Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quấn-Quít' hay ám ảnh về sự cô độc của Romain Gary

Bằng câu chuyện phi lý về tình bạn giữa người đàn ông trưởng thành và con trăn, nhà văn người Pháp đã lột tả sự đơn độc thật tài tình.

Vừa qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’space (Hà Nội) đã tổ chức buổi toạ đàm “Lại nói chuyện Romain Gary”. Buổi tọa đàm là cơ hội để những người yêu văn học Pháp trao đổi về các tác phẩm của nhà văn người Pháp đã hai lần nhận giải giải Goncourt. Đặc biệt là Quấn-Quít, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cuả Romain Gary mới được dịch giả Hồ Thanh Vân chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đạo diễn Đỗ Văn Hoàng và bạn Đặng Hương Giang, sinh viên Đại học Sư phạm I. Các diễn giả đã chia sẻ những cảm nhận và đánh giá của mình về văn phong của Romain Gary bằng ngôn ngữ đa chiều của văn học và điện ảnh. Đặc biệt là tiểu thuyết Quấn-Quít, một tác phẩm tuy mỏng manh nhưng có sức nặng, đa nghĩa và nhiều ẩn dụ.

Cuốn sách là câu chuyện về Cousin, một người đàn ông 35 tuổi, độc thân, ít nói. Cuộc sống của anh ta là một chuỗi ngày buồn tẻ với những hoạt động lặp đi lặp lại. Trong mắt những người xung quanh, Cousin là một con người lập dị. Để xua đi nỗi cô đơn và tìm cho mình một chút an ủi anh ta nuôi một con trăn lớn và đặt tên nó là Quấn-Quít. Càng gần gũi Quấn-Quít, Cousin càng xa lánh con người, đánh mất đi bản ngã và mối liên hệ với thế giới xung quanh để tự chôn vùi mình trong hố sâu của cô độc.

Tieu thuyet Quan- Quit anh 1
Tiểu thuyết Quấn-Quít

Bằng cái nhìn sâu sắc của giới chuyên môn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cảm thấy ấn tượng với Quấn-Quít, ông chia sẻ: “Bằng một cuốn tiểu thuyết khá mỏng nhưng Romain Gary đã lột tả được nỗi cô đơn lên đến đỉnh điểm của con người trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Ở đó một số cá nhân bị cô lập và xóa bỏ khi không tìm được tiếng nói với đồng loại và xã hội. Điều làm Romain Gary không lẫn lộn với các nhà văn khác chính là nhờ lối cấu trúc khác lạ, không lệ thuộc vào hiện thực. Chúng ta thấy điểm này được thể hiện rất rõ trong Quấn-Quít”.

Tieu thuyet Quan- Quit anh 2
Các diễn giả trong buổi tọa đàm

Còn đối với Đặng Hương Giang, một độc giả trẻ đã đọc khá nhiều tiểu thuyết của Romain Gary thì cảm nhận được chất nhân văn trong tác phẩm của ông, theo cô: “Văn của Romain Gary có chất châm biếm và trào phúng, nhưng ông châm biếm không phải để cười. Trong giọng điệu đầy chất giễu nhại của tác giả ta cảm nhận được sự chua xót cho số phận của con người”.

Quấn-Quít, được viết năm 1974, là một tiểu thuyết đặc biệt trong gia tài các sáng tác của Romain Gary. Nó là tác phẩm đầu tiên Romain Gary viết dưới bút danh Émile Ajar. Đồng thời Quấn-Quít cũng đánh dấu thời kỳ đổi mới trong bút pháp của Romain Gary, rời xa lối tự thuật, ông tìm đến những ẩn dụ mang đậm tính triết lý để biểu đạt những trăn trở của bản thân. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Romain Gary được viết dưới bút danh Émile Ajar trong giai đoạn 1974 cho đến lúc nhà văn qua đời vào năm 1980 như: Quấn-Quít, Nỗi u buồn của vua Solomon, Cuộc sống ở trước mặt, Giả. Trong đó có Cuộc sống ở trước  mặt  được trao giải Goncourt năm 1975.



Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm