Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Xuân Thủy: 'Tôi không muốn độc giả ghê sợ con người'

Đó là lời tâm sự cuả nhà văn, nhà báo mang quân hàm xanh. Bởi suy cho cùng, dù viết về điều gì, đích đến văn chương vẫn là làm ánh lên được những giá trị cao cả của con người.

- "Có tiếng người trong gió" được xây dựng bởi sự song hành, đan xen của hai mạch truyện hình sự và tâm lý. Anh làm thế nào để không “lạc nhịp” khi thể hiện đồng thời cả hai giọng văn rất khác biệt này?

- Kết hợp, chọn lọc những cách thể hiện nào để chuyển tải nội dung của tác phẩm đến người đọc một cách trọn vẹn nhất luôn là “bài toán” đối với mỗi nhà văn. Có tiếng người trong gió là một tiểu thuyết mang yếu tố hình sự, câu chuyện đề cập cũng như nhiều tình tiết khiến bạn đọc cảm thấy sợ hãi, rùng rợn. Tôi đã nghĩ đến việc "giảm tải" cho độc giả để họ không quá "sốc" trước hiện thực ghê rợn đó. Và cũng là để người đọc được giải nghiệm những không gian cảm xúc khác nhau.

Việc đan cài các trường đoạn tự sự, miêu tả tâm lý giúp, thể hiện gián tiếp vừa đánh rối, vừa "ảo hóa” mọi thứ, khiến câu chuyện trở nên mơ hồ hơn, từng bước tiếp cận người đọc một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh những thứ chờn vờn như ảo ảnh đó thì tuyến truyện phá án lại rất thực, giúp giải mã những thứ mơ hồ, hư thực kia.

Trong những rối rắm mơ hồ vẫn hiển hiện một câu chuyện khá mạch lạc mà ai cũng có thể nắm bắt. Nếu như bạn đọc đã nhận ra hai giọng văn khác biệt từ 3 tuyến truyện đó thì có nghĩa là tôi đã không "lạc nhịp".

Nha van Nguyen Xuan Thuy anh 1
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (nguồn ảnh NVCC)

- Theo đuổi dòng tâm lý với hình sự, anh có e ngại những đánh giá cho rằng, đó là thứ văn chương hạng hai?

- Trước hết, phải nói rằng, tôi viết nhiều thứ khác nhau chứ không chỉ tuyệt đối theo đuổi cái gọi là tâm lý - hình sự. Nhưng ngay cả tiểu thuyết trinh thám, hình sự cũng chia ra nhiều dòng và mỗi dòng lại có một số lượng độc giả nhất định. Nhiều người nói Có tiếng người trong gió là tiểu thuyết tâm lý – hình sự, nhưng tôi nghĩ nên gọi đây là một cuốn tiểu thuyết tâm lý mang yếu tố hình sự thì đúng hơn.

Ngày nay, rất khó để viết một cuốn sách cho tất cả các đối tượng bạn đọc. Bạn đọc cũng bị phân hóa mạnh mẽ thành các nhóm đọc khác nhau. Một tác phẩm mới ra đời tôi cũng mong muốn sẽ chinh phục các nhóm bạn đọc mới. 

Có tiếng người trong gió tôi đã dùng yếu tố trinh thám như một thủ pháp để kể câu chuyện của mình và mượn yếu tố hình sự như một chiếc phao của hiện thực mình đề cập. Tôi nghĩ sự định danh về thể loại cho tác phẩm đôi khi không phải là thứ quan trọng nhất, quan trọng nhất vẫn là sự đón nhận của độc giả đối với cuốn tiểu thuyết.

Nếu chọn cách ghi tên mình trong giới nghiên cứu xếp hạng văn chương và trong bạn đọc thì có lẽ tôi sẽ chọn bạn đọc trước đã. Mỗi khi nhận được phản hồi từ bạn đọc, hoặc thấy bạn đọc mua sách, đọc sách của mình, tôi có cảm giác như được tiếp thêm một “liều doping” nho nhỏ về tinh thần. Dù khen hay chê thì cũng cho thấy sự quan tâm của người đọc. Tôi rất chú ý đến việc tương tác với độc giả và coi đó như một nhu cầu tất yếu.

- Viết về “cái ác” nhưng dường như ẩn sâu trong những lớp tội ác, anh vẫn đặt lòng tin vào cái thiện, lương tri và sự hối cải?

- Tôi đã đẩy cái ác đến tận cùng đấy chứ! (cười). Có một nhà báo còn nói với tôi về đoạn nói về ngân hàng dữ liệu về các mẫu tạng rằng "Anh đúng là vẽ đường cho hươu chạy".

Tuy nhiên, khi viết về cái ác tôi không muốn gieo vào lòng bạn đọc sự ghê sợ con người. Tôi muốn nhìn nhận họ như những nạn nhân nhiều hơn, ngay cả những nhân vật mắc vào tội ác tày trời, tội ác chống lại nhân loại cũng thế. Dù viết về cái ác, cái tục hay sự cao cả, anh hùng thì để cho người đọc thấy được vẻ đẹp của văn chương, để họ có cảm giác đang thưởng thức một tác phẩm văn học là điều phải hướng đến. Viết về cái ác nhưng tôi muốn gieo vào lòng độc giả những hạt mầm của tinh thần nhân văn, của sự thiện tâm trong sáng.

Trên cái sự ác là tinh thần mà tác giả muốn biểu đạt, tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm, để nó neo lại gì trong mỗi người đọc khi gấp trang sách lại.

- Là một nhà văn đa dạng trong sáng tác với các tác phẩm trải rộng trên nhiều đề tài, từ tiểu thuyết đề tài xã hội, tiểu thuyết về người lính, các tiểu thuyết mang yếu tố hình sự, bút ký văn học cho đến các sáng tác cho thiếu nhi... anh làm thế nào khi cùng lúc sáng tạo trên một biên độ tương đối rộng như vậy?

- Tôi nghĩ càng viết trên nhiều thể loại ngòi bút của mình sẽ càng mềm mại, uyển chuyển hơn. Đó cũng là cách để tôi có thể thực hiện song song nhiều dự án. Như thế, tôi phải học cách phân thân, phải xác định tâm thế của mình trước mỗi tác phẩm để chuyển đổi cho phù hợp.

Viết cho thiếu nhi tôi được đặt mình vào các em để thể hiện nét hồn nhiên, được đối thoại với ký ức thời thơ trẻ của chính mình, được trở lại sự trong trẻo như một sự thanh lọc tâm hồn. Nó như một quãng thư giãn để tiếp tục với các tác phẩm dài hơi khác. Và ở mỗi tuyết thuyết, tôi được sống trong không gian sáng tạo một cách tận cùng nhất, cá tính sáng tạo được thể hiện rõ nhất, tận hưởng những khoái cảm và đối diện với những thử thách của người viết. 

Mỗi khi bắt đầu viết, tôi đều đặt ra cho mình hai câu hỏi: “Viết cái gì?” và “Viết cho ai?”, tức là đối tượng bạn đọc đầu tiên mình hướng đến, sau đó mới quyết định sẽ viết như thế nào. Theo tôi, điều này còn quan trọng hơn việc bạn viết thể loại gì.

Nha van Nguyen Xuan Thuy anh 2
Tiểu thuyết Có tiếng người trong gió.

- Trong buổi ra mắt tiểu thuyết của anh, nhà phê bình Chu Văn Sơn nhận xét "Có tiếng người trong gió" rất giàu chất điện ảnh. Anh có nghĩ đến một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết mới của mình?

- Từ trước đến nay, văn học và điện ảnh là hai thể loại “cộng sinh” với nhau rất tốt. Một tác phẩm văn học được chuyển thể phim điện ảnh như được chắp thêm đôi cánh để bay đến những chân trời mới, gặp gỡ những bạn bè mới.

Thực tế điện ảnh đã góp phần tôn vinh nhiều tác phẩm văn học, khiến chúng thêm một lần tỏa sáng. Ví dụ như qua phim của Trương Nghệ Mưu thế giới biết đến các tác phẩm của Mạc Ngôn nhiều hơn, khiến ông trở nên vĩ đại hơn.

Tôi mới chỉ có tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập và đó cũng là một trải nghiệm thú vị. Việc được nhìn thấy các nhân vật của mình đi lại nói năng sống động trên màn ảnh là một “khoái cảm” của người viết. Trong buổi ra mắt tiểu thuyết Có tiếng người trong gió, một số ý kiến, trong đó có ý kiến của nhà phê bình Chu Văn Sơn cũng cho rằng tiểu thuyết mới của tôi có chất điện ảnh. Tôi cũng rất muốn tin và rất muốn hy vọng vào một bộ phim chuyển thể tuy nhiên điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đôi khi rất cần một chữ duyên. Nhưng là một người viết, trước hết tôi muốn tác phẩm của mình sống đời sống của một tác phẩm văn học trọn vẹn trước đã.

Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977, tại Phú Thọ, hiện nay anh đang là Thư ký tòa soạn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tiểu thuyết Sát thủ Online của nhà văn đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên, trình chiếu trên VTV3.Có tiếng nguời trong gió là cuốn tiểu thuyết thứ tư của tác giả. Tác phẩm câu chuyện bi thương về những nạn nhân của nạn bắt cóc trẻ em, buôn bán nội tạng và buôn bán phụ nữ. Song song với tội ác man sợ đó, là hành trình phá án đầy mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ công an để triệt phá đường dây tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới Việt-Trung.



Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm