Tối 7/1, một tiếng sau khi con gái nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thông báo ba mình qua đời, hơn một nghìn lời chia buồn đã được gửi tới gia đình.
Trên mạng xã hội, giới văn nghệ sĩ đồng loạt chia sẻ trạng thái thương tiếc. Nhiều người đăng lên những bức ảnh đẹp chụp Nguyễn Trọng Tạo, có người chia sẻ thơ ông, những tấm ảnh chụp chung với vị nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa, nhiều người khác lại dẫn những video ca khúc nổi tiếng của ông.
“Nghẹn ngào nhìn bóng bạn chìm vào bóng đêm”
Nhạc sĩ Thụy Kha - người bạn thân thiết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - đang rất đau buồn. Ông chia sẻ với Zing.vn: “Hôm Noel tôi tới thăm Nguyễn Trọng Tạo, ông cứ khóc hoài, còn giờ thì mình khóc ông ấy”. Nguyễn Thụy Kha nói: “Đây là cái chết được báo trước, nhưng khi nó đến thì tôi rất buồn. Bạn đã đi trước mình rồi”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (trái) và nhạc sĩ Thụy Kha thân nhau từ thời trẻ. |
Giới văn nghệ sĩ thường ví tình bạn của Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha như Bá Nha với Tử Kỳ. Nhưng nhạc sĩ Thụy Kha bảo, hai ông vừa là Bá Nha, vừa là Tử Kỳ vì cả hai đều là người sáng tác, vừa là người tri âm, thưởng thức, bình tác phẩm của nhau.
Nhạc sĩ Thụy Kha quen biết Nguyễn Trọng Tạo khi phổ bài thơ Hát ru em bé Campuchia khoảng năm 1978. Họ trở nên thân nhau từ đó. Không chỉ giao đãi trong nghệ thuật, họ trở nên thân thiết trong cuộc sống. “Chúng tôi có nhau trên mọi nẻo đường, đi nước ngoài cũng đi cùng nhau, nói sao cho xiết thân tình”, nhạc sĩ Thụy Kha chia sẻ. Hai vị nhạc sĩ thân nhau tới mức, ngoài phổ thơ nhau, khi sáng tác, họ còn mượn tứ của nhau để triển khai tác phẩm của mình.
Với Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo là người thẳng thắn nhưng rất nồng ấm, quan tâm tới mọi người: “Với gia đình, Nguyễn Trọng Tạo luôn ân cần. Ông ấy có cô em gái bị ung thư máu, đã đưa cô đi khắp nơi và chữa khỏi bệnh. Khi mẹ ông đi khám bệnh, ông cõng mẹ leo 5 tầng cầu thang. Với bạn bè, ông giao đãi nhiều và được nhiều người quý trọng”.
Chuyến đi xa cùng nhau cuối cùng của nhạc sĩ Thụy Kha với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào tháng 8/2018. Khi ấy, cả hai đi dự một hội thảo, buổi tối, họ đọc thơ và đàn hát. Tới khuya, Nguyễn Trọng Tạo lên xe về lại Hà Nội, nhạc sĩ Thụy Kha ở lại đã nghẹn ngào khi nhìn bóng bạn chìm vào bóng đêm.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sau đêm nhạc "Khúc hát sông quê" tháng 9/2017. |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - người bạn thân với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hơn 30 năm nay - mất bình tĩnh trước thông tin tác giả Khúc hát sông quê đã ra đi. Ông vốn là người hoạt khẩu, làm MC dẫn dắt rất nhiều chương trình, nhưng tỏ ra lúng túng, mãi mới mở lời được để chia sẻ về nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
“Nguyễn Trọng Tạo là một người chơi. Người ta thấy anh rong chơi, khi bia rượu, khi nghệ thuật cũng như một cuộc rong chơi vậy. Anh là người chơi tận lực, tận mình, tận hiến; nhưng đã có đóng góp cho thi ca, âm nhạc, hội họa. Lĩnh vực nào anh cũng để lại dấu ấn”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét.
Với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo thuộc mẫu nhà Nho tài tử: “Anh chơi được với mọi người, vừa rất khuôn phép, vừa rất phóng túng. Tinh thần ‘chơi’ như vậy ít nghệ sĩ nào có được”.
Nguyễn Trọng Tạo còn đây
Trên trang cá nhân, nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ nhiều bức ảnh của Nguyễn Trọng Tạo bên bạn bè, cùng một dòng trạng thái ngắn gọn: “Nguyễn Trọng Tạo còn đây”.
Quả thật, với nhiều văn sĩ, Nguyễn Trọng Tạo chưa hề mất đi, dường như ông chỉ đang rong chơi ở miền nào đó, giống như ông đã rong chơi trong đời sống, trong nghệ thuật bao năm qua.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. |
Trên trang Facebook cá nhân, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - dẫn lời thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài Đồng dao cho người lớn: “Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”. Chị viết: “Chỉ là không ngồi gật gù nhậu với anh, giống như anh đang chu du đâu đấy, rồi về, và cười hiền bên cốc rượu nhấp môi là đủ vui. Tối nay, nghe bài hát này, tin là anh đang cười khi thấy mọi người yêu quý và nhớ anh rất nhiều - nhà thơ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo ạ!”.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh cho biết ông là người mới vào làng văn, quen biết Nguyễn Trọng Tạo vài năm nay, nhưng đã đọc thơ, nghe nhạc, xem tranh Nguyễn Trọng Tạo từ rất lâu rồi. Tác giả Đức thánh Trần chia sẻ lòng ông nặng trĩu khi nghe tin dữ: “Buồn lớn, vì anh Nguyễn Trọng Tạo -một văn nhân tài hoa - đã không chống nổi mệnh trời mà về miền cực lạc. Trần thế anh đã rong chơi. Về miền ấy anh sẽ cứ chơi anh nhé! Thơ anh em vẫn đọc. Nhạc anh em vẫn nghe…”.
Nguyễn Trọng Tạo là người thân tình với bạn văn, đặc biệt với các tác giả trẻ, vì ông luôn muốn đổi mới, cách tân thơ. Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang - cây bút thuộc thế hệ 8X - chia sẻ những kỷ niệm với bậc cha chú: “Bao lần gặp gỡ tình cờ, chú đều dành cho cháu những lời thăm hỏi ân cần. Lần đầu tiên cháu gặp các văn nghệ sĩ với tư cách một tác giả mới, chú cũng là người mở lời trò chuyện cùng cháu. Chú đầy tình yêu thương cuộc sống, gia đình, bạn hữu cùng quê hương. Nguồn năng lượng mạnh mẽ nhiệt thành tràn đầy ngỡ không thể nào tắt!”.
Một số cuốn sách do Nguyễn trọng Tạo vẽ bìa. Ảnh: Châu Hải Đường. |
Nhà nghiên cứu, dịch giả Châu Hải Đường chọn cách chia sẻ những cuốn sách do Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa, cho thấy những đóng góp của vị nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa. Có rất nhiều người biết Nguyễn Trọng Tạo trong lĩnh vực âm nhạc, thi ca, nhưng ít ai biết ông còn là họa sĩ, từng làm bìa cho nhiều cuốn sách.
Dịch giả Châu Hải Đường trích dẫn lời thơ Nguyễn Trọng Tạo: "Bởi tôi tin những sớm chiều/ Người không quen... sống rất nhiều cho tôi", cùng lời chào tiễn biệt: “Xin kính chúc ông an giấc ngàn thu!”.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 tại làng Tràng Khê, Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Ông qua đời lúc 19h50 ngày 7/1, hưởng thọ 72 tuổi.