Tác giả như dự cảm một sự thật, là thời đang sống, đang có rất nhiều thứ có vẻ to tát, nhưng thiếu chăm chút cho những việc nhỏ trong mỗi người của cuộc sống. Những trăn trở nhân văn đó đã làm nên một phong cách Đoàn Công Lê Huy, trong một hướng đi đẹp, chân thành, thủ thỉ với bạn trẻ trong vòng tay hướng thiện.
Với bút danh Chánh Văn nức tiếng trên tờ báo Hoa Học Trò dành cho tuổi mới lớn, gần 15 năm ròng, từ “những điều bé nhỏ” mà bạn trẻ nhận được những tâm tình nhân hậu, những bài học từ trải nghiệm cuộc sống với cái nhìn đa diện nhằm “gỡ rối” cho những tình huống, ứng xử ở lứa tuổi học trò.
Tôi chọn cuốn Yêu xứ sở, thương đồng bào để đọc trước trong bộ sách 4 cuốn của Đoàn Công Lê Huy (Một chú bé và một người cha, Gửi em mây trắng, Yêu xứ sở thương đồng bào và Những bàn tay vẫy và những ngọn đèn ngoan). Qua tháng năm, những dòng tâm sự chân thành nhất về tình yêu quê hương xứ sở như vẫn nồng đượm, khi miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên đang gắng sức sống trong khô hạn.
4 cuốn trong bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ của tác giả Đoàn Công Lê Huy. |
Đây “cánh đồng nứt nẻ. Đất ruộng cứng như đá. Và sỏi đá thì như bị rang lên. Những con kênh kiệt nước. Những giếng làng trơ đáy. Một đôi cái giếng còn lại mạch ri rỉ chảy. Dân làng thức suốt đêm chỉ chắt được vài thùng” (Mây trắng sân trường có mưa trên quê hương).
Lắng nghe cùng tuổi thơ, anh có chung một phát hiện với các em và “mây trắng luôn là nỗi khát khao mong đợi… Đó là màu trông đợi của xứ sở. Mây trắng sân trường được gửi gắm niềm hy vọng tươi tắn, làm xanh tươi quê nhà. Là nỗi khát khao gieo trồng tương lai”.
Nhà văn Nga Y. E-ren-bua từng viết: "Dòng suối đổ về sông, dòng sông đổ ra biển, tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu những điều bình thường nhất".
Trong hành trình ấy, Đoàn Công Lê Huy đã cầm những bàn tay nhỏ để đi trên con đường dài bồi đắp phẩm chất trong tình yêu xứ sở, đồng bào mình. Bắt đầu từ tọa độ Việt, tiếng Mẹ, lá rụng mùa thu, là ngọn mía, quả cam, miếng trầu, là chuyên kể của bà, tiếng rao trên phố, cơn mưa lũ hay vạt nắng ngày hạ.
Từ ô cửa nhỏ nhìn ra thế giới, những bí ẩn của cuộc sống luôn gõ cửa tâm hồn giới trẻ ưa khám phá. Cuốn Một chú bé và một người cha như một cuốn cẩm nang tâm lý sinh động. Đoàn Công Lê Huy đã cúi xuống thật gần để thủ thỉ cùng các em trước bao điều bí mật của cuộc sống thường ngày, dễ gặp dễ thấy nhưng không dễ để tìm lời giải tức thì. Như một lần anh đã nhắn nhủ “con sẽ lớn lên, sẽ tự mình vững vàng trên đôi chân của mình, sẽ nặng thêm đến mức vô hạn về mặt kiến thức nếu con chăm chỉ học".
Trước nhất cuốn sách là những bài học thật gần gũi thú vị về những tình huống, sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày. Tinh tế và thấu đáo, tác giả đã giúp và cùng các em qua những “chông chênh” dễ vấp. Lắng nghe trái tim mình để kết nối với cuộc sống muôn điệu của bao người.
Là một sứ giả với những thông điệp dành cho tuổi mới lớn, bút hiệu Chánh Văn đã thành địa chỉ vàng cho những tâm tư, bộc bạch của lứa tuổi “hoa học trò”. Anh đi cùng các em, ngõ hầu là “người anh cả biết lắng nghe và thấu hiểu”, gần gũi tiếp xúc với biết bao tâm tình riêng tư, đã làm nên một Đoàn Công Lê Huy đủ năng lượng và sự nồng hậu để nâng đỡ một cú vấp ngã, hay bồi đắp ứng xử cho các em. Những bàn tay vẫy, những ngọn đèn ngoan đã làm nên một phong cách Chánh Văn - Đoàn Công Lê Huy. Chân trời kiến thức của tuổi mới lớn đầy thêm lên từ những mảnh nhỏ của đời sống được gom vào. Anh giúp các em nhận ra một điều “Tuổi chỉ đẹp khi có sự quan tâm thấu hiểu và yêu thương” (Thư gửi người lớn).
Nuôi dưỡng cái đẹp để phòng ngừa sự len lỏi của cái xấu. Trong cuốn Gửi em mây trắng, bạn đọc hẳn sẽ không quên một tâm nguyện của tác giả: “Sự thật là tốt đẹp một khi bạn vẫn luôn biết giật mình, biết tự điều chỉnh mình trong mọi không gian và thời gian, từ những manh nha nhỏ nhặt cám dỗ hàng ngày, để sao cho mỗi ngày qua đi là một ngày yên tâm không hổ thẹn khi bạn trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói tới việc làm".
Những câu chuyện nhỏ trong cuốn sách như những miếng ghép nhiều năm tạo nên bức hình của lòng yêu thương, sự vị tha, được tác giả ươm mầm gieo vào trong những trang viết súc tích, ngắn gọn. Những mẩu chuyện như sống trong chiêm nghiệm (Bao giờ cho đến ngày xưa, Để áo em còn trắng, Hãy đừng là hạt lép, Như chú mèo chạy lăng quăng trên đồi, Một hành tinh hấp dẫn…) đánh thức lòng trắc ẩn (Câu chuyện trong ánh lửa, Giá trị của khoảng trống, Sự thật của trái tim, Cứ giữ trong lòng em tin yêu…)
Với một tình thần trách nhiệm cao trước bạn đọc, đầu tiên là với tuổi mới lớn, Đoàn Công Lê Huy đã có được điều cốt yếu qua bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ của mình, đó là nuôi dưỡng cách sống đẹp, con người đẹp. Anh nhìn thấy cùng với các em những việc nhỏ thường ngày, để thấy sự gần gũi, những thì thầm yêu dấu nâng niu và bồi đắp tâm hồn cho tuổi “hoa học trò”.