Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nạn bắt cóc trẻ, buôn nội tạng vào sách Nguyễn Xuân Thủy

Tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió” đưa đến một câu chuyện trinh thám hấp dẫn về các vấn nạn xã hội, nhưng cũng đầy cảm động về tình mẫu tử.

Có tiếng người trong gió là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Buổi ra mắt tác phẩm diễn ra chiều 30/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong khuôn khổ Hội sách Mùa xuân.

Tác phẩm mở ra bằng không gian một kỹ viện tại Trung Quốc. Một kỹ nữ đến hồi giải nghệ gặp gỡ một chàng trai chưa nếm mùi đời. Kỹ nữ linh cảm rằng người khách trẻ chính là đứa con mà cô tìm kiếm bao năm. 

Tại Việt Nam, một tổ chuyên án được thành lập, điều tra về nạn bắt cóc, mua bán trẻ sơ sinh...

Tác phẩm cũng đưa người đọc tới địa danh có tên Tuyết Sơn Thạch – một vùng núi hoang sơ mang màu sắc liêu trai. Nơi đây, những chàng trai trẻ được nuôi tới tuổi 20, rồi bị mang đi lấy nội tạng. Họ chết ở cái tuổi đẹp của đời người.

Ba câu chuyện tưởng chừng khác biệt, nhưng được tác giả kết nối một cách khéo léo. Người đọc dần khám phá ra câu chuyện hình sự về nạn mua bán nội tạng người. 

Tuy lấy câu chuyện điều tra, lần theo dấu vết tội phạm làm mạch dẫn dắt, song Nguyễn Xuân Thủy tự nhận tác phẩm của mình có yếu tố trinh thám chứ không hoàn toàn là tiểu thuyết trinh thám. Tác giả nói: “Có tiếng người trong gió và cả tiểu thuyết trước Sát thủ online tôi đều viết về tình mẫu tử. Mỗi chúng ta đều là người con, đều là ông bố, bà mẹ. Vì thế tôi viết về thứ tình cảm hiện hữu trong cuộc sống mỗi chúng ta”. 

ra mat Co tieng nguoi trong gio anh 1
Tác giả Nguyễn Xuân Thủy trong buổi ra mắt cuốn sách.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng chính tình mẫu tử đã làm nên giá trị nhân văn trong tác phẩm. Ở Có tiếng người trong gió, tình mẫu tử không được miêu tả chung chung, mà nó gắn với câu chuyện, vấn nạn xã hội đương đại. Nhà phê bình phân tích: “Chất liệu để Xuân Thủy viết sách liên quan đến ba vấn đề nhức nhối: buôn bán trẻ con, buôn bán phụ nữ, buôn nội tạng người. Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện hấp dẫn của tác phẩm này. Các vấn đề nóng của xã hội chỉ là chất liệu làm nên cuốn sách. Tình mẫu tử thiêng liêng mới là điều gây ám ảnh”. 

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đánh giá: “Có tiếng người trong gió là một cuộc thăm dò và rọi sáng vào bản năng, cái ác. Cái ác ngày càng là chủ đích lựa chọn rồi được lập trình, trình diễn bài bản đến hoàn hảo bởi những trí thức giang hồ. Không lẽ loài người càng đi gần về phía văn minh thì càng đánh mất nhân tính?” Nhà phê bình nhận định tác giả đã rút ngắn cự li tiếp cận, dấn nhập với bề bộn ngổn ngang đời sống. Do đó, trí tưởng tượng của người viết được nới giãn, logic nghệ thuật tương thích với logic cuộc sống, khiến cho ngòi bút trở nên tự nhiên.

Cũng đánh giá cao sự dấn thân của Nguyễn Xuân Thủy vào đời sống đương đại, nhà văn Nguyễn Đình Tú nói: “Phần hình sự của tiểu thuyết này viết về tội phạm, tội ác. Hay nhất là tác giả kể câu chuyện mà con người đã lấy đi từng bộ phận của đồng loại để bán cho những đồng loại khác. Đó là vấn đề đau đớn nhất của cong người mà Xuân Thủy chạm tới”. Nhà văn Nguyễn Đình Tú là một bạn văn, một biên tập viên luôn dõi theo sự nghiệp Nguyễn Xuân Thủy. Anh cho rằng với khía cạnh đề tài, các tác phẩm của Xuân Thủy cho thấy tác giả luôn nhanh nhạy với những vấn đề nóng của xã hội.

Bên cạnh đó, Có tiếng người trong gió là một câu chuyện xúc động. Nhà thơ, dịch giả Thụy Anh nói: “Tiểu thuyết nhiều tầng lớp câu chuyện, động chạm đến những vấn đề thời sự của xã hội, thậm chí có những việc như vừa xảy ra hôm qua đây thôi đã thấp thoáng trong lời kể của nhà văn rồi. Người nhìn ra trước các sự kiện trong dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc hay những phận người vẫn cứ đầy đắng cay như vậy, chỉ cần ai đó nhận ra, kể về họ một cách ám ảnh, xót thương, đầy trân trọng, khiến ta khó có thể thờ ơ với những ngạo ngược trái khoáy của cuộc đời? Nhưng sau tất cả, là tình người còn lại. Tình mẫu tử trong Có tiếng người trong gió ấm áp, rạng rỡ ngay cả ở câu chuyện đầy bi kịch”.



Hiền Đỗ

Bạn có thể quan tâm