Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Ngọc Thạch khóc nhiều khi viết ‘Lạc giữa miền đau'

Nhà văn trẻ cho biết, trong thời gian viết “Lạc giữa miền đau” anh khóc rất nhiều vì sống cùng tâm lý của các nhân vật.

Tác giả của Đời Callboy thường tỏ ý không hài lòng khi mọi người nhận xét anh dũng cảm sống với giới tính thật của mình. Nguyễn Ngọc Thạch bảo giới tính đâu phải câu chuyện thật – giả, do vậy việc sử dụng cụm từ “công khai giới tính thật” hình như không phù hợp về mặt logic khoa học. Trong văn chương, Nguyễn Ngọc Thạch cũng là một trường hợp lạ, sẵn sàng khai thác những ngóc ngách khuất lấp và thầm kìn nhất của con người như thể chính bản thân đã trải qua, nhất là về đề tài đồng tính.

Dù rằng, cấu trúc nghệ thuật văn chương trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thạch thường không được đánh giá cao nhưng câu chuyện, lời văn và cách kể thì dễ chiếm cảm tình của nhiều người, không hẳn chỉ những người thuộc cộng đồng LGBT.

Nguyen Ngoc Thach khoc khi viet lac giua mien dau anh 1
Tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch. Ảnh: NVCC

Hành trình viết cuốn sách nào cũng là sự cô độc

- “Bình cũ rượu mới” trong văn học vẫn được xem là con dao hai lưỡi, độc giả có thể đón nhận nồng nhiệt vì tò mò diễn biến tiếp theo nhưng cũng dễ thẳng thắn chê bai khi so sánh với phần trước. Lý do khiến anh viết tiếp câu chuyện “Khóc giữa Sài Gòn” của 5 năm về trước là gì?

- Trong công việc viết lách, đôi khi tôi nhận bản thân là một người rất ích kỷ, viết để thoả cái tôi của mình trước khi nghĩ đến những thứ xung quanh và kết quả của nó. Khi viết xong Khóc giữa Sài Gòn tôi luôn cảm thấy còn nợ các nhân vật một con đường, một câu chuyện và vì vậy tôi quyết định viết tiếp. 

Việc khen chê, so sánh với phần trước hay thậm chí so sánh với những tác phẩm khác là điều không thể tránh khỏi. Nhưng một khi tác phẩm đã hoàn thành, đến với độc giả, câu chuyện không còn là của mình nữa, mọi đánh giá, bình phẩm thuộc về người đọc và tôi đều trân trọng.  

- Tâm thế của anh khi viết “Lạc giữa miền đau” có gì khác “Khóc giữa Sài Gòn”?

- Nếu Khóc giữa Sài Gòn viết trong nỗi cô đơn, thì Lạc giữa miền đau được viết trong tâm thế bình thản hơn. Ở thời điểm hiện tại, tôi thấy mình bình tĩnh và nhìn nỗi đau đã qua một cách bình thản hơn. Vì vậy, nhân vật của tôi dù có chọn cái kết ra sao thì đau thương vẫn nhẹ nhàng hơn trước. Ngay cả đến cái chết, tôi cũng để nhân vật thực hành nó một cách không nặng nề.

- Quá trình viết “Lạc giữa miền đau” của anh diễn ra như thế nào?

- Hành trình viết của bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào cũng là sự cô độc. Từ cảm giác còn nợ các nhân vật một kết thúc, tôi lên ý tưởng và bắt đầu thu nạp nỗi cô đơn, nỗi đau và thông tin từ hiện thực cuộc sống, đến khi đã cảm thấy đủ thì giam mình lại để bắt đầu vào giai đoạn viết. Trong thời gian viết, đã có lúc tôi khóc rất nhiều theo tâm lý nhân vật, cũng có lúc mình phải dừng lại để thở và cân bằng cảm xúc. Khoảng ba tháng thì cuốn tiểu thuyết hình thành.

- Sau 5 năm, các nhân vật trong câu chuyện đều thay đổi và ai cũng chọn được con đường đi của riêng mình. Còn anh thì sao?

- Năm năm, nghe thì nhiều nhưng thật ra lại trôi qua rất nhanh. Con đường của tôi 5 năm qua dù chỉ trải qua trên những con chữ nhưng cũng nhiều sóng gió, lắm thị phi, may là cuối cùng, mọi thứ sẽ ổn thôi. Thay đổi lớn nhất của tôi trong 5 năm qua là trở thành một tác giả có nhóm độc giả của riêng mình và đã kiểm soát được sự giận dữ, không còn nóng nảy như trước đây. Tôi thấy mình đã bắt đầu tu đạo “buông xả”.

- Anh muốn gửi gắm điều gì thông qua cuốn sách này?

- Mình nghĩ mỗi cuốn sách sẽ có nhiều điều nho nhỏ khác nhau trong đó, tuỳ thuộc vào nhân sinh quan của người đọc họ sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp khác nhau, nên câu trả lời này, mình dành lại cho mỗi độc giả của cuốn sách.

Nguyen Ngoc Thach khoc khi viet lac giua mien dau anh 2
Nguyễn Ngọc Thạch là một nhà văn chuyên viết về đề tài LGBT, anh có nhiều tác phẩm được yêu thích như "Đời Callboy", "Chuyển giới", "Khóc giữa Sài Gòn" và mới đây là "Lạc giữa miền đau". Ảnh: NVCC

Tính nữ ẩn sâu trong tâm thức đàn ông

- Anh nhận định “Trong bất kỳ gã đàn ông nào cũng có một phần đàn bà” còn một nhà văn khác khi mở đầu một cuốn sách viết về đồng tính của mình cũng trích dẫn “con đực chỉ được ở vài thời điểm”. Dường như các nhà văn khi viết về chủ đề đồng tính thường cố gắng xây dựng một chân lý gì đó về giới. Anh có nghĩ vậy?

- Tôi nghĩ đó không phải chân lý đâu, đó là sự thật đấy. Cơ bản thì môi trường sống của bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải trải qua chín tháng trong tử cung người mẹ, đó chẳng phải môi trường thuần tính nữa hay sao, và tính nữ đó nằm ẩn sâu trong tâm thức đàn ông. Còn về chân lý, tôi không nghĩ bản thân đủ khả năng uyên bác để sản sinh ra một chân lý, với tôi đó chỉ là một thông điệp mang tính quan điểm cá nhân.

- Là một trong số ít các nhà văn trẻ có thể sống bằng nghề viết sách. Anh có bí quyết gì để sức viết dồi dào như vậy?

- Chính xác thì tôi sống bằng nghề viết chứ không hẳn viết sách. Tôi viết khá nhiều định dạng và thực hành viết mỗi ngày, mỗi khi có thể. Cảm hứng thì từ cuộc sống, từ con người và từ cảm nhận của chính bản thân. Với nguồn đề tài vô tận như vậy, tôi có thể viết nhiều và rất nhiều. Tất nhiên, năng lượng viết dồi dào còn bắt nguồn từ tình yêu của độc giả.

- Dễ thấy đề tài đồng tính không còn độc lạ trên văn đàn như một vài năm trước. Anh có định sẽ chuyển hướng sang viết những chủ đề khác thay vì miệt mài khai thác chủ đề này?

- Thật ra đồng tính cũng chỉ là một mặt của cuộc sống, tuỳ vào cách khai thác sẽ cho nó những câu chuyện khác nhau. Nếu đến tận bây giờ, những người viết về đề tài đồng tính cứ mãi loay hoay trong mỗi câu chuyện yêu đương, đau khổ, chia xa hay đấu tranh cho việc được nhìn nhận thì có lẽ sẽ không còn đủ sức hấp dẫn, độc giả cần nhiều hơn như vậy, quan trọng nhất vẫn phải là một câu chuyện hay và không đơn tính.

Nguyen Ngoc Thach khoc khi viet lac giua mien dau anh 3
Ngoài công việc chính là viết sách, anh còn được biết đến là một trong host của chương trình Bitches in Town. Ảnh: NVCC

Tôi vẫn có vốn sống để viết dù ngồi một chỗ

- Thông qua mạng xã hội và Bitches in Town dễ thấy anh có sở thích bình luận điện ảnh. Sở thích này bắt nguồn từ đâu?

- Từ việc thích xem phim và đã từng phải tốn tiền cho nhiều bộ phim dưới mức trung bình và được làm cẩu thả bởi những nhà làm phim thiếu tâm. Tôi thấy cách đánh giá một bộ phim của tôi cũng chẳng cao siêu, học thuật gì, đó chỉ đơn thuần là cảm giác của một khán giả bình thường nói về một bộ phim. Có lẽ nhờ vậy mà nhiều khán giả có cùng quan điểm và nhận định với mình.     

- Lượt xem và tương tác trên mạng xã hội của Bitches in Town không còn “hot” như trước đây. Là một trong những "chủ xị", anh lý giải sao về điều này?

- Mình không có bình luận về việc này, bởi tiêu chí đầu tiên của BIT cũng chẳng phải để trở thành hot hay có lượt view khủng, thứ BIT muốn làm là đưa đến một góc nhìn khác cho những vấn đề diễn ra ở xã hội, và thường những thứ “khác” sẽ khó tiếp cận người xem hơn những thứ đại trà.

- Sau khi viết xong một cuốn sách nhiều tác giả chọn cách đi du lịch để bồi đắp vốn sống. Anh thì sao?

- Tôi chọn cách quan sát cuộc sống và viết tiếp. Đi du lịch hay không cũng chỉ là hình thức, nếu đi để chụp hình, đăng lên mạng xã hội khoe rằng đã từng đến nơi đó thì bảo đảm trang viết của bạn sẽ chẳng bao giờ sâu sắc và chạm được độc giả. Chỉ khi nào bạn cảm nhận được vùng đất ấy bằng trái tim và viết về nó thì mới có thể khiến độc giả yêu quý. Vì lẽ đó, dù chỉ cần ngồi ở một nơi, đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu đủ sâu, tôi vẫn có thể cho ra đời một câu chuyện hấp dẫn. 


Lê Quang Đức

Bạn có thể quan tâm