Trong đêm nhạc Chế Linh tại Hà Nội cách đây chừng hai năm, Anh Thơ xuất hiện với tư cách khách mời và thể hiện Khúc hát sông quê. Khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia gần 4.000 người vỗ tay vang dội.
Không ai nghĩ rằng trong một đêm nhạc thuần Bolero, một sáng tác mang âm hưởng dân gian, tưởng như sẽ “lệch tông” với chủ thể lại được đón nhận đến vậy.
Anh Thơ là giọng ca thể hiện nhiều sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. |
Trong thời gian ca hát hơn 20 năm của mình, Anh Thơ đã nhiều lần hát Khúc hát sông quê. Nữ ca sĩ từng chia sẻ với Zing.vn rằng đó là một trong những ca khúc chị thường được khán giả yêu cầu hát lại nhiều nhất. Và có lẽ đó cũng là bài hát góp phần làm nên tên tuổi của chị, trong lòng khán giả.
Người nặng lòng với quê hương
Tác giả của Khúc hát sông quê là Nguyễn Trọng Tạo. Sinh thời, ông từng tâm sự đây là sáng tác để “cảm tạ làng quê”. Ca khúc được phổ từ thơ của Lê Huy Mậu, một bạn thơ của ông.
Chuyện là sau một cuộc nhậu với Lê Huy Mậu, Nguyễn Trọng Tạo đã đọc được bài thơ Khúc hát sông quê của bạn. Chỉ với ba lần đọc, ông đã chọn lọc và viết lại một số câu thơ cho hợp với sự phát triển của âm nhạc.
Ngay sau đó, toàn bộ bài hát đã ngân lên trong Nguyễn Trọng Tạo. Ông lấy giấy nhạc ra, và chỉ cần chép lại bản nhạc vốn đã lưu vào trong đầu.
Trong bài viết đăng tải trên trang cá nhân hồi năm 2018, cố nhạc sĩ tiết lộ ông rất thích câu “lúa gặt rồi - còn để lại rơm thơm”. Nhưng để giữ được câu đó, nhạc sĩ phải dẫn dắt bằng những hình ảnh quen thuộc ở chốn sông quê “con cá dưới sông, cây trồng trên bãi” như một sự hiển nhiên.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Lê Huy Mậu. |
Nhờ cái sự hiển nhiên đó mà nó làm “đòn bẩy” cho câu tiếp theo “lúa gặt rồi – còn để lại rơm thơm” mang được ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc bất ngờ.
“Và cuối cùng là câu kết, gói lại, cũng là mở ra hình tượng con sông quê, chính là hình tượng người mẹ, hình tượng quê hương mãi mãi trào dâng trong tâm trí mỗi người: Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng. Câu thơ này không có trong bài thơ. Khi viết xong bài hát, tôi tặng Lê Huy Mậu câu này để kết bài thơ, và Mậu rất vui”, cố nhạc sĩ viết.
Người thể hiện đầu tiên ca khúc là NSND Thu Hiền. Sau này khi trở về Hà Nội, nhạc sĩ chọn Anh Thơ để thể hiện bài hát. Anh Thơ bảo nhạc sĩ đã đến nhà tìm chị và gửi gắm sáng tác của mình.
Đúng như lựa chọn của Nguyễn Trọng Tạo, giọng hát Anh Thơ như mang lại một đời sống khác cho ca khúc, được nhiều khán giả yêu thích.
Khúc hát sông quê mở đầu bằng câu hát “qua nửa đời phiêu bạt con lại về úp mặt vào sông quê”. Câu hát đầy tình tự, và có lẽ cũng nói lên nỗi lòng của Nguyễn Trọng Tạo.
Sinh thời, Nguyễn Trọng Tạo hơn một lần tự nhận bản thân là người ham chơi, thích phiêu bạt. Thế nhưng, ông cũng là người nặng lòng với quê hương. Năm 2018, ông có đêm nhạc tại quê nhà Nghệ An, và đó cũng là chương trình cuối cùng của nhạc sĩ.
"Khai thác hiệu quả thang âm điệu thức dân tộc"
Ngoài Khúc hát sông quê, nhiều sáng tác khác của Nguyễn Trọng Tạo cũng nhẹ nhàng, tình tự, gần gũi với nhân dân lao động, tựa như triền đê, dòng sông, cánh đồng.
Ông có một ca khúc rất nổi tiếng, và được miền quan họ hết mực yêu thích là Làng quan họ quê tôi, gắn liền với giọng hát của NSND Thanh Hoa, và sau này là Anh Thơ.
Chia sẻ với Zing.vn, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo mang đậm chất dân gian với giai điệu trong sáng, trữ tình và linh hoạt.
“Trong đó, cố nhạc sĩ chủ yếu khai thác thang âm điệu thức dân tộc. Về thủ pháp không có gì nổi bật nhưng lại đạt được hiệu quả rõ nét. Cụ thể như trong Làng quan họ quê tôi, nhạc sĩ sử dụng thành công chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có chất liệu quan họ để sáng tác”.
Theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long, cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo luôn tạo được không gian âm nhạc gần gũi trong các sáng tác của mình, kết hợp với cách xử lý ca từ rất ấn tượng.
“Dù là tác phẩm có ca từ do nhạc sĩ sáng tác hay phổ thơ thì nó luôn giàu hình tượng lại chan chứa tình cảm và quan trọng nhất là rất rõ nét. Ví dụ Làng quan họ quê tôi, ca khúc được người quan họ rất thích vì đã làm nổi bật một Kinh Bắc giàu truyền thống văn hoá, thể hiện tình yêu với vùng đất và con người nơi đây”, nhà phê bình bày tỏ.
Về hoàn cảnh sáng tác, theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cách đây chỉ hai tháng, một ngày mùa thu 1978, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa cho ông bài thơ Làng quan họ và nhờ phổ thơ.
“Tôi nghe toát mồ hôi…Thơ thì mênh mông mà mấy bài được phổ nhạc? Nhạc sĩ thì nhiều như lá rừng nhưng có phải ai cũng phổ được bài thơ của anh? Tôi thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn anh: Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được, tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ”, ông tiết lộ lúc sinh thời.
Nguyễn Trọng Tạo nhận ông vốn rất mê những điệu hát dân ca quan họ. Từ thời máy bay Mỹ ném bom xuống những trận địa pháo phòng không đặt ở làng ông, ông đã được nghe những anh chị văn công xung kích của quân đội đến làng hát cho bộ đội và dân làng nghe những điệu hát quan họ mượt mà tơ lụa.
"Một liền chị trẻ đẹp đội nón ba tầm mặc áo tứ thân đẹp mê hồn đã hát Bèo dạt mây trôi và Người ở đừng về. Quan họ chinh phục tôi từ đó. Mỗi khi nghĩ đến quan họ, tôi lại thấy hiện lên sông Cầu giống dải bao xanh mà liền chị đã thắt ngang lưng thuở ấy...
"Tôi cũng bị quan họ chinh phục bởi phim Đến hẹn lại lên. Bộ phim ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu thương những con người xứ ấy, những con người suốt đời làm lụng và ca hát, nhưng bao biến động đã vỗ sóng lên số phận không may của họ. Và tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của ông Hoàng thơ Kinh Bắc - Hoàng Cầm", nhạc sĩ từng chia sẻ.
Trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê có lẽ là hai ca khúc tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác, và cũng được biết đến nhiều nhất. |
Và âm nhạc Làng quan họ quê tôi đã ra đời từ tất cả những niềm say mê ấy của cố nhạc sĩ.
Trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, Làng Quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê có lẽ là hai ca khúc tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác, và cũng được biết đến nhiều nhất. Đây là hai ca khúc nằm trong danh sách 20 ca khúc hay nhất viết về nông thôn, nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Nhiều người dân Bắc Ninh từng mong chờ Nguyễn Trọng Tạo sẽ có một đêm nhạc riêng tại miền quan họ, nhưng tiếc thay, ước muốn ấy đã chưa kịp thành hiện thực.