt sách

Trong tháng 6 này nhiều đầu sách mới của các nhà báo được giới thiệu tới bạn đọc.

Nhà báo điều tra

Nhà báo Đức Hiển – tác giả cuốn sách - hiện là Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP HCM. Anh được biết đến với hàng loạt điều tra như Tôi đi tìm Bao Công, Tôi thử làm Bao Công, Tận đáy xã hội, Dọc đường mãi lộ, Hai Lúa đi tìm Công lý, Hành trình ngược từ những lời tuyên án vô tội, Khi tôi tuyên án tử hình…

Nhiều chủ đề xoay quanh câu chuyện nghề báo, nhà báo viết về mảng phóng sự điều tra như Vì sao tôi viết; Báo cáo đề tài; Phối hợp điều tra; Khi nhà báo viết sai... Thông qua đó tác giả chia sẻ những kinh nghiệm, cả thành công và thất bại, khó khăn trong quá trình tác nghiệp, trải nghiệm thực tế của của mình trong gần 20 năm làm báo. Từ câu chuyện nghề của một nhà báo mỗi bài viết trong cuốn sách đều có thể trở thành một kinh nghiệm, một gợi ý cho các phóng viên trẻ và sinh viên chập chững bước vào nghề báo. Bạn đọc hẳn sẽ tìm được sự đồng cảm từ những câu chuyện được viết ra, và qua đó hình dung được phần nào gian nan, nguy hiểm của nghề báo.

Bìa sách Nhà báo điều tra

Ngày trong nếp ngày

Cuốn sách gồm 112 tạp bút được nhà báo Lê Minh Quốc viết dưới dạng nhật ký về văn hóa - xã hội trong khoảng thời gian gần đây. Nhà báo đã chắt lọc và suy ngẫm, liên tưởng sâu hơn với những thông tin thời sự hàng ngày. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, ghi nhận: “Viết nhật ký chỉ dành riêng cho mình đọc, không khó. Nhưng viết nhật ký cho nhiều người khác cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chúng ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ. Lê Minh Quốc đã chọn cách viết khó, và đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc góp ý, trước khi in thành sách. Anh đã khôn khéo khi viết về “cái tôi riêng tư”, nhiều khi bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông”.

Còn nhà biên kịch Đoàn Tuấn nhận xét: “Trong Ngày qua nếp ngày, người đọc thấy đời sống đã chắt lọc của quá khứ, đời sống bộn bề của hiện tại và một đời sống với khát khao thanh lọc chính mình. Những lời tâm sự với thời gian mỗi ngày vừa trôi qua của tác giả khiến mỗi chúng ta quý trọng hơn đời sống hiện tại của mình. Ngày trong nếp ngày là một đóng góp mới vào dòng văn học ghi lại dấu vết thời gian. Câu “Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê” trong thời đại công nghệ và kỹ thuật số này càng ý nghĩa biết bao!”.

Bìa sách Ngày trong nếp ngày

Bùa yêu

Sau hơn 10 năm chuyên tâm làm báo, nhà văn - nhà báo Như Bình đánh dấu sự trở lại với văn chương qua Bùa yêu. Tập truyện với 30 truyện ngắn đặc sắc nhất được chị viết trong nhiều năm, trong đó có nhiều truyện ngắn từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi của Báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ trẻ.

Tập truyện là những thông điệp về tình yêu qua góc nhìn của một người phụ nữ mạnh mẽ và dịu dàng. Những phận người éo le, xót xa được chị thể hiện một cách tinh tế, giàu chất thơ nhưng không kém phần mãnh liệt. Đây là tập truyện mới nhất, sau ba tập truyện ngắn Giông biển, Dòng sông một bờ, Đêm vô thường

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Suốt hai mươi năm, Như Bình không thay đổi cách lựa chọn nhân vật, không thay đổi tình yêu với những số phận thiệt thòi, bất hạnh, không thay đổi niềm hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, không thay đổi những giấc mơ da diết, không thay đổi thái độ đối với cái ác, không thay đổi cả nỗi đa cảm của mình... 

Bìa sách Bùa yêu

 


Minh Quân

Bạn có thể quan tâm