Nguyễn Văn Tùng trưởng thành từ lứa trẻ của CLB Hà Nội và được HLV Philippe Troussier phát hiện, rèn giũa. Anh cũng trải qua chuỗi ngày khủng hoảng trước khi tỏa sáng ở U23 Việt Nam.
Văn Tùng trưởng thành vượt bậc khi khoác U23 Việt Nam tại SEA Games 31 rồi giải châu Á 2022. Ảnh: Y Kiện. |
Mẫu tiền đạo thích chạy chỗ, dứt điểm
- Bàn thắng vào lưới U23 Thái Lan ở vòng bảng là pha ghi bàn rất đẹp mắt và đem lại nhiều cảm xúc cho người hâm mộ. Là người trực tiếp ghi bàn, Tùng có thể chia sẻ gì về khoảnh khắc đó?
- Ghi được bàn thắng, tôi rất vui vì mình đóng góp vào thành tích chung của cả đội. Tình huống đó, có thể nói là tôi cũng gặp may khi bóng rơi đúng tầm chân mình.
Khi thấy Phan Tuấn Tài đang quan sát, tôi gọi và nhìn thấy cậu ấy nhìn mình. Tôi chủ động di chuyển, tách khỏi hậu vệ đối phương để đón bóng. Đó là tình huống phối hợp chúng tôi đã tập luyện rất nhiều.
- U23 Việt Nam ở 2 thời HLV Park Hang-seo và Gong Oh-kyun, có vẻ như hai hậu vệ cánh có cách chơi khác nhau?
- Đúng vậy. Thầy Park thiên về phòng ngự. Thầy Gong thích chơi tấn công, nên hậu vệ cánh thường dâng lên cao nhiều hơn. Tiền đạo được hỗ trợ nhiều hơn trong những pha tấn công. Ngược lại, ở cả 2 đội, chúng tôi đều được yêu cầu phòng ngự.
- Hai HLV có yêu cầu như thế nào với các tiền đạo?
- Thầy Park ưa thích mẫu tiền đạo tì đè, làm tường. Thầy Gong thì thích dùng tiền đạo có khả năng chạy chỗ, dứt điểm và đánh đầu. Tôi thiên về lối chơi kỹ thuật, chạy chỗ nhiều hơn.
Thầy Park thích kiểu làm tường, đè. Thầy Gong thiên về khả năng chạy chỗ dứt điểm, đánh đầu hơn. Qua 3 đời thầy ngoại ở các đội tuyển, tôi thiên về kỹ thuật, chạy chỗ.
- HLV Troussier là người phát hiện ra khả năng và trao nhiều cơ hội cho Tùng. Hai người giờ còn liên lạc không?
- Tôi được ông ấy chỉ dạy rất nhiều, đặc biệt là những tình huống dứt điểm. Đến giờ, chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Thi thoảng, chúng tôi nói chuyện, động viên nhau. Kết thúc giải vừa rồi, thầy cũng gọi điện chúc mừng.
- Nói về phong cách chơi bóng, dứt điểm bóng sống có vẻ như là sở trường của bạn?
- Đúng vậy. Mỗi buổi tập, tôi cố gắng dành khoảng 15 phút để rèn khả năng dứt điểm. Người thường chuyền bóng cho tôi là Nguyễn Hai Long. Ở khoảng cách 25 m trở xuống so với khung thành, tôi hay dứt điểm bằng cách bẻ lòng, bằng cả 2 chân.
Tôi khá thần tượng anh Tiến Linh. Có cơ hội đi cùng, tập cùng, tôi thấy cách anh ấy dứt điểm rất hay và cố gắng học theo.
Văn Tùng thừa nhận cá tính của mình nhiều lần khiến đội bóng chịu ảnh hưởng. Ảnh: Nguyên Khang. |
Khiến đội bóng ảnh hưởng vì cá tính mạnh
- Dù vậy, nhiều lúc Tùng chơi bóng theo cách "băm bổ"?
- Tính tôi máu chiến từ xưa. Tôi được thầy Philippe Troussier rèn giũa từ U19 Việt Nam. Ông ấy thích mẫu tiền đạo biết "dọa" đối phương.
- Việc tạo ức chế cho đối phương là một phần của trận đấu?
- Tôi nghĩ đó là điều đương nhiên. Nhưng bản thân cũng phải tiết chế lại, đặc biệt ở những tình huống căng thẳng, để không ảnh hưởng tới đội.
- Tùng có thể dùng một từ để miêu tả về cá tính chơi bóng của mình không?
- Máu chiến.
- Cá tính đó có làm ảnh hưởng đến ai không?
- Rất nhiều là đằng khác. Điều may mắn là tôi chưa khiến ai gặp chấn thương. Tính cách đó đều khiến đội bóng của mình chịu ảnh hưởng. Kỷ niệm tôi nhớ nhất đến lúc này là ở giải U19 quốc gia năm 2018. Vì sự nóng nảy, máu chiến của mình, tôi khiến CLB bị loại.
Ở trận cuối vòng loại, CLB Hà Nội gặp Nam Định. Đó là trận đấu quyết định tới cơ hội đi tiếp. Tôi đấm cầu thủ đội bạn và nhận thẻ đỏ, khiến đội nhà chơi thiếu người rồi bị loại.
Sau trận, các thầy không chỉ trích gì. Tôi còn được động viên sau sai lầm của mình, nhưng bản thân rất hối hận.
Tại giải U21 quốc gia năm vừa rồi, tôi cũng không được chơi trận chung kết. Ở bán kết, tôi phạm lỗi với anh Dụng Quang Nho và bị treo giò. Ngồi trên khán đài, tôi không biết làm cách nào để có thể cùng đồng đội chiến đấu.
Khi nhìn đội bóng của mình thất bại, thực sự là rất khó chịu. Tôi hiểu là CLB bị ảnh hưởng rất nhiều vì cá tính của bản thân. Tôi cũng hiểu là mình cần tiết chế hơn.
- Nói về chuyện dằn mặt. Tùng có bao giờ bị đối phương làm như vậy, và có sợ không?
- Tôi chưa bao giờ thấy sợ khi đối đầu hậu vệ Thái Lan. Đội bạn cũng chơi ít tiểu xảo. Khi được thầy Park triệu tập, bản thân tôi đã tự tiết chế đi rất nhiều. Thầy Gong cũng không khuyến khích cách chơi đó và đưa ra nhiều lời nhắc nhở.
- Theo Văn Tùng, phải làm sao để mình tiết chế, khi đó đã là cá tính của mình?
Trên sân, tôi có đồng đội nhắc nhở. Họ can ngăn, hạn chế tôi lại ở những tình huống căng thẳng.
- Tiểu xảo là phần tất yếu của bóng đá. Tùng có nghĩ là mình phải học thêm về khoản này không?
- Có chứ, các anh lớn ở đội cũng chỉ dạy nhiều, làm sao để gây khó khăn cho đối phương, khiến họ ức chế. Mình phải biết làm gì trong khuôn khổ cho phép. Ở giải vừa rồi, Saudi Arabia hay dùng "chiêu" trích mũi giày. Hàn Quốc thì vào bóng rất mạnh, rát. Đó cũng là một cách chơi để hạn chế đối phương.
Văn Tùng ăn mừng bàn thắng vào lưới U23 Thái Lan cùng đồng đội. Ảnh: AFC. |
Thích thú khi đối đầu đội bóng mạnh
- Họ là những đối thủ mạnh. Tùng có bị tâm lý khi phải đối đầu với những đội bóng vượt trội về đẳng cấp không?
- Tôi không rõ những cầu thủ khác thế nào. Bản thân tôi luôn có sự hào hứng và rất thích khi được thi đấu với những đối thủ mạnh hơn. Tôi cố gắng tìm hiểu đối thủ, xem băng hình họ thi đấu. Thái Lan thì tôi đã hiểu quá rõ rồi, nên không cần tốn nhiều thời gian. Với Hàn Quốc, tôi được phân tích viên của đội gửi video và tập trung để phân tích họ.
- Ở giải châu Á vừa qua, ban đầu Tùng không có tên trong đội hình xuất phát trận hòa U23 Thái Lan, rồi lại được điền tên. Bạn có phải chuẩn bị nhiều hay làm gì để thích ứng nhanh với thay đổi này không?
- Dù vào sân từ đầu hay được thay người, tôi cũng luôn thi đấu với sự quyết tâm cao nhất.
- Ở CLB Hà Nội hiện tại có nhiều tiền đạo ngoại, có cả đàn anh đang chơi tốt. Bạn nghĩ mình có cơ hội cạnh tranh không?
- Cơ hội phải đến từ sự cố gắng. Từ những buổi tập mình phải thể hiện được bản thân. Bất kể trận đấu nào, cơ hội nào, tôi cũng ra sân với tinh thần chiến đấu cao nhất.
- Phạm Tuấn Hải, đàn anh của bạn và cũng được lên đội tuyển quốc gia, nhưng ở CLB phải chơi lùi xuống gần giữa sân hơn. Tùng có nghĩ mình cũng sẽ như vậy?
- Đó là do sắp xếp của HLV. Bất kỳ vị trí nào, tôi cũng chấp nhận và chiến đấu hết mình. Tất nhiên, vị trí tôi ưng ý nhất vẫn là tiền đạo cắm. Không được thi đấu đương nhiên là khiến phong độ sụt giảm. Không cầu thủ nào mong muốn điều này.
- Trở lại với giải U23 châu Á vừa qua, điều tiếc nuối nhất của Tùng là gì?
- Tôi chưa thể hiện được hết cả khả năng của mình. Bản thân đã nỗ lực, cố gắng tối đa, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với những gì mình thể hiện.
- Với những gì U23 Việt Nam đã thể hiện, theo Tùng nếu Asian Games không bị hoãn, chúng ta có cơ hội để tiến sâu không?
- Không thể nói trước điều gì trong bóng đá. Chúng tôi phải cố gắng thôi. Thầy Gong đã chỉ dạy rất nhiều và rất thoải mái để chúng tôi cố gắng thể hiện mình.
- Được biết, Tùng phải trải qua thời gian dài nghỉ thi đấu vì chấn thương. Bạn có thể chia sẻ gì không?
- Năm 2019, sau giải châu Á, tôi thi đấu ở giải U19 quốc gia và bị đứt dây chằng ở trận cuối vòng bảng. Tôi bị đối phương ngáng chân khi đang chạy, khiến gối bị khuỵu xuống. Tới ngày hôm sau, tôi mới được biết thông tin chấn thương của mình.
Những ngày đầu quả thực là rất khó khăn. Tôi bị suy sụp và khóc rất nhiều. Tôi lo lắng cho tương lai khi đó là loại chấn thương rất nặng và có ảnh hưởng lâu dài tới khả năng chơi bóng.
Bố mẹ, người thân và đặc biệt là thầy Nguyễn Quang Huy động viên tôi rất nhiều. Họ là động lực để tôi cố gắng vượt qua và sau hơn một năm, tôi đã trở lại.
- Cám ơn Tùng về những gì đã chia sẻ.